Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục bị gián đoạn vì dịch bệnh:
Chuẩn bị cho phương án dạy trực tuyến ?
Thứ năm: 08:23 ngày 04/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như tin đã đưa, do diễn biến của dịch bệnh Covid- 19, học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học kể từ ngày 2.2. Một trong những điều cần đặt ra lúc này là ngành Giáo dục phải tính đến phương án dạy học trực tuyến và các hình thức học khác, phi tập trung, sau tết cổ truyền.

Kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp.

Ngày 1.2, Sở Giáo dục và Ðào tạo có tờ trình UBND tỉnh về việc cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covd- 19. Sở GD&ÐT nêu, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm sức khoẻ cho học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên của ngành, đề nghị UBND tỉnh cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông, học sinh giáo dục thường xuyên, học viên, sinh viên, kể cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học được nghỉ từ ngày 2.2. đến 7.2.

UBND tỉnh sau đó có văn bản đồng ý và yêu cầu Sở GD&ÐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chiều 1.2, Sở GD&ÐT có thông báo cho học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 2.2 đến ngày 7.2. Từ ngày 8.2, theo kế hoạch thời gian năm học, học sinh, sinh viên nghỉ tết cổ truyền. Sở GD&ÐT yêu cầu các đơn vị trực thuộc, cơ sở giáo dục chỉ đạo tổ chuyên môn của nhà trường nhắc nhở học sinh ôn tập, tự học ở nhà qua internet.

Trong thời gian này, Sở GD&ÐT khuyến cáo học sinh, sinh viên, giáo viên hạn chế tụ tập, không đến những nơi đông người, nếu không có việc thật sự cần thiết, không di chuyển tới những địa phương đang có dịch bệnh. Sinh viên đang học tại các thành phố lớn hoặc ở những địa phương có dịch bệnh, khi về Tây Ninh phải chủ động khai báo y tế theo quy định.

Chiều tối 1.2, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở GD&ÐT cho biết, trước mắt, cho học sinh, sinh viên nghỉ học vì dịch bệnh, sau đó nghỉ tết cổ truyền. Sau thời gian nghỉ tết, tuỳ tình hình diễn biến của dịch bệnh, Sở GD&ÐT sẽ có thông báo sau.

Hồi đầu năm học 2020-2021, Bộ GD&ÐT cũng đã lên phương án dạy học online trong điều kiện dịch bệnh quay trở lại. Trong phương án được đưa ra vào cuối tháng 8.2020 (thời điểm chuẩn bị cho năm học 2020-2021), Bộ GD&ÐT nêu rõ, dạy học trực tuyến nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi học sinh không thể đến trường tham gia học tập vì những lý do khách quan. Bổ trợ cho phương thức dạy học trên lớp học truyền thống (dạy học trực tiếp) qua đó nâng cao hiệu quả công tác dạy và học, khuyến khích sự sáng tạo, phát triển kỹ năng số của giáo viên, học sinh.

Tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được quyền chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên internet phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Qua đó còn hướng đến nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học cho giáo viên, học sinh.

Bộ GD&ÐT đề ra bốn nguyên tắc dạy học trực tuyến: Một, bảo đảm thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả nội dung dạy học theo quy định, phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh.

Hai, việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh theo các quy định của Bộ GD&ÐT về đánh giá, xếp loại học sinh. Ba, bảo đảm các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến và hướng dẫn sử dụng cho giáo viên và học sinh.

Bốn, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ; các quy định của Bộ GD&ÐT về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức dạy học qua internet và các quy định của pháp luật có liên quan.

Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp. Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp, giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm. Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp khi các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

Tại thời điểm đó, Bộ GD&ÐT cũng đã quy định việc đánh giá và xét, công nhận kết quả học tập trực tuyến. Theo đó, đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định. Ðánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến. Xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.

Khi học trực tuyến, học sinh được tham gia học tập theo chương trình giáo dục phổ thông qua đó hướng dẫn về quy trình tổ chức dạy học, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, phần mềm ứng dụng hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trên internet để học tập một cách an toàn và hiệu quả trước khi tham gia học tập.

Người học được cung cấp đầy đủ các thông tin về đánh giá, xét, công nhận kết quả học tập và được đề nghị xem xét lại việc đánh giá, xét, công nhận kết quả học tập thông qua dạy học trực tuyến của cơ sở giáo dục phổ thông; được trao đổi và đóng góp ý kiến đối với giáo viên về quá trình dạy học trực tuyến. Học sinh phải chấp hành nội quy dạy học trực tuyến; thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên, tích cực tham gia vào quá trình học tập để được kiểm tra, đánh giá theo quy định.

Giáo viên giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách khách quan theo đúng quy định đã công bố công khai. Người dạy tạo môi trường học tập thân thiện, tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến, tích cực hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến. Giáo viên thường xuyên trao đổi, phối hợp với cha mẹ học sinh giám sát, hỗ trợ quá trình học tập trực tuyến của học sinh phù hợp theo lứa tuổi, cấp học.

Năm học 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu như cả nước đã triển khai dạy học trực tuyến nhưng hiệu quả không như mong đợi. Ðiều này có thể hiểu được, vì dạy học trực tuyến đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin phải tốt, cả người dạy và người học phải có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao mới có hiệu quả.

Năm học 2020-2021 đã đi được nửa chặng đường, tức vừa xong học kỳ 1. Từ đây đến sau tết cổ truyền, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, việc dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học online khác là điều phải được tính đến từ lúc này.

Trong nguy có cơ, dịch bệnh khiến các hoạt động bị gián đoạn đã đặt cho ngành Giáo dục một cơ hội- chuyển đổi số trong giáo dục. Mặc dù được nhắc đến nhiều lần trong thời gian qua, nhưng để chuyển đổi số thực sự không phải chuyện dễ. Bộ GD&ÐT từng nêu bốn điều kiện cơ bản để chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2020-2025, gồm: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD&ÐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng, triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Chia sẻ với báo giới về chuyển đổi số trong giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận, trước hết cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.

Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm hiện đại, rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, công nghệ mô phỏng... Việt Nam muốn đi xa, đi một cách chắc chắn trên con đường phát triển trong thời đại công nghệ thì phải trang bị tốt kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ cho từng cấp bậc học. Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Chuẩn bị các phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường và chủ động triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường để phòng, chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Việt Ðông

“Thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn trong trường hợp phát hiện ca lây nhiễm Covid-19, F1, F2… tại địa phương, kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố để quyết định cho học sinh nghỉ học ở trường, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên, học sinh.

Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai kịp thời hiệu quả việc dạy học trực tuyến theo Công văn số 1061/BGDÐT-GDTrH ngày 25.3.2020 của Bộ GD&ÐT và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện của địa phương trong trường hợp phải cho học sinh nghỉ học ở trường.

Bộ GD&ÐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD&ÐT chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ÐT, các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thực hiện kịp thời. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ GD&ÐT (qua Vụ Giáo dục trung học) để được hướng dẫn giải quyết”.

(Trích chỉ thị của Bộ GD&ÐT về dạy học trong điều kiện dịch bệnh Covid- 19)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục