Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuẩn bị xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước…” gây thất thoát gần 12 tỷ đồng tại Hoà Thành
Thứ bảy: 08:30 ngày 28/05/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - VKS kết luận: Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hoà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, gây thiệt hại 11.973.295.000đ (đã thu hồi tiền tạm ứng ngân sách 2,5 tỷ đồng, thu hồi tiền bảo hành công trình 2.225.962.697đ). Đỗ Tú Toàn là thủ quỹ chịu trách nhiệm đồng phạm với số tiền 3.973.295.000đ.

Báo Tây Ninh đăng tải nhiều bài viết về sai phạm tại BQLDA Hoà Thành.

Năm 2014, Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh về các sai phạm tại Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hoà Thành (BQLDA). Năm 2015, cơ quan An ninh Điều tra Công an Tây Ninh đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 31.3.2015, Viện Kiểm sát nhân nhân (VKS) tỉnh Tây Ninh đã ra cáo trạng số 04/QĐ/KSĐT-P3 truy tố các bị can Cao Sơn Nhân– nguyên Trưởng BQLDA, Nguyễn Thiên Dân– nguyên Phó BQLDA, Dương Thị Thu Hoà– nguyên kế toán trưởng và Đỗ Tú Toàn– nguyên thủ quỹ BQLDA với tội danh trên, với số tiền bị cáo buộc gây thất thoát là gần 12 tỷ đồng. TAND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, dự kiến phiên toà sẽ diễn ra vào ngày 31.5.2016.

TẠM ỨNG TIỀN TỶ CHI... LUNG TUNG

Cáo trạng của VKS cho biết, Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh (Công ty PTĐT) là đơn vị trúng thầu thi công công trình Huyện uỷ – Uỷ ban nhân dân (HU-UBND) huyện Hoà Thành vào năm 2007 và công trình Trường THCS Trưng Vương vào năm 2009. Nguồn vốn xây dựng 2 công trình trên do UBND tỉnh đầu tư cùng vốn hỗ trợ có mục tiêu của tỉnh, giao UBND huyện Hoà Thành làm chủ đầu tư. Sau khi nhận thầu, Công ty PTĐT Tây Ninh “giao khoán” 2 công trình trên cho ông Lâm Tấn Dũng (đội trưởng đội thi công Công ty PTĐT Tây Ninh) thi công, với tỷ lệ khoán từ 96% đến 98% để hưởng lợi.

Khi công trình sắp hoàn thành, ngày 12.3.2010, Thường trực Huyện uỷ Hoà Thành yêu cầu UBND huyện chỉ đạo BQLDA mua sắm trang thiết bị cho trụ sở mới; điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, xây thêm 1 tầng lầu khu nhà làm việc. Ngày 16.7.2010, UBND huyện họp “giao BQLDA tổng hợp các công trình (vốn tỉnh) quyết toán nhưng thiếu vốn, báo cáo UBND huyện làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo UBND tỉnh, thời gian hoàn thành trong một tuần. Nếu báo cáo UBND tỉnh nhưng chưa bố trí vốn mà giao cho huyện giải quyết thì Phòng Tài chính – Kế hoạch (TCKH) tham mưu UBND huyện tạm ứng ngân sách theo quy định”.

Tuy nhiên, bị can Cao Sơn Nhân không thực hiện theo chỉ đạo trên của UBND huyện mà lập tờ trình đề nghị tạm ứng 2 tỷ đồng tiền ngân sách huyện để mua sắm trang thiết bị, tạm ứng phần khối lượng cho đơn vị thi công, với lý do công trình HU – UBND huyện “đang vào giai đoạn hoàn thiện, cần gấp rút hoàn thành các hạng mục phát sinh… và mua sắm trang thiết bị”. Ngày 9.11.2010, Phòng TCKH có tờ trình tham mưu UBND huyện, được ông Trần Ngọc Dư– nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, bà Huỳnh Thị Hoà– Trưởng Phòng Tài chính- Kế toán ký uỷ nhiệm chi cho BQLDA tạm ứng 2 tỷ đồng tiền ngân sách huyện. Ngày 10.11.2010, Cao Sơn Nhân chỉ đạo Nguyễn Thiên Dân và Dương Thị Thu Hoà ký uỷ nhiệm chi chuyển số tiền 2 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Hiệp Phát, trong khi công ty này chưa ký hợp đồng xây dựng với BQLDA. Đến ngày 27.12.2010, BQLDA mới có quyết định giao thầu 3 công trình phụ là nhà tiếp dân, trụ sở các ban Đảng, hội trường khối phòng ban và nhà xe, với giá trị hợp đồng là 2.169.670.000đ cho Công ty Hiệp Phát xây dựng. Cáo trạng của VKS cho biết, việc làm trên được Sở Tài chính giám định kết luận rằng các hạng mục công trình phụ chưa được lập dự toán kinh tế- kỹ thuật, chưa ký hợp đồng xây dựng, chưa có đối tượng nhận thầu, nhưng Cao Sơn Nhân chỉ đạo Dân, Hoà ký uỷ nhiệm chi 2 tỷ đồng cho Công ty Hiệp Phát là vi phạm khoản 1 Điều 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng trong xây dựng.

Ngày 19.9.2013, 3 công trình phụ được UBND huyện phê duyệt quyết toán hoàn thành với tổng giá trị là 2.238.617.919đ, nhưng Nhân, Dân, Hoà không thu hồi tiền tạm ứng 2 tỷ đồng hoàn trả ngân sách, vi phạm khoản 6 Điều 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP. Mãi đến ngày 7.8.2014, Công ty Hiệp Phát hoàn trả số tiền 2 tỷ đồng vào ngân sách huyện (chiếm dụng tiền 3 năm 9 tháng).

Ngày 1.12.2010, Cao Sơn Nhân lập tờ trình đề nghị xin tạm ứng 1,5 tỷ đồng cho công trình HU – UBND huyện và tờ trình tạm ứng 1,5 tỷ đồng cho công trình Trường THCS Trưng Vương. Sau đó, ngày 9.12.2010, Phòng TCKH thẩm định, tham mưu UBND huyện và được ông Trần Ngọc Dư phê duyệt, bà Hoà ký lệnh cho BQLDA tạm ứng 3 tỷ đồng. Tiếp đó, Nhân kêu ông Lâm Tấn Dũng lập tờ trình xin tạm ứng khối lượng xây lắp 2 công trình trụ sở HU – UBND huyện và trường THCS, nhưng lại nêu là “thanh toán nợ cho Công ty Phương Hậu, yêu cầu chuyển số tiền 3 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Phương Hậu” tại Ngân hàng Vietcombank. Ngày 14.12.2010, Nhân, Hoà ký uỷ nhiệm chi chuyển tiền 3 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Phương Hậu. Sở Tài chính kết luận, việc chi tiền trên của Nhân, Hoà là sai đối tượng, bởi vì 2 hợp đồng trên bên nhận thầu là Công ty PTĐT Tây Ninh. Hành vi trên vi phạm khoản 6 Điều 17 Nghị định 48 của CP.

Ngày 31.12.2010, Công trình HU – UBND huyện được nghiệm thu, nhưng đến ngày 3.3.2011, Nhân vẫn tiếp tục lập tờ trình xin ứng 2,5 tỷ đồng từ ngân sách huyện để chi cho đơn vị thi công “nhằm sớm hoàn thành công trình trụ sở HU – UBND huyện”. Phòng TCKH không thẩm định, nhưng ông Trần Ngọc Dư vẫn phê duyệt, bà Huỳnh Thị Hoà ký lệnh chi 2,5 tỷ đồng cho BQLDA. Sau đó, ông Lâm Tấn Dũng có tờ trình xin tạm ứng để chi trả nợ cho Công ty Phương Hậu, được Nhân duyệt. Ngày 11.3.2011, Nhân và Dương Thị Thu Hoà ký uỷ nhiệm chi chuyển tiếp 2,5 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Phương Hậu. Sở Tài chính kết luận, số tiền trên, Phòng TCKH không thẩm định nhưng ông Dư vẫn phê duyệt là chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục chi ngân sách. Nhân, Hoà chi số tiền trên cho Công ty Phương Hậu là sai đối tượng của hợp đồng, sau đó không thu hồi khoản tiền đã chi là vi phạm khoản 6 Điều 17 Nghị định 48 của CP. Số tiền 2,5 tỷ đồng này vẫn chưa thu hồi được.

Cáo trạng của VKS cũng cho biết, Công ty Phương Hậu do Đỗ Ngọc Hiền Phương làm giám đốc (chồng Phương là ông Cao Duy Hậu, em ruột Cao Sơn Nhân) không có quan hệ giao dịch với BQLDA mà chỉ kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng, thiết bị điện. Từ ngày 28.9.2009 đến 4.3.2011, Công ty Phương Hậu cung cấp vật tư cho ông Lâm Tấn Dũng gồm thiết bị điện, xi măng, gạch với tổng giá trị 5.644.250.595đ. Để hợp thức hoá việc chuyển 5,5 tỷ đồng tiền ngân sách huyện cho Công ty Phương Hậu, Nhân kêu Đỗ Ngọc Hiền Phương và Lâm Tấn Dũng lập 2 hợp đồng mua bán vật tư. Dù không có hoá đơn giá trị gia tăng thể hiện việc mua bán, nhưng Nhân và Dương Thị Thu Hoà vẫn ký uỷ nhiệm chi chuyển tiền cho Công ty Phương Hậu.

Về việc tạm ứng tiền ngân sách, cáo trạng của VKS cho biết, ngày 29.12.2006, BQLDA huyện Hoà Thành ký hợp đồng xây dựng với Công ty TNHH xây dựng công nghiệp Minh Dũng (Công ty Minh Dũng) do ông Võ Thanh Liêm làm giám đốc thi công gói thầu: đường, vỉa hè, cống, cọc tiêu, biển báo thuộc dự án nâng cấp đường 797 huyện Hoà Thành. Công trình này giá trúng thầu khoán gọn là 10.099.746.253 đồng, khởi công ngày 29.12.2006, hoàn thành ngày 17.12.2007, nguồn vốn do UBND tỉnh cấp, giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư. Quá trình thi công, đơn vị thi công gặp khó khăn về vốn nên tạm dừng việc thi công. Đến cuối năm 2008, huyện có chủ trương cho tạm ứng tiền ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngày 21.1.2009, Nhân có tờ trình xin tạm ứng 500 triệu đồng để thanh toán khối lượng cho Công ty Minh Dũng, không thông qua Phòng TCKH huyện thẩm định, nhưng ông Dư vẫn phê duyệt: “Đồng ý cho tạm ứng theo tờ trình, giao BQLDA huyện theo dõi, thu hồi, thanh quyết toán đúng quy định”. Ngày 22.1.2009, ông Trần Đức Thắng – Trưởng phòng TCKH ký lệnh chi 500 triệu đồng cho BQLDA, sau đó, Nguyễn Hữu Phúc và Dương Thị Thu Hoà ký chuyển số tiền này cho Công ty Minh Dũng. Đến ngày 16.9.2009, BQLDA quyết toán công trình với số tiền 8.972.223.000đ, nhưng Nhân, Phúc, Hoà không thu hồi 500 triệu đồng tạm ứng này là vi phạm Khoản 6 Điều 17 Nghị định 48 của CP.

TIỀN BẢO HÀNH CÔNG TRÌNH- RÚT, CHI THOẢI MÁI

Cáo trạng của VKS xác định, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, BQLDA còn chi tiền tạm giữ bảo hành công trình sai quy định với số tiền 3.973.295.000đ. Cụ thể, theo quy định của Nghị định số 209/2004/NĐ–CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, cũng như nội dung hợp đồng giữa BQLDA với các đơn vị thi công, bên thi công xây dựng có trách nhiệm thực hiện bảo hành công trình sau khi bàn giao cho chủ đầu tư, thời gian bảo hành là 12 tháng, mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng được giữ tại tài khoản của chủ đầu tư. Đơn vị thi công được hoàn trả tiền bảo hành sau khi kết thúc thời gian bảo hành.

Cơ quan Điều tra xác định, từ 18.6.2006 đến ngày 4.2.2012, Cao Sơn Nhân chỉ đạo kế toán Hoà lập 33 phiếu lãnh tiền mặt và sec rút tiền tại ngân hàng Vietinbank và Agribank Chi nhánh huyện Hoà Thành tổng cộng 3.973.295.000đ là tiền bảo hành các công trình trên địa bàn huyện Hoà Thành để chi tạm ứng cho ông Lâm Tấn Dũng. Trong đó, Nhân trực tiếp ký phiếu rút tiền ngân hàng 18 lần với số tiền 2.341.295.000đ và chỉ đạo Nguyễn Thiên Dân ký phiếu rút tiền 15 lần với số tiền 1.632.000.000đ, kế toán Hoà giao cho thủ quỹ Toàn đi rút. Sau khi rút tiền về, Hoà không lập phiếu thu để nhập quỹ theo dõi, cũng không lập phiếu chi để thực hiện việc chi trả tiền bảo hành cho cụ thể đơn vị thi công nào. Toàn bộ số tiền này thủ quỹ Toàn giao hết cho ông Lâm Tấn Dũng theo chỉ đạo của Nhân. Đến tháng 10.2013 (1 năm, 6 tháng sau), Nhân, Toàn, Lâm Tấn Dũng mới đối chiếu công nợ và lập 32 “giấy đề nghị tạm ứng” với tổng số tiền 3.973.295.000đ.

 Từ năm 2009 đến năm 2013, Lâm Tấn Dũng hoàn trả 5 lần với số tiền 849.713.303 đồng, chưa trả 3.123.581.697đ (đây là số tiền tạm giữ của 75 công trình). Từ ngày 11.1.2016, BQLDA thu hồi 2.225.962.697đ, còn 897.619.000đ chưa thu hồi được.

Sở Tài chính kết luận, từ ngày 18.9.2006 đến ngày 4.2.2012, Đỗ Tú Toàn đã xuất quỹ chi tạm ứng 33 lần với tổng số tiền 3.973.295.000đ cho ông Lâm Tấn Dũng nhưng không có phiếu chi của kế toán là hành vi xuất quỹ không hợp pháp, vi phạm Quyết định 19/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Việc thủ quỹ Toàn xuất quỹ bất hợp pháp trong thời gian dài nhưng kế toán Hoà “không biết” là chưa làm hết nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật kế toán. Số tiền tạm giữ bảo hành công trình nêu trên mà BQLDA chi cho ông Lâm Tấn Dũng tạm ứng trái quy định của Nghị định 209/2004/NĐ – CP về quản lý chất lượng công trình.

KHÔNG XỬ LÝ HÌNH SỰ MỘT SỐ LÃNH ĐẠO LIÊN QUAN

Cáo trạng của VKS cũng cho biết, Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hoà và Đỗ Tú Toàn không liên quan trực tiếp đến việc quyết toán bù giá vật liệu, nhân công, máy thi công các công trình xây dựng, nên không xử lý. Việc chi tạm ứng 8 tỷ đồng ngoài dự toán ngân sách huyện Hoà Thành là chủ trương của Huyện uỷ và UBND huyện, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thúc đẩy việc xây dựng các công trình sớm hoàn thành, phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương, nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Ngọc Dư, ông Trần Đắc Thắng, bà Huỳnh Thị Hoà và ông Nguyễn Hữu Phúc.

Từ những kết quả điều tra trên, VKS kết luận: Cao Sơn Nhân, Nguyễn Thiên Dân, Dương Thị Thu Hoà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, gây thiệt hại 11.973.295.000đ (đã thu hồi tiền tạm ứng ngân sách 2,5 tỷ đồng, thu hồi tiền bảo hành công trình 2.225.962.697đ). Đỗ Tú Toàn là thủ quỹ chịu trách nhiệm đồng phạm với số tiền 3.973.295.000đ. Vì vậy, VKS truy tố các bị can trên ra trước TAND tỉnh xét xử về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự.

ĐỨC TIẾN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục