Kinh tế   Thông tin thị trường

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chứng khoán giảm kỷ lục 20 năm: Nhiều nhà đầu tư rỗng túi chỉ sau 1 phiên 

Cập nhật ngày: 20/01/2021 - 10:40

Sau chuỗi thời gian tăng nóng, thị trường chứng khoán 19/1 chìm trong sắc đỏ ngay sau 45 phút mở cửa phiên giao dịch. Không khí căng thẳng nhanh chóng bao trùm lên các nhà đầu tư. "Không được hoảng loạn. Không nên bán tháo!" - Những lời kêu gọi của các môi giới chứng khoán vang khắp diễn đàn, hội nhóm đầu tư song vẫn không thể kìm được nỗi sợ của những người đang chứng kiến tiền ào ào rời khỏi túi.

Chứng khoán ngày 19/1 giảm mạnh không tưởng. (Ảnh minh họa)

 

Nhà đầu tư F0 méo mặt vì "bong bóng" vỡ

Ngay khi chứng khoán tăng chóng mặt từ cuối năm 2020 cho đến đầu năm 2021, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo xu hướng đua nhau đổ tiền vào cổ phiếu của các nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới, lần đầu chơi chứng khoán). Phần lớn đều cho rằng, khi thị trường đảo chiều bất ngờ thì đối tượng thiệt hại nặng nề nhất chính là những nhà đầu tư mới, ít kinh nghiệm.

Và đến phiên giao dịch 19/1, cảnh báo đó đã thành sự thực. Hầu hết nhà đầu tư đều mất tiền trong phiên giao dịch mà tất cả các cổ phiếu đều giảm sàn, trong đó nhà đầu tư F0 không thể thoát, thậm chí nhiều người "rỗng túi" chỉ sau một phiên.

"Toàn bộ số lãi mà tôi tích lũy trong gần 1 tháng qua đã ra đi chỉ trong 2 giờ giao dịch. Tôi đang không biết sẽ xử lý tiếp ra sao. Nếu không bán thì có thể tôi sẽ còn bị lỗ", chị Nguyễn Mai Lan, một nhà đầu tư chia sẻ.

Hàng loạt cổ phiếu trụ - có vốn hóa lớn bị giảm sàn, rớt giá mạnh, điển hình như cổ phiếu của Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC), BIDV (BID), Vinhomes (VHM), PetroVietnam Gas (GAS), Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Vietinbank (CTG), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Vinamilk (VNM), Masan (MSN)...

Hầu hết cổ phiếu của các nhóm ngành đều bị giảm giá, trong đó giảm mạnh rơi vào nhóm tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khai khoáng, sản phẩm cao su, sản xuất nhựa - hóa chất, vật liệu xây dựng, bất động sản, công nghệ thông tin, tiện ích, chế biến thủy sản, bán buôn, sản xuất phụ trợ, thực phẩm - đồ uống, nông - lâm - ngư, sản xuất hàng gia dụng, bán lẻ...

Nhiều nhà đầu tư còn rơi vào cảnh trắng tay vì trót vay ký quỹ với hạn mức tối đa để mua cổ phiếu.

Anh Hoàng Hải, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, anh gần như trắng tay khi lỡ vay ký quỹ tỷ lệ cao để đầu tư cổ phiếu. Trước đó, anh đã từng mua một vài mã chứng khoán và chốt lời thành công nên quyết định đầu tư thêm, không ngờ thị trường lại quay đầu giảm nhanh và mạnh như thế này nên trở tay không kịp.

"Tôi vừa mua thêm cổ phiếu với tỷ lệ vay ký quỹ tối đa trong tuần điều chỉnh vừa qua thì hôm nay thị trường lại giảm điểm. Tôi cứ kỳ vọng mã mình đang nắm sẽ tăng, giờ cổ phiếu rớt thảm không biết bao giờ mới đạt được giá trị như lúc mua vào cộng thêm khoản nợ ký quỹ", anh Hoàng Hải lo lắng.

Trong khi đó, chưa kịp nuôi mộng "đổi đời" thì chị Thu Lan (Hà Nội) đã khốn khổ vì nguy cơ ôm nợ. Chị Lan chia sẻ, tuy đã được cảnh báo từ trước là thận trọng khi giao dịch chứng khoán vào thời điểm đang tăng nóng như thế này nhưng sau nhiều phiên lãi lớn, chị Lan ham "lướt sóng" để kiếm lời. Ai ngờ, thị trường thay đổi quá nhanh chóng khiến chị không chốt lời kịp. "Tôi không nghĩ chỉ số lại có thể giảm mạnh một cách nhanh chóng đến thế", chị Lan nói.

Trong phiên giao dịch 19/1, thời điểm áp lực chốt lời đột biến, hệ thống giao dịch của HoSE lại có dấu hiệu bị nghẽn. Điều này khiến các nhà đầu tư trong lúc hỗn loạn cũng không thể bán tháo để hạn chế thua lỗ. "Tôi muốn bán 1.000 cổ phiếu D. giá 110.000 đồng nhưng mạng lại bị nghẽn đến khi hết nghẽn thì giá chỉ còn 102.000 đồng", anh Hải Anh tiếc nuối.

Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?

Theo các chuyên gia, có thể lý giải sự sụt giảm mạnh của phiên giao dịch ngày 19/1 cộng hưởng từ 2 vấn đề, đó là sự bất lực, không thể vượt qua mốc 1.200 ở các phiên trước. Tiếp theo là lượng đòn bẩy cao và tâm lý lo sợ “nghẽn lệnh” như trước đó.

Về giao dịch, trong phiên sáng 19/1, có thời điểm nhà đầu tư không thực hiện lệnh được, bảng điện không thể hiện được mức giá kịp thì thông thường các nhà đầu tư sẽ đặt lệnh bán MP (lệnh bán bằng mọi giá). Cộng hưởng các yếu tố khiến thị trường xuất hiện mức độ bán tháo tăng mạnh, hầu hết cổ phiếu giảm sàn bất chấp thông tin về cổ phiếu đang tốt hay xấu.

Theo các chuyên gia, hành động của nhà đầu tư lúc này là không nên hoảng loạn, chờ đợi nhịp hồi để bình tĩnh xử lý danh mục.

Các chuyên gia đánh giá, thị trường vẫn có thể giảm thêm 1-2 phiên nữa. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu còn mạnh và chưa có kênh đầu tư nào hấp dẫn hơn chứng khoán ở thời điểm hiện nay nên đây vẫn là kênh được ưu tiên. Ngoài ra, quý 1 thường là giai đoạn chỉ số VN-Index có biến động tích cực nhất trong năm với xác suất tăng điểm cao nhất, hiện mới chỉ đầu quý 1, nên chưa quá lo ngại.

Hiện danh mục chung của nhiều nhà đầu tư chưa quá ảnh hưởng do giá vốn thấp, theo đó nên tạm thời không hoảng loạn. Các phiên giảm sâu thì dễ xuất hiện các đợt hồi phục ngay sau đó, khi đó xử lý dễ hơn, thay vì nhà đầu tư mất bình tĩnh xử lý ngay trong lúc bán tháo.

Bản chất thị trường giảm mạnh không phải do yếu tố xấu đột biến vĩ mô nào, chỉ là yếu tố tâm lý và tình hình margin căng thì phản ứng tâm lý thông thường. Mà trong lịch sử thì phản ứng tâm lý thường qua nhanh, điều chỉnh sẽ không kéo dài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, rằng không có tài sản nào hễ đầu tư là có lãi, ngay cả chứng khoán. Trong cơ hội lãi khủng có chứa rủi ro và trong rủi ro chung cũng sẽ có cơ hội.

Với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, cần giao dịch thận trọng và quản trị rủi ro danh mục trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020 và cả năm 2020. Nên trang bị kỹ các kiến thức cần thiết để tham dự thị trường, cũng như tham khảo các ý kiến chuyên gia để có thể đầu tư tốt hơn trên thị trường chứng khoán.

Chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định, cơn "sốt" đầu tư chứng khoán đang cuốn nhiều nhà đầu tư mới (F0) tham gia thị trường này. Lợi suất hấp dẫn với kết quả chỉ một phiên tăng trần cũng đã bằng lãi tiết kiệm cả năm khiến lượng nhà đầu tư đang tăng đột biến. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng và cân nhắc cẩn thận trước khi lựa chọn. “Rất có thể người chơi sẽ mắc bẫy bong bóng”, ông Hiếu cảnh báo.

Còn chuyên gia tài chính kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng đã có những cảnh báo về hiện tượng nhiều nhà đầu tư ồ ạt tham gia giao dịch chứng khoán. Theo tư vấn của ông Lực, cần có sự đầu tư đa dạng hơn thay vì tập trung vào một lĩnh vực. “Đầu tư vào chứng khoán cần cái đầu lạnh chứ không tham gia theo kiểu phong trào. Nhà đầu tư cần hiểu rõ các sản phẩm mình giao dịch, từ đó có những đánh giá, phân tích về chúng thật kỹ càng để tránh rủi ro. Chứng khoán không bao giờ là cuộc chơi theo kiểu tâm lý đám đông”, ông Lực nhấn mạnh.

Nguồn VTC