Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Họ chỉ là những người nông dân, công nhân tay lấm chân bùn. Cuộc sống của họ vốn vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lại có chung tấm lòng vì cộng đồng. Họ đã không ngần ngại cho đi những giọt máu quý hiếm của mình để có thể giúp người qua cơn nguy khốn...
Ông Huỳnh Công Trường, sinh năm 1969, ngụ tại ấp Long Phú, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu là công nhân tại một công ty ở khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Hằng ngày, ngoài công việc ở công ty, ông Trường còn phụ với gia đình buôn bán quán ăn, nước giải khát tại nhà. Ông Trường đã có 60 lần hiến máu, được xem là người có số lần hiến máu cao nhất ở huyện Bến Cầu.
Khi phong trào hiến máu nhân đạo bắt đầu triển khai tại địa phương, ông Trường là người xung kích ghi tên lấy máu đầu tiên. Bình thường, ông là người bạo dạn, vậy mà khi thấy kỹ thuật viên chuẩn bị các công đoạn kim, ống tiêm và các dụng cụ lấy máu, ông cảm thấy cũng “gờn gợn”. Nhưng nghĩ đến những người bệnh nguy cấp cần sự giúp đỡ, anh bình tĩnh trở lại.
Sau lần đầu tiên hiến máu, ông cảm thấy sức khoẻ vẫn bình thường. Những đợt hiến máu tiếp theo, ông Trường hăng hái ghi danh, động viên người thân và hàng xóm tham gia việc làm nhân đạo này. Vợ con và người thân trong gia đình anh Trường đã hiến máu tổng cộng hơn 150 lần. Gia đình ông được UBND và Hội Chữ thập đỏ các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Cùng ngụ tại ấp Long Phú, ông Võ Quang Ðảng, sinh năm 1967, cũng nhiệt tình tham gia hiến máu nhân đạo. Cuộc sống của gia đình ông Ðảng trước đây rất khó khăn. Vợ chồng ông dãi nắng dầm mưa đi làm thuê, làm mướn. Nhờ cần mẫn lao động, tích cóp dần, ông Ðảng mua hơn 1,4 mẫu ruộng để sản xuất.
Khi có điều kiện kinh tế, ông Ðảng tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, tương trợ bà con lối xóm. Ông tham gia đắp sửa các tuyến đường xóm ấp. Năm 2014, ông hiến 720m2 đất để làm con kênh Long Phú, giúp cho bà con dẫn nước bơm tưới ruộng đồng. Tiếp đó, ông hiến hơn 2.000m2 đất để mở rộng con đường từ ấp Long Phú qua ấp Long Thịnh, giúp cho bà con thuận tiện đi lại. Không những vậy, khi địa phương phát động phong trào hiến máu nhân đạo, ông Ðảng sẵn lòng đăng ký tham gia.
Ông cho rằng, hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp. Sau lần hiến máu đầu tiên, nhân viên ở Trung tâm truyền máu khu vực Chợ Rẫy cho biết ông Ðảng có nhóm máu hiếm, phù hợp cứu được nhiều người bệnh. Từ năm 2000 đến nay, ông Ðảng đã hiến máu được 46 lần. Vợ và các con của ông cũng tham gia. Cả nhà đã hiến máu tổng cộng 106 lần.
Ngoài ông Trường, ông Ðảng, ở ấp Long Phú còn có ông Nguyễn Văn Nhấu, 58 tuổi, cũng hiến máu nhân đạo 45 lần. Hằng ngày, ông Nhấu ở ngoài ruộng nhiều hơn ở nhà, vì ông canh tác hơn 2 mẫu ruộng và chăm sóc 4 con bò. Ông Nhấu cũng phải trải qua không ít nhọc nhằn vất vả mới có được cuộc sống ổn định như hôm nay.
Ông Nhấu luôn sống có tình, có nghĩa với xóm làng, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương- nhất là phong trào hiến máu nhân đạo. Ông Nhấu vui vẻ bày tỏ: “Dù việc nhà bận bao nhiêu, tôi cũng sắp xếp dành thời gian đi tham gia hiến máu nhân đạo”.
Xã Long Khánh còn có ông Ðặng Văn Ba, sinh năm 1965, ngụ tại ấp Long Châu. Ông Ba có 56 lần hiến máu cứu người, là người có số lần hiến máu cao thứ hai của huyện Bến Cầu. Ông Ba từng làm thuê, làm mướn đủ nghề để sinh sống. Gần 10 năm nay, ông xin vào làm bảo vệ trường tiểu học Long Khánh. Luôn đồng cảm với người nghèo, bệnh tật, khi nghe địa phương vận động hiến máu nhân đạo, ông Ba liền đăng ký tham gia. Ông Ba còn vận động vợ hiến máu 6 lần, hai con trai hiến 11 lần. Ông Ba tâm sự: “Muốn làm từ thiện, nhưng gia đình chưa có của cải dư dả, chúng tôi chỉ dành những giọt máu của mình để cứu người bệnh trong lúc nguy nan, đó là niềm vui đối với gia đình tôi”.
CÔNG DANH