BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội tháng Giêng:

Chừng mực để an toàn 

Cập nhật ngày: 24/02/2022 - 23:05

BTN - Xin bắt đầu từ đình Trường Đông, ngôi đình ở sát thềm sông Vàm Cỏ Đông. Sông phẳng lặng, lục bình thưa thoáng để mặt sông lồng lộng bóng mây trời. Xuồng, vỏ lãi nằm sắp lớp trên bến. Đình Trường Đông, vẫn mái ngói thâm nâu soi mình trầm mặc trước dòng sông.

Lễ hội đình Trường Đông.

Lễ hội Kỳ yên đình Trường Đông sớm nhất trong mùa lễ hội tháng Giêng, vào hai ngày 15-16 tháng Giêng (15-16.2.2022). Năm nay, không còn tưng bừng hội múa lân đặc sắc trước sân đình. Nhưng phần lễ vẫn được Ban quý tế tổ chức trang trọng và chu tất.

Trước ban thờ thần, vẫn là các mâm bánh, trái cây đầy ắp. Các mâm xôi vun đầy và cả những đĩa món ăn chay thịnh soạn được đặt trên bàn cao, ngay trước ngai thờ thần. Hai ông chức sự cầm dùi trống, dùi chuông vẫn trang trọng điểm nhịp cho nghi lễ tế điện, với cả các lễ sinh, đào thái khoan thai, trang trọng dâng từng món quả phẩm lên ban. Tất cả, ai cũng đeo khẩu trang nghiêm túc.

Ngoài sân, bên cạnh ban thờ thần Nông cũng đã đầy ắp những hương hoa, quả, người ta cũng không quên đặt chiếc thuyền tống ôn ngay ngắn một bên. Thuyền năm nay được đóng bằng gỗ đàng hoàng, với đầy đủ mui, mái chèo trang trí cờ hoa, rồi tất cả mới đặt lên bè chuối để “trôi sông”.

Thuyền mang số 70H 64027 giống như một con thuyền thật. Ngắm sông, do thưa thoáng lục bình nên ai cũng biết năm nay thuyền sẽ dễ dàng trôi theo con nước, để tống tiễn đi các loại dịch bệnh cho cả con người và cây trái, vật nuôi. Dĩ nhiên, kẻ đáng tống tiễn nhất của 2 năm qua chính là virus SARS-CoV-2.

Mà chính vì nó, các nghi thức cúng lễ năm nay cũng đang ở chừng mực nhất định, để bảo đảm an toàn cho những người tham dự theo lệ tục dân gian truyền thống. Năm nay là năm Nhâm Dần, con Hổ. Vậy nên người tín ngưỡng đến đình còn có thêm một nghi thức mới. Họ ra bức bình phong có tượng hổ sau ban thờ thần Nông, xoa tay vào đầu hổ rồi vuốt lên mặt, lên mình. Với niềm tin giản dị là sẽ được tiếp thêm sức mạnh của thần Hổ để khoẻ mạnh và làm ăn thắng lợi trong năm.

Nhắc đến hổ, xin ai quan tâm thì tới chùa Thiền Lâm - Gò Kén. Bởi bức tượng La Hán- ông phục hổ bày trước sân chùa chính là nơi có hình tượng hổ đẹp và dũng mãnh nhất hiện nay trên đất Tây Ninh. Dù đã bị người cưỡi và khống chế trên lưng, ông hổ này vẫn há rộng mồm lởm chởm đầy răng đe doạ.

Và, cái đuôi cong vút, bốn chân vững chãi vươn dài như sẵn sàng nhảy xổ vào đối thủ. Đang là tháng Giêng, người ta vẫn có lệ tục đến viếng chùa. Sân chùa Gò Kén tuy không đông đúc như mọi năm nhưng vẫn có không khí nhộn nhịp ngày hội lễ.

Mà có thể, người ta đến vì tò mò trước diện mạo mới của chùa. Ngôi cổ tự năm xưa đã được mở rộng ra, song vẫn giữ dáng hình xưa cũ. Và ở các gian sau, chùa đã dâng cao bởi 2 lớp nhà với những lầu cao óng ả màu các tầng mái ngói đỏ au. Kiến trúc mới lại phảng phất bóng hình những danh lam cổ tự như kiểu chùa Keo ở miền Bắc.

Sáng ngày 17 tháng Giêng thì có lễ hội tại dinh thờ Huỳnh Công Nghệ trên Gò Duối, thuộc xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Tại đây, ẩm thực chay Tây Ninh vừa được công nhận di sản phi vật thể quốc gia tiếp tục hiện diện trên mỗi bàn thờ, hay bàn đãi khách.

Lễ hội dinh cũng không còn phần hội, thường là rất nổi bật trong các năm chưa có dịch, với dàn múa lân sư rồng chuyên nghiệp đến tham gia. Người dự vẫn tuyệt đối tuân thủ “5K”- nhất là khẩu trang và khoảng cách khi tới các ban thờ dâng lễ.

Đang vụ lúa Đông Xuân, trước miếu là cánh đồng lúa vàng ươm trong nắng. Tại nơi tương truyền là có mộ voi chiến của Huỳnh Công Nghệ khi xưa, nay đã có một ngôi miếu nhỏ. Trong miếu chễm chệ một “ông voi” nằm, với đủ ban thờ gồm bông trái, hương hoa…

Vào trưa ngày 18 tháng Giêng, bà con họ Lê ở ấp Trường, Hảo Đước thực hiện lễ cúng tướng quân Lê Ngọc Báu, tử tiết vào ngày này từ gần 200 năm trước. Mộ của tướng quân nằm ở bên kia sông, thuộc ấp Bưng Rò, xã Hoà Hội, nhưng việc cúng kiếng hằng năm vẫn do người dân Hảo Đước chăm lo.

Đồ cúng, hương hoa đều được sửa soạn từ bên này, để gần trưa, tất cả người đi cúng sẽ xuống một con phà sang sông thực hiện lễ nghi theo truyền thống. Sông Vàm Cỏ Đông vẫn mải miết trôi xuôi, đem theo từng mảng lục bình xanh ngắt.

Cây me tây cổ thụ bên bờ đã buông xuống từng chòm hoa hồng tím. Không khí lễ hội tháng Giêng đã trở lại trong dè dặt và chừng mực. Vậy nên, chưa thấy biến động nào tăng về dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, dù trên cả nước vẫn tăng cao. Phía trước vẫn còn 2 mùa cao điểm lễ hội.

Đấy là dịp Rằm tháng hai âm lịch và tháng ba âm lịch. Với các lễ hội Kỳ yên đình và cúng miếu, đền, dinh theo tập quán dân gian. Tháng Giêng đã an toàn. Hai mùa cao điểm tới sẽ càng phải chừng mực để an toàn hơn. Có vậy thì mới có thể trở lại những lễ hội đầy đủ, tưng bừng trong mùa lễ hội năm sau.

N.Q.V