Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm học mới, vấn đề tiền trường luôn khiến các bậc phụ huynh lo lắng, nhất là với những gia đình có cuộc sống khó khăn. Bên cạnh những khoản thu chính, một số trường còn có nhiều khoản thu phụ, dẫn đến tình trạng “lạm thu” khiến phụ huynh bức xúc...
Các em học sinh Trường mầm non Xa Mát (huyện Tân Biên) trong một tiết học.
Quy định rõ những khoản không thu
Năm học 2020-2021 khởi đầu trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Do dịch bệnh, nhiều gia đình bị ảnh hưởng về kinh tế, thậm chí mất nguồn thu nhập vì không có việc làm.
Ðể hỗ trợ phụ huynh học sinh, giảm tải, minh bạch các khoản đóng học phí đầu năm, từ tháng 5.2020, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã ban hành Công văn số 1620 về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2019-2020, 2020-2021 và chỉ đạo điều hành giá năm 2020.
Trong Công văn, Bộ GD&ÐT đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với những người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu; đồng thời chỉ đạo quán triệt Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Thông tư số 55 của Bộ GD&ÐT ban hành năm 2011.
Tiếp thu chỉ đạo của Bộ GD&ÐT, ngày 1.9.2020, Sở GD&ÐT Tây Ninh ban hành công văn hướng dẫn các khoản thu, chi và sử dụng kinh phí năm học 2020-2021 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, qua đó bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý tài chính trong nhà trường, đặc biệt là việc thu các khoản đầu năm học cũng như bảo đảm các chế độ, chính sách cho người học được triển khai kịp thời, đầy đủ.
Ông Lê Văn Tự- Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở GD&ÐT cho biết, Công văn 2255 được thực hiện nhằm giúp cho phụ huynh hiểu và nắm được các khoản thu mà nhà trường được thu, không được thu trong năm học. Từ đó, giúp phụ huynh hạn chế đến mức tối đa các khoản thu không cần thiết, phát hiện những khoản thu bất thường, lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Theo công văn, ngoài các khoản thu theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế, tiền thu, chi cho lớp học bán trú và lớp học không bán trú… các cơ sở giáo dục công lập không tổ chức thu hộ các khoản thu của tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, cụ thể các loại quỹ Ðoàn, Ðội, khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh....
Các loại quỹ nêu trên đã có các tổ chức, đoàn thể liên quan hướng dẫn thực hiện thu chi, quản lý và sử dụng theo quy định. Ðặc biệt, nhà trường không thu các khoản tiền bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trong nhà trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; vệ sinh môi trường; hỗ trợ các kỳ thi; tiền điện, nước sinh hoạt (phí rác thải, vệ sinh sân trường, vệ sinh lớp học); tiền giấy kiểm tra, mua vở có logo hình ảnh của trường, mua sách vở tài liệu tham khảo, tiền công của phụ huynh đóng góp thay cho lao động của học sinh.
Các khoản chi đã được quy định trong nội dung chi thường xuyên, đơn vị sử dụng dự toán ngân sách giao hằng năm để thanh toán cho các khoản không thu trên. Trường hợp nếu dự toán ngân sách chi thường xuyên không đủ chi, các đơn vị báo cáo với cơ quan quản lý trực tiếp (Phòng GD&ÐT, Sở GD&ÐT) báo cáo trình Uỷ ban nhân dân các cấp xem xét giải quyết.
Ngày 25.9.2020, Sở GD&ÐT tiếp tục ban hành Công văn số 2496 hướng dẫn về việc thực hiện Công văn 2255. Trong công văn quy định về các khoản thu sổ liên lạc điện tử, dịch vụ camera giám sát, bảo hiểm thân thể cho học sinh, tổ chức dạy năng khiếu trong nhà trường và hướng dẫn về công tác hạch toán.
Cần sự chung tay của nhà trường và phụ huynh
Ðánh giá về Công văn 2255 của Sở GD&ÐT, ông Nguyễn Hữu Huy- Phó trưởng Phòng GD&ÐT thị xã Hoà Thành cho biết, những chỉ đạo của Sở về việc giảm các khoản thu đầu năm học thông qua công văn 2255 đều là những cải cách về việc thu chi thiết thực, nhằm giảm gánh nặng tiền trường đầu năm cho cha mẹ học sinh.
Sau khi có văn bản chỉ đạo, Phòng đã nhanh chóng họp ban giám hiệu các trường nhằm chỉ đạo thực hiện nhanh chóng Công văn 2255. Bên cạnh đó, Phòng GD&ÐT Thị xã còn thành lập 3 đoàn kiểm tra việc thu chi đầu năm của các trường học trên địa bàn trong đầu năm học mới.
Qua kiểm tra, nhìn chung, hầu hết các trường đều triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn 2255, không có việc lạm thu ở các trường. Trong đó có nhiều trường học không thực hiện thu hộ cho các đơn vị, tổ chức, đoàn thể. Ngoài ra, các khoản thu phụ như hợp đồng thuê mướn quét dọn, vệ sinh trường học; phí mua máy móc, trang thiết bị; giấy kiểm tra... cũng được nhiều trường cắt giảm.
Tại Trường tiểu học Thị trấn (phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành), các khoản thu đầu năm học được triển khai theo đúng tiêu chí của Công văn 2255. Thầy Võ Quang Truyền- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đầu năm học, nhà trường đã triển khai các khoản thu cho phụ huynh học sinh.
Trong đó, ngoài các khoản thu bắt buộc, trường khuyến khích phụ huynh ưu tiên đóng bảo hiểm y tế cho các em để bảo đảm tính liên tục của bảo hiểm cũng như sự an toàn, phòng tránh rủi ro cho các em ngay từ đầu năm học. Năm học mới này, nhà trường đã thực hiện cắt giảm nhiều khoản thu không cần thiết.
Học sinh Trường THPT Trần Ðại Nghĩa trong một tiết học.
Thầy Truyền rất đồng tình với tinh thần mà Công văn 2255 đã triển khai. Trước đây, nhà trường phải thu hộ nhiều khoản thu không cần thiết và cũng không phải trách nhiệm của nhà trường. Việc hạn chế các khoản thu hộ trong nhà trường đã giúp phụ huynh giảm bớt phần nào áp lực chi phí học tập cho con em mình, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Các khoản thu này bị cắt giảm giúp trả lại đúng phần việc của giáo viên, của trường, đó chính là dạy và học đơn thuần, không phải thường xuyên nhắc nhở học sinh đóng các khoản phụ thu không cần thiết nữa. Ngay cả các khoản đóng góp chi phí hoạt động cho Ban đại diện cha mẹ học sinh và quỹ Khuyến học của trường cũng đúng với tinh thần tự nguyện của phụ huynh, tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, không quy định đồng nhất một mức nào.
Tại thành phố Tây Ninh, ông Lê Minh Hoàng- Trưởng Phòng GD&ÐT Thành phố cho biết, từ đầu năm học, Công văn 2255 đã được triển khai xuống các trường. Hiện tại, các trường đang xây dựng kế hoạch thu và trình Phòng GD&ÐT phê duyệt trước khi tiến hành thu, bảo đảm tinh thần chống lạm thu như Công văn 2255 đã triển khai.
Nhằm bảo đảm việc thực hiện Công văn 2255, Sở GD&ÐT cũng đã lên kế hoạch thanh, kiểm tra việc triển khai thực hiện công văn tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Văn Tự- Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ÐT, Công văn 2255 có được triển khai nghiêm túc hay không đòi hỏi sự chấp hành của nhà trường và sự đồng hành trong giám sát, thông tin của phụ huynh học sinh. Hiện tại, Công văn 2255 đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở GD&ÐT và phương tiện thông tin đại chúng để người dân tiện theo dõi.
Lê Thuỳ - Ngọc Bích