Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chung tay phòng, chống mại dâm

Cập nhật ngày: 15/08/2022 - 00:09

BTN - Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới coi mại dâm là nghề vi phạm pháp luật, kể cả một số nước phát triển.

Phòng, chống mại dâm là bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bởi, từ mại dâm gây ra nhiều tác hại cho xã hội, cộng đồng. Đầu tiên có thể thấy, mại dâm là một trong những yếu tố làm tăng độ lây nhiễm HIV và tỷ lệ gia tăng ở nhóm có nguy cơ cao bao gồm phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma tuý. Người bán dâm có nguy cơ cao trở thành nô lệ của chủ chứa, vướng vào nợ nần, bị bóc lột tình dục, cưỡng bức bán dâm. Hoặc họ bị lôi kéo, ép sử dụng ma tuý và các hoạt động phạm pháp khác; hoặc trở thành nạn nhân của tệ nạn mua, bán người.

Ngoài tổn hại về sức khoẻ, mại dâm còn dẫn đến tổn thương tâm lý ở những người bị cưỡng bức bán dâm như: rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn thần kinh chức năng tình dục nặng; bị kỳ thị, phân biệt đối xử; tự kỳ thị bản thân. Ở góc độ gia đình, mại dâm làm ảnh hưởng nghiêm trọng hạnh phúc cuộc sống hôn nhân, gia đình, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến những hệ luỵ sau ly hôn…  Chính vì vậy, mại dâm ở Việt Nam là bất hợp pháp. Ngày 15.4.2003, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm được công bố, quy định những biện pháp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc loại trừ mại dâm. Ngày 15.10.2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2004/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.

Để nâng cao nhận thức của xã hội, nâng cao trách nhiệm trong phòng, chống mại dâm của các cấp, ngành, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác hại của mại dâm đối với đời sống xã hội, từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao; xây dựng các chương trình phòng ngừa mại dâm trong nhóm học sinh, sinh viên, người lao động trong các khu công nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Cụ thể, Sở sẽ phối hợp cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch- là cơ quan thường trực về công tác kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ngành nghề nhạy cảm bảo đảm thực hiện đúng quy định. Ngành còn phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác thống kê nhóm người có nguy cơ cao, người hành nghề mại dâm, các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; xây dựng mô hình thí điểm về cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đấu tranh, triệt phá ổ nhóm, đường dây, tổ chức tội phạm liên quan đến mại dâm, đặc biệt chú trọng đến các loại tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm, mại dâm trẻ em; quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống mại dâm.

Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, truyền thông về phòng, chống mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống mại dâm, ngăn chặn các ấn phẩm văn hoá độc hại, đồi truỵ, khiêu dâm. Ngành cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm truy cập internet thực hiện không đúng quy định nhằm ngăn chặn các trang mạng có nội dung liên quan đến mại dâm.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh, sinh viên; tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống đối với học sinh, sinh viên về phòng, chống mại dâm. Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; tư vấn pháp luật người thuộc diện được trợ giúp pháp lý bị xâm hại tình dục, chú trọng đối tượng phụ nữ và trẻ em.

UBND các huyện, thị xã, thành phố- ngoài kế hoạch phòng, chống mại dâm hằng năm, cần ban hành theo thẩm quyền các chính sách về hỗ trợ, khuyến khích thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; bố trí kinh phí, xác định mục tiêu về phát triển, phòng, chống bạo lực, tái hoà nhập, sinh kế đối với người bán dâm ở cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hoá phù hợp với điều kiện của địa phương…

Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống mại dâm đã được tổ chức trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) tổ chức truyền thông phòng, chống mại dâm tại 5 nhóm “Phụ nữ tham gia tố giác tội phạm” của các huyện Gò Dầu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng, Hoà Thành và thành phố Tây Ninh.

Qua buổi truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác phòng, chống và tố giác tội phạm nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng trong các tầng lớp phụ nữ; phát huy vai trò tích cực của các tầng lớp phụ nữ trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm, tệ nạn mại dâm, góp phần xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức tìm hiểu các quy định về phòng, chống mại dâm qua hình thức thi trắc nghiệm trên mạng internet. Theo đó, người dự thi sẽ trả lời 5 câu hỏi trắc nghiệm hằng tuần trên website của Hội LHPN tỉnh Tây Ninh qua địa chỉ http://hoiphunu.tayninh.gov.vn. Thời gian dự thi trong 10 tuần, mỗi tuần 5 câu hỏi chính và 1 câu hỏi phụ.

Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện tuyên truyền phòng, chống mại dâm trong lực lượng công nhân lao động tỉnh, cung cấp cho công nhân lao động về những thủ đoạn của bọn tội phạm nhằm lôi kéo công nhân lao động sa vào con đường mại dâm, nhất là đối với lao động nữ, trẻ tuổi; những hệ luỵ do mại dâm gây ra đối với bản thân, gia đình và xã hội; các khung hình phạt khi vi phạm pháp luật...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, có 502 người bán dâm được tiếp cận. Cơ quan Công an đã triệt xoá được 14 vụ 49 đối tượng vi phạm về mại dâm. Đã xử lý hình sự 1 vụ 1 bị can, xử lý vi phạm hành chính 13 vụ 48 đối tượng với tổng số tiền phạt trên 235 triệu đồng.

Ngọc Diêu