BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chung tay tạo cuộc sống mới cho nạn nhân da cam 

Cập nhật ngày: 10/08/2024 - 19:39

BTN - Không còn mặc cảm, tự ti vì khuyết tật hay ý định buông xuôi, nhiều nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (CĐDC) trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để có một cuộc sống tốt hơn. Sự thay đổi này luôn có sự chung tay, ủng hộ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và cộng đồng.

Điểm tựa vững chắc

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Tây Ninh được thành lập đến nay đã 20 năm, có nhiệm vụ hỗ trợ, động viên gia đình nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật, tự tin hoà nhập cuộc sống, cộng đồng xã hội.

20 năm qua, Hội vận động hơn 97 tỷ đồng thực hiện các chương trình chăm sóc, giúp đỡ nuôi dưỡng nạn nhân, hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Trong đó, xây tặng 423 căn nhà tình thương, thăm hỏi, tặng trên 140.000 suất quà, trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng cho 3.959 nạn nhân; đưa 236 nạn nhân chất độc da cam thuộc diện chính sách là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đi xông hơi, tẩy độc bằng phương pháp Hubbard tại trung tâm giải độc tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng; thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam thuộc thế hệ thứ 2, 3; nuôi dưỡng bán trú 25 cháu dị dạng, dị tật bằng nguồn xã hội hoá. Với những chương trình thiết thực, các cấp Hội trong tỉnh đã giúp ổn định đời sống cho nạn nhân để họ hoà nhập cộng đồng, gia đình nạn nhân được cải thiện khá rõ rệt.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thị xã Hoà Thành là một trong những điển hình trong chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam ở cơ sở. Ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Thị xã cho biết, Hội tập trung công tác tuyên truyền vận động hỗ trợ vốn sinh kế cho nạn nhân. Đến nay, nguồn vốn vận động của Hội hơn 100 triệu đồng, giải quyết cho 32 nạn nhân có nhu cầu vay, mỗi suất từ 5 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, Hội còn tặng quà mỗi tháng góp phần bảo đảm cuộc sống cho nạn nhân và gia đình.

“Hội hỗ trợ vốn, định hướng sinh kế cho nạn nhân để họ làm việc, có thu nhập bằng sức lao động còn lại mà không phải dựa dẫm vào gia đình hay các tổ chức xã hội. Đây là điều đặc biệt Hội muốn hướng tới” - ông Hùng cho biết.

Từ những hoạt động thiết thực của Hội, ngày càng nhiều mạnh thường quân ủng hộ, tạo nguồn chăm lo cho nạn nhân. Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Thị xã, năm 2024, đến nay Hội đã vận động hơn 300 triệu đồng tặng quà, nhà tình thương cho nạn nhân da cam.

Những cuộc đời bước sang trang mới

Cách đây hơn 5 năm, chị Trần Thị Tuyết Mai, 53 tuổi, ngụ khu phố Hiệp Trường, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành không nghĩ mình có thể trở thành một người dạy aerobic như bây giờ. Dẫu chỉ làm việc tự do, thu nhập hơn 2 triệu đồng mỗi tháng nhưng công việc này góp phần thay đổi suy nghĩ, cuộc đời của chị Mai.

Chị Mai chuẩn bị cho một buổi dạy aerobic.

Chị Mai là con của cán bộ kháng chiến, giám định mất 65% sức lao động do ảnh hưởng của chất độc da cam, một mắt không thấy đường, tay chân yếu ớt. Khiếm khuyết đó khiến chị sống khép mình hàng chục năm trời và dang dở nhiều ước mơ.

Hơn 5 năm trước, chị Mai biết đến bộ môn aerobic và muốn học để cải thiện sức khoẻ. Trải qua không ít khó khăn do tay chân vận động kém, chị Mai dần thuần thục. “Từ nhỏ tôi mê múa nhưng không có điều kiện theo học. Khi đến với aerobic, tôi rất thích. Mỗi buổi học tôi thường chạy lên hàng đầu để nhìn rõ cô giáo dạy rồi làm theo, bắt kịp động tác”- chị Mai chia sẻ.

Sau đó, chị có được buổi đứng lớp đầu tiên với sự kèm cặp của cô giáo. Đến giờ, chị vẫn còn xúc động khi nhớ lại cảm giác run run khi đó, bởi hơn 40 năm cuộc đời chị gần như sống với nỗi mặc cảm, tự ti, chưa hề dám “bước ra ánh sáng” một lần. Sau buổi dạy đầu tiên thành công, chị Mai có thêm sức mạnh, tin tưởng bản thân và cảm thấy yêu thích công việc của mình.

Từ đó đến nay, mỗi ngày hai buổi sáng chiều, chị Mai chở thùng loa di động đến công viên Hoà Thành dạy aerobic. Chị có một mơ ước là có được một điểm dạy cố định gần nhà để người dân trong khu vực được rèn luyện thể thao. Mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường Hiệp Tân thành lập Câu lạc bộ (CLB) thể dục, dưỡng sinh thu hút nhiều người tham gia, trong đó có những nạn nhân chất độc da cam. Chị Mai được phân công làm Phó Chủ nhiệm CLB, hướng dẫn mọi người tập luyện.

Ông Lê Trung Cang- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Hiệp Tân chia sẻ: “Chúng tôi thành lập CLB để tạo điều kiện cho những nạn nhân tiếp cận với thể dục thể thao. CLB còn tạo điều kiện cho chị Mai có sinh kế khi hướng dẫn tập luyện. Hội sẽ đề xuất phường hỗ trợ phương tiện để việc tập luyện hiệu quả và thu hút thêm nhiều người tham gia”.

Nói đến vấn đề này, chị Mai tâm sự: “Tôi thấy rất vui khi phường thành lập CLB và tôi được phân công đứng ra hướng dẫn mọi người. Tôi vui vì ngoài việc có thể thoả mãn niềm đam mê thể thao, còn có việc làm, có thu nhập”. Tự kiếm được đồng tiền nuôi sống bản thân, không dựa dẫm vào ai đó là điều chị Mai mong muốn hàng chục năm trời.

Anh Quách Tiến Phương, 44 tuổi, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành sinh ra với đôi chân bị khuyết tật, đi đứng gặp nhiều khó khăn. Từ nhỏ, anh Phương muốn học nhiều nghề nhưng do hoàn cảnh, anh chọn nối nghiệp nghề sơn xe của gia đình.

Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành trò chuyện với anh Phương.

Đến giờ, khi cha mẹ đã ngoài 70 tuổi, anh Phương và em trai trở thành thợ chính của tiệm sơn xe, là trụ cột chăm lo kinh tế cho gia đình. Cách đây khoảng 3 năm, anh tham gia Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phường và thành viên CLB Người khuyết tật phường. Anh Phương được Hội, CLB xét cho vay các nguồn vốn không tính lãi để mua dụng cụ, vật liệu hành nghề. Nhờ vậy, công việc của anh dần ổn định. Anh Phương nói rằng sự hỗ trợ này đối với anh và gia đình là rất lớn vì nếu không có nguồn hỗ trợ anh phải vay ngoài với lãi suất cao.

“Vào sinh hoạt Hội, tôi được hỗ trợ về vốn, hay tặng quà hằng tháng. Tôi có việc làm, có thu nhập ổn định và lo được cho gia đình chứ không phải sống dựa dẫm vào người nhà nữa nên vui lắm” - anh Phương nói.

Anh Phương với công việc thường ngày.

Anh Đoàn Thanh Trường, 27 tuổi, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh là một trong những học viên đầu tiên của Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh từ khi mới thành lập. Là một người trẻ, có đam mê và kiên trì, anh Trường nỗ lực vượt qua những trở ngại bản thân để theo đuổi ước mơ quay phim và chụp ảnh của mình. Đến giờ anh có thu nhập ổn định để lo gia đình nhỏ. Anh còn thường xuyên hỗ trợ trung tâm làm công tác tuyên truyền trên mạng xã hội.

Vi Xuân