BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chung tay vì nghĩa tình đồng nghiệp

Cập nhật ngày: 24/03/2009 - 08:00

Cô Gói (ngồi) đang mắc bệnh hiểm nghèo

Theo thống kê của ngành giáo dục Tây Ninh, từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh có gần 1.400 giáo viên, cán bộ, nhân viên trong ngành nghỉ hưu, trong đó có khoảng 10% phải sống cảnh nghèo khổ và bệnh tật trong khi mức phụ cấp nghỉ hưu của họ còn rất khiêm tốn. Tuổi cao, sức yếu, bệnh tật nên họ rất cần sự giúp đỡ của xã hội.

Nghe có khách đến thăm, ông bước ra thềm giơ bàn tay che mắt để nhìn rõ, bà đang nằm trên bộ ván cây định ngồi dậy nhưng một cơn choáng nhẹ đã ngăn bà lại. Ngôi nhà vách đất nằm trong một con hẻm ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành có tuổi thọ hơn 30 năm, nay đã xuống cấp, nhiều chỗ nhìn thấy trời xanh, cột kèo đầy mối mọt. Đó là chỗ nương thân của vợ chồng thầy Trần Ngọc Thạnh và cô Phan Thị Cẩm Hồng. Trước khi nghỉ hưu, cả hai vợ chồng thầy Thạnh công tác tại Trường TH Trường Hoà C, thầy là giáo viên, cô là nhân viên. Do bị cao huyết áp và đau khớp nên năm 1991, cô Hồng xin nghỉ việc, năm 2004 thầy Thạnh cũng đến tuổi nghỉ hưu. Hai người có 4 người con, hai trong số đó đang theo nghề sư phạm.

Cô Hồng cho biết: “Kinh tế gia đình từ trước đến giờ đều trông cậy vào đồng lương giáo viên ít ỏi của thầy. Cô mất sức nghỉ việc nên chẳng có chế độ hưu trí. Sau khi nghỉ việc, cô đi phụ bán quán ăn để lo cho các con ăn học. Hai năm nay bị bệnh hoài nên cô chẳng thể nào làm ra tiền. Hai vợ chồng già chỉ biết gói ghém tiêu xài trong số lương hưu khoảng 1 triệu đồng/tháng…”. Gần 70 tuổi, thường bị cao huyết áp, thầy Thạnh không còn sức khoẻ để làm thêm. Hơn hai mươi năm gắn bó với ngành giáo dục, đến tuổi về già, thầy vẫn chưa thể thực hiện ước muốn tu sửa mái ấm gia đình cho tươm tất hơn.

Còn cô Nguyễn Thị Gói, nhà ở khu phố 4, phường 1, Thị xã Tây Ninh đã mắc phải căn bệnh lao não cách nay 3 năm. Được con cháu hết lòng chăm sóc chạy chữa, cô qua cơn nguy kịch nhưng chưa thoát khỏi di chứng bệnh tật. Trên chiếc giường cây, cô nằm yên, miệng luôn lảm nhảm, ánh nhìn vô cảm. Việc ăn uống, vệ sinh cá nhân của cô đều do một tay chị Thu- con gái của cô lo liệu. Chị Thu cho biết, mẹ chị vốn là giáo viên tiểu học, năm 1980 bà xin nghỉ việc khi đang dạy tại Trường TH Lê Văn Tám (Thị xã) vì sức khoẻ kém. Chị Thu tâm sự: “Năm mẹ tôi nghỉ việc, chế độ phụ cấp chẳng có là bao. Nhưng nhờ gia đình chính sách, ba tôi là liệt sĩ nên mẹ được hưởng chế độ, có tiền thuốc thang. Mấy năm nay, tiền sinh hoạt gia đình, tiền thuốc thang cho bà hằng tháng phần lớn là nhờ vào đứa con gái thứ hai của tôi, đang là giáo viên Trường TH Võ Thị Sáu…” Chị Thu năm nay cũng đã gần 60 tuổi nên không thể làm gì kiếm tiền, chỉ ở nhà chăm sóc cho mẹ.

Đến ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu hỏi thăm nhà cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lan, ai cũng biết vì cô công tác lâu năm tại Trường TH Bàu Năng A. Năm 1993, sau 25 năm gắn bó với bục giảng, cô Lan xin nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Rời bục giảng, cô Lan cùng các con mở sạp bán thức ăn ở chợ Bàu Năng. Người con đầu của cô, chị Hạnh Trang cũng là một giáo viên đang dạy tại Trường THCS Chà Là (Dương Minh Châu) cho biết: “Ba tôi làm nghề chạy xe lôi nên sau khi nghỉ dạy, dù đang mắc bệnh suy nhược thần kinh mãn tính, đau thần kinh toạ nhưng ngày nào mẹ cũng cố gắng ra chợ bán cơm, hủ tiếu, rồi về nhà trồng trọt chăn nuôi thêm để có tiền lo cho chị em tôi ăn học…”. Tuổi cao, sức yếu, cách đây gần năm, trong lúc tưới cây, cô Lan bị té gãy chân trái, phải băng bột nằm một chỗ. Biết có khách đến thăm, chân còn đau nhưng cô Lan vẫn cố ngồi lên xe lăn tiếp chuyện: “Bây giờ mấy đứa con tôi đã có gia đình riêng. Vợ chồng tôi ở chung với con Trang. Chẳng có đất cát gì để sản xuất, ông nhà tôi nay đã lớn tuổi chỉ đi làm công quả, còn tôi thì bệnh đau hoài, gánh nặng kinh tế trong gia đình đều trông cả vào Trang”. Năm 2008, chị Trang đã phải vay ngân hàng ba chục triệu đồng để sửa lại căn nhà cho cha mẹ có chỗ ở đàng hoàng trong những ngày già yếu, bệnh tật. Nhắc tới số nợ vay, cô Hoa Lan chỉ biết thở dài “Cái chân vẫn còn đau lắm nhưng cô đang cố gắng tập đi. Ráng khoẻ lại để còn phụ giúp con Trang buôn bán trả nợ…”.

Vợ chồng thầy Thạnh trong căn nhà của mình.

Trên đây chỉ là vài trường hợp điển hình trong số hàng trăm gia đình cựu giáo chức đang gặp khó khăn, bệnh tật trên địa bàn tỉnh, cần sự giúp đỡ của xã hội. Vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã có quyết định cho phép Hội Cựu giáo chức Tây Ninh thành lập “Quỹ hỗ trợ giảm nghèo và người bệnh khó khăn”, nhằm mục đích vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí để trợ cấp cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, cho những hội viên nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để cải thiện đời sống. Hy vọng đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho những gia đình cựu giáo chức nghèo vượt qua khốn khó.

Kim Ngân