Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phát triển chỉ dẫn địa lý Mãng cầu “Bà Ðen”:

Chung tay vì thương hiệu đặc sản Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 02/10/2020 - 01:14

BTN - Ngày 10.8.2011, trái mãng cầu “Bà Ðen” được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý (CDÐL) với khu vực, bao gồm địa bàn của 8 xã, phường: xã Thạnh Tân, Tân Bình và phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (thuộc TP. Tây Ninh); xã Tân Hưng (huyện Tân Châu); xã Suối Ðá, Phan, Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu).

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần NATANI thăm vườn mãng cầu.

Sau khi trái mãng cầu “Bà Ðen” được công nhận sản phẩm mang CDÐL, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm từng bước quản lý, phát triển thương hiệu mãng cầu “Bà Ðen”. Cụ thể: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp quản lý và sử dụng CDÐL “Bà Ðen” cho sản phẩm trái mãng cầu (theo Quyết định số 14/2012/QÐ-UBND ngày 22.2.2012 của UBND tỉnh).

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh triển khai công tác quản lý và sử dụng CDÐL “Bà Ðen” sản phẩm trái mãng cầu đến các xã, phường trên địa bàn huyện, thành phố; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDÐL sản phẩm mãng cầu “Bà Ðen”, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, đưa sản phẩm ra thị trường.

Ðến nay, Sở KH&CN đã cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDÐL cho 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nam Trạng, Công ty cổ phần NATANI) và 1 cá nhân (hộ trồng mãng cầu Huỳnh Biển Chiêu).

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần NATANI cho biết, công ty là một trong những đơn vị đủ điều kiện, được Sở KH&CN cấp chứng nhận quyền sử dụng CDÐL mãng cầu Bà Ðen vào tháng 8.2020, với diện tích gần 40 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Chỉ dẫn địa lý là niềm tự hào đối với người dân Tây Ninh nói chung và nông dân trồng mãng cầu nói riêng, vì nó hết sức giá trị, đặc biệt mà không phải ở vùng trồng nào cũng có thể có được. Chính vì thế, NATANI luôn gắn liền thương hiệu với chỉ dẫn địa lý bằng niềm tự hào về một đặc sản vùng miền”, ông Tân nói.

Trước khi được cấp chứng nhận quyền sử dụng CDÐL, doanh nghiệp luôn cố gắng để nâng cao giá trị sản phẩm trái mãng cầu Bà Ðen. Ông Tân chia sẻ, người tiêu dùng rất thích trái mãng cầu nhưng thời gian qua, trái cây này không được ưa chuộng vì chất lượng ngày càng đi xuống, chủ yếu do trái bị giòi, dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng.

Do đó, để phát triển được thương hiệu này, chiến lược mà công ty đưa ra là phải nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng qua các kênh phân phối có thương hiệu, uy tín như hệ thống các siêu thị trên toàn quốc (Aeon, Vinmart, Co.opmart, Big C, Bách hoá xanh...).

Bên cạnh đó, công ty tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, cũng như tham gia các hội chợ, các buổi giới thiệu sản phẩm... để khách hàng có cơ hội trực tiếp sử dụng sản phẩm và thẩm định chất lượng.

Hiện công ty đang sản xuất theo quy trình hữu cơ vi sinh trên nền tảng tiêu chuẩn VietGAP. Vùng trồng của công ty phân bố ở các xã Thạnh Tân, Tân Bình, các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh), xã Suối Ðá, xã Phan (huyện Dương Minh Châu).

Trung bình mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường từ 60 - 100 tấn mãng cầu, chủ yếu là thị trường nội địa; xuất khẩu chiếm khoảng 20% qua thị trường Bắc Mỹ, Trung Ðông, Singapore...

Với những kết quả đạt được, NATANI đã được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao cho sản phẩm mãng cầu Bà Ðen Tây Ninh. Ðây cũng là lần đầu tiên sản phẩm mãng cầu Bà Ðen được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Có thể nói, đây là thành quả phát huy trên cơ sở nền tảng chỉ dẫn địa lý mãng cầu Bà đen và nỗ lực của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty NATANI còn tăng giá trị của trái mãng cầu bằng chế biến sâu sau thu hoạch. Hiện tại, công ty đã chế biến được nước ép từ trái mãng cầu, và đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để có thể đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2020. Sau sản phẩm nước ép, dự kiến sẽ có các sản phẩm như yaourt, bánh, mứt mãng cầu...

Ông Huỳnh Biển Chiêu - Giám đốc Công ty TNHH Biển Chiêu (ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh) cho biết, sản phẩm trái mãng cầu của công ty được cấp chứng nhận quyền sử dụng CDÐL vào tháng 8.2016, tạo điều kiện giúp nông dân xây dựng thương hiệu.

“Ðể phát huy được thương hiệu, nông dân phải đưa công nghệ, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, bảo đảm quy trình cho chất lượng sản phẩm luôn ổn định, đồng đều”, ông Chiêu nói.

Ðến nay, thương hiệu mãng cầu mà ông xây dựng đã được các vùng miền, tỉnh, thành khác biết đến nhiều hơn. Từ hộ sản xuất, năm 2018, ông Chiêu mở rộng quy mô, thành lập Công ty TNHH Biển Chiêu để nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

Diện tích chứng nhận VietGAP của ông từ 5 ha ban đầu, đến nay đã nâng lên 12 ha. Công ty cũng hợp tác, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 20 ha, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Quá trình sản xuất của nông dân luôn có sự giám sát chặt chẽ của công ty để bảo đảm sản phẩm có chất lượng đồng nhất. Bình quân mỗi tháng, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn mãng cầu. Thị trường tiêu thụ là hệ thống các siêu thị, các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu đi Canada, Dubai...

Nhân viên Công ty cổ phần NATANI đóng gói mãng cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Lai - Giám đốc Trung tâm KH&CN (Sở KH&CN), để nâng cao giá trị của trái mãng cầu, người trồng cần chú ý đến sản phẩm sau thu hoạch và đa dạng hoá sản phẩm. Thời gian qua, Trung tâm đã thực hiện 2 đề tài, gồm Nghiên cứu, ứng dụng một số biện pháp công nghệ sau thu hoạch để duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản cho trái mãng cầu ta Tây Ninh.

Ðề tài do Trung tâm KH&CN chủ trì, thời gian triển khai từ năm 2015 - 2017. Sau đó, Trung tâm thực hiện quy trình tổng hợp từ các chuyên đề thực nghiệm của đề tài nghiên cứu và tổ chức hội thảo, giới thiệu kết quả đến người dân.

Kế đến là đề tài Nghiên cứu chế biến sản phẩm nước trái cây lên men từ trái mãng cầu ta Tây Ninh, thực hiện từ năm 2017 - 2018, do Trường đại học Nông lâm chủ trì.

Sau khi nghiệm thu, Trung tâm được giao tiếp nhận sản phẩm nghiên cứu; đang triển khai thực hiện các nội dung như phân tích chất lượng, hoá sinh, thành phần dinh dưỡng của sản phẩm… để đăng ký chỉ tiêu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa ra thương mại sản phẩm.

Ngoài ra, trong năm 2020, Trung tâm còn nghiên cứu sản xuất các sản phẩm như: bột sấy phun mãng cầu; gel rửa tay (từ vỏ và hạt mãng cầu đem trích ly polyphenol…); lotion dưỡng ẩm (cũng từ vỏ, hạt mãng cầu trích ly polyphenol); dung dịch rửa rau, củ, quả, thực phẩm…

Theo Sở KH&CN, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của địa phương là lĩnh vực mới của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng, cần có thời gian, lộ trình và điều kiện nhất định.

Khó khăn thời gian qua là nhận thức, ý thức trách nhiệm, ý thức tập thể của các hộ sản xuất, kinh doanh trong phát triển thương hiệu mãng cầu “Bà Ðen” chưa cao, chưa thấy được lợi ích lâu dài trong việc phát triển thương hiệu mang CDÐL; chưa hình thành được hợp tác xã (HTX) mãng cầu đủ mạnh để làm tiền đề cho các hộ sản xuất cùng tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm, thị trường và thương hiệu mang CDÐL.

Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của các sở, ngành, UBND huyện, thành phố có liên quan trong triển khai Quyết định số 14/2012/QÐ-UBND của UBND tỉnh chưa cao.

Ðồng thời, chưa có tổ chức, đội ngũ tư vấn về lựa chọn giống, mùa vụ, kỹ thuật canh tác, sản xuất…; mãng cầu sau thu hoạch vẫn bị sâu, rầy, chưa có công nghệ sơ chế, loại bỏ sâu, rầy và bảo quản trái mãng cầu sau thu hoạch.

Ðể phát huy được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm mãng cầu thương hiệu “Bà Ðen”, tạo ra nguồn cung ứng có chất lượng và ổn định, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm mãng cầu “Bà Ðen”; lập chuyên mục về CDDL mãng cầu “Bà Ðen” trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý...

Trúc Ly


Liên kết hữu ích