Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 9.8.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2509/KH-UBND về nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, giữ gìn hình ảnh, chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2023–2025.

Qua hai năm triển khai, các ngành, địa phương đã tập trung thực hiện nhiều nội dung, phần việc nhằm hướng đến mục đích chung: xây dựng hình ảnh Tây Ninh là điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện.
Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và an toàn trong hoạt động du lịch
Sau khi Kế hoạch 2509 được ban hành, các địa phương, khu, điểm du lịch đã phổ biến đến các tổ chức kinh doanh về việc thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm khi tham gia các hoạt động du lịch.
Việc lắp đặt các bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảng nội quy, những điều cần làm của khách du lịch và thuyết minh viên đã được thực hiện nhiều nơi. Viên chức, nhân viên xây dựng phong cách ứng xử đúng mực, thân thiện, trách nhiệm; sẵn sàng, tích cực hỗ trợ khách tham quan khi có yêu cầu.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh cũng đã phát động phong trào đăng ký tham gia hưởng ứng thực hiện đúng các tiêu chí Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên các lĩnh vực: Kinh doanh dịch vụ du lịch, Nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, Mua sắm phục vụ khách du lịch, Dịch vụ lữ hành và Cơ sở lưu trú du lịch. Đến cuối năm 2024, đã có hơn 20 đơn vị đăng ký tham gia.
Các khu, điểm du lịch xây dựng phương án an ninh trật tự (ANTT), bố trí lực lượng bảo vệ an toàn khu vực quản lý, các địa phương chỉ đạo lực lượng Công an bảo đảm ANTT, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, an toàn giao thông và phòng chống tệ nạn xã hội tại các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nhất là các dịp lễ, tết.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy gắn được thực hiện nghiêm. Các khu, điểm du lịch đều có bố trí lực lượng bảo vệ tích cực tuần tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý, đề xuất khắc phục kịp thời nguy cơ cháy nổ. Công tác tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy định kỳ cũng được thực hiện để nâng cao ý thức và kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho viên chức, người lao động tại đơn vị. Kết quả, đến thời điểm hiện tại không xảy ra các trường hợp cháy, nổ.
Du lịch luôn đi kèm với nhu cầu ăn uống, do đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các ngành, cơ sở chú trọng. Cụ thể, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen luôn phối hợp Sở Y tế kiểm tra nguồn nước, phun thuốc phòng, chống dịch bệnh... trước, trong và sau các đợt lễ, tết, bảo đảm an toàn sức khoẻ cho du khách tham quan; tổ chức tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn từ thiện tại khu du lịch.
Ngoài ra, Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm cho du khách tham quan, du lịch, tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, quán ăn...

Về vấn đề giá cả tiêu dùng, Sở Công Thương triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chỉ đạo địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn đối với các mặt hàng thiết yếu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ thị trường khi thị trường có biến động.
Liên quan đến vấn đề di chuyển, để bảo đảm cho việc đi lại an toàn, Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng) phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức giao thông phù hợp, nhất là tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, sơn phân làn, sơn gờ giảm tốc; khắc phục kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến hạ tầng giao thông... góp phần bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Hiện tại, toàn tỉnh có 22 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt và xe taxi đã thực hiện kê khai giá cước theo quy định. Phương tiện tham gia hoạt động các tuyến cố định có chất lượng tốt, luôn được các đơn vị quan tâm đầu tư, đổi mới, nhất là những loại xe giường nằm, xe phòng, xe limousine (có ghế ngồi riêng, rộng rãi).
Các đơn vị khai thác trên các tuyến xe buýt đã đầu tư mới phương tiện xe buýt để thay thế các xe cũ hoặc bổ sung khai thác trên các tuyến với tổng số 66 xe buýt, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách của địa phương.
Tăng cường quản lý - tạo niềm tin nơi du khách
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, giữ gìn hình ảnh, chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Qua kiểm tra năm 2024, đã có một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, triển khai Quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, cổng thông tin điện tử.
Tại địa bàn thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành vẫn còn các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống chưa bảo đảm quy trình trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn huyện Gò Dầu, một số sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh đặc sản địa phương không có nhãn hiệu và hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ; việc niêm yết bảng giá hàng hoá, dịch vụ sử dụng đơn vị tiền tệ không đúng quy định.
Để thực hiện đúng tinh thần của Kế hoạch 2509 của UBND tỉnh về nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, giữ gìn hình ảnh, chất lượng phục vụ các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, các ngành, địa phương, cơ sở du lịch… cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực: an toàn vệ sinh thực phẩm; nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; việc niêm yết, giá cả các mặt hàng; kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự an toàn giao thông đường bộ…
Đội Kiểm tra liên ngành Văn hoá – Xã hội tỉnh thường xuyên kiểm tra tại các điểm kinh doanh như: dịch vụ karaoke, quán bar, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ... nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo ra môi trường hoạt động du lịch bền vững, phát triển.
Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Sở đã chủ trì làm tốt công tác tuyên truyền Quy tắc ứng xử văn minh du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, Ban Quản lý các khu di tích lịch sử, Hiệp hội Du lịch tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quy tắc ứng xử văn minh du lịch (bằng hình ảnh trực quan, trên các phương tiện báo chí, truyền hình, trang mạng điện tử...) đến với nhiều đối tượng: cơ sở kinh doanh du lịch, khách tham quan du lịch, cộng đồng dân cư…
UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch thực hiện gắn các biển những việc cần làm cụ thể, rõ ràng trong khu vực quản lý theo hướng đơn giản, trực quan; kiểm tra hoặc lồng ghép vào các cuộc kiểm tra hằng năm của đơn vị để nhắc nhở, chấn chỉnh việc chấp hành quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh, việc thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trong đó chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh đặc sản địa phương; niêm yết bảng giá hàng hoá, dịch vụ đúng quy định.
Cùng với đó, các địa phương cũng ban hành văn bản thông báo số điện thoại đường dây nóng và hộp thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi các đánh giá, phản ánh, kiến nghị của khách du lịch về chất lượng dịch vụ điểm đến; các vấn đề về thái độ ứng xử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, trộm cắp, cướp giật tài sản tại các khu, điểm du lịch.
Bằng quyết tâm và những giải pháp cụ thể, thiết thực, Tây Ninh hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, tạo niềm tin cho du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ trên toàn địa bàn.
Ngọc Diêu