Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến nay, thông qua dự án đã có nhiều cây cầu, cống thuộc dự án này được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tạo thuận lợi cho người dân địa phương đi lại và vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Cầu Hai Lầu thuộc ấp Trà Hiệp, xã Trà Vong thuộc Chương trình LRAMP khi đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện cho người dân thuận lợi vận chuyển hàng hoá
Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt cho tỉnh Tây Ninh với 28 cây cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Đồng thời xoá bỏ chia cắt cộng đồng, giúp kết nối liên vùng để phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu kết nối trong hệ thống giao thông nông thôn. Đến nay, thông qua dự án đã có nhiều cây cầu, cống thuộc dự án này được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tạo thuận lợi cho người dân địa phương đi lại và vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
KHÔNG CÒN PHẢI ĐI ĐƯỜNG VÒNG
Một người dân ở ấp Thành Trung, xã Thành Long, huyện Châu Thành lưu thông trên cây cầu Thành Trung được xây dựng theo Chương trình LRAMP cho biết, ở ấp này trước đây người dân canh tác trên cánh đồng ấp Thành Trung phải đi qua cây cầu bắc qua suối, tải trọng chỉ có 3 tấn, nhỏ hẹp. Mỗi khi muốn vận chuyển nông sản phải đi vòng qua ấp Kinh Tế để ra đường lớn, rất khó khăn. Cầu Thành Trung vừa hoàn thành có tải trọng 10 tấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản.
Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của cây cầu, cần phải nâng cấp con đường vì vào mùa mưa, xe máy cày chở nông sản, hàng hoá qua lại nhiều nên con đường bị hư hỏng nặng nề, người dân phải chạy xe vào rẫy cao su để đi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp ngăn chặn xe quá tải, quá khổ lưu thông, bảo đảm tuổi thọ cho cây cầu.
Anh Đào Văn Hải, người dân sống tại ấp Trà Hiệp, xã Trà Vong, huyện Tân Biên cho biết, trước đây trên địa bàn ấp có cây cầu tạm bắc qua suối Trà Vong, gọi là cầu Hai Lầu. Do cầu nhỏ hẹp, tải trọng nhỏ, người dân chỉ vận chuyển nông sản, hàng hoá bằng xe máy cày nhỏ từ cánh đồng đi ra đường 793. Khi đến cầu phải tăng bo, đưa lên xe tải vận chuyển. Chính vì vậy, nhiều năm liền, người dân địa phương kiến nghị chính quyền đầu tư xây dựng mới cầu Hai Lầu.
Kể từ khi có cầu mới, người dân nơi đây hết sức vui mừng vì không còn cảnh tăng bo hàng hoá, nông sản qua cầu mỗi khi thu hoạch, xe có tải trọng nhỏ có thể vào tận cánh đồng. Thế nhưng, niềm vui ấy vẫn chưa trọn vẹn, bởi cây cầu có tải trọng nhỏ, nhưng nhiều tài xế điều khiển ô tô có tải trọng lớn vẫn cố tình chạy qua. Điều này làm người dân lo ngại cho sự an toàn của cây cầu. Anh Hải đã nhiều lần điện thoại báo cơ quan chức năng về tình trạng này, và thực tế đã có trường hợp xe tải lớn va quẹt vào lan can cầu gây hư hỏng. Do đó, người dân mong cơ quan có thẩm quyền có giải pháp chấn chỉnh.
Anh Mai Long Hải, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết, trước đây, cống Tân Lợi bắc qua suối là cống nhỏ nên việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân hết sức khó khăn- nhất là vào mùa mưa. Khi cống Tân Lợi được đầu tư xây dựng mới với quy mô lớn, anh và người dân canh tác tại khu vực này hết sức vui mừng. Tuy nhiên, người dân mong muốn chính quyền sớm đầu tư nâng cấp con đường và có biện pháp hạn chế tình trạng xe có tải trọng lớn qua cầu.
SẼ CÓ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO CÁC CÂY CẦU
Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Biên, trước tình trạng xe ô tô tải trọng lớn lưu thông qua cầu Hai Lầu thuộc dự án LRAMP, Phòng đã phối hợp với Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện xe tải có tải trọng và kích thước lớn lưu thông qua cầu Hai Lầu sẽ xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Chủng- Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, xã đang đầu tư nâng cấp con đường ấp Thành Trung. Về vấn đề người dân phản ánh có xe tải lớn lưu thông qua cây cầu mới xây dựng, ông Chủng cho biết, phần lớn là xe máy cày vận chuyển khoai mì, rất ít xe tải có tải trọng và kích cỡ lớn. Tuy nhiên, UBND xã sẽ thường xuyên giám sát, xử lý tình trạng xe quá tải cố tình lưu thông qua cầu trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Tân Châu cho biết, cống Tân Lợi được xây dựng theo Chương trình LRAMP, tạo thuận lợi cho người dân địa phương vận chuyển hàng hoá, nông sản. Về tuyến đường trên, trong thời gian tới xã sẽ đưa vào kế hoạch nâng cấp để phát huy hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ xem xét lắp đặt biển hạn chế tải trọng xe, kích cỡ xe để bảo đảm tuổi thọ cho công trình.
SẼ CÓ THÊM NHIỀU CÂY CẦU LRAMP
Theo Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh, thực tế đã cho thấy các cây cầu, cống thuộc dự án khi hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần không nhỏ xoá bỏ những cây cầu dân sinh tạm bợ, hư hỏng nặng và mất an toàn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, vận chuyển nông sản.
Chương trình LRAMP tại Tây Ninh có 3 giai đoạn bao, gồm: dự án thành phần 1 (TNI:01-BCKTKT1), gồm: cầu Thành Trung, cống Tân Lợi, cống Đông Hà, cống Đông Lợi và cầu Gò Kén đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật và bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1863/QĐ-TCĐBVN ngày 31.5.2017 (với tổng mức đầu tư là 6.245.000.000 đồng). Công trình đã khởi công ngày 12.9.2017 và đã nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng tháng 3.2018.
Dự án thành phần 2 (TNI:02-BCKTKT:02), gồm 5 cầu: Hai Lầu, Bến Đá, Bàu Tượng, Kênh TO1 và cầu Ô đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật và bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 595/QĐ-TCĐBVN ngày 23.2.2018 (với tổng mức đầu tư là 8.735.606.000 đồng). Công trình được khởi công ngày 1.8.2018 và đã nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 6.2019. Như vậy, tính đến nay, trên toàn tỉnh đã có 10 cây cầu, cống thuộc Chương trình LRAMP được đưa vào sử dụng.
Riêng đối với Dự án thành phần 3 (TNI:03-DAĐT:01), gồm 18 cầu - cống, dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư và bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu (theo Quyết định số 511/QĐ-TCĐBVN ngày 5.3.2019). Tuy nhiên, khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã loại bỏ cống Bến Sỏi (xã An Hoà).
Dự án thành phần 3 đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán gói thầu TNI:3-XD:1 - thi công xây dựng 10 cầu, cống huyện Châu Thành, Tân Biên, Bến Cầu và Dương Minh Châu. Gói thầu TNI:3-XD:2- thi công xây dựng 7 cầu, cống huyện Trảng Bàng. Hiện nay, đã khởi công 3 cầu (Suối Mây, Tà Ét, Chót Mạt) thuộc huyện Tân Biên.
Riêng cầu Suối Mây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên và cầu Chót Mạt, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, với tiến độ thi công là 10 tháng, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng tháng 10.2020.
Thiết nghĩ, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc thường xuyên tổ chức, phối hợp tuần tra, kiểm tra, xử lý các phương tiện lưu thông vượt quá tải trọng, vượt quá khổ cho phép các cầu, cống và các tuyến đường được đầu tư trên địa bàn, phát huy hết hiệu quả của những công trình thuộc LRAMP.
THẾ NHÂN