Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam bằng những việc làm thiết thực
Thứ năm: 07:03 ngày 10/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai- đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.

Đại diện Hội NNCĐDC xã Chà Là và lãnh đạo Kho KX5 thăm gia đình em Trần Thái Nguyên.

Ngày 10.8.2023, kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam xảy ra ở Việt Nam. 62 năm trước, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã làm cho gần 5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Nhiều người trong số đó mắc bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn, bệnh tật, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và các tẩng lớp nhân dân đã tích cực chung tay chăm lo cho nạn nhân da cam bằng nhiều hình thức. Từng bước góp phần xoa dịu nỗi đau thể chất và tinh thần của các nạn nhân da cam.

Mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” được Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề xuất thực hiện trên địa bàn đơn vị đóng quân tại xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu là một điển hình, được Bộ CHQS tỉnh đánh giá là mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực cần được nhân rộng.

Bà Lê Thị Kiều Hạnh- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) xã Chà Là cho biết, toàn xã có 66 nạn nhân chất độc da cam, trong đó 58 trường hợp nặng và có đến 20 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Để góp phần chia sẻ những khó khăn của các gia đình nạn nhân chất độc da cam, Đảng ủy, UBND xã lãnh đạo, chỉ đạo Hội NNCĐDC xã phối hợp các ban ngành, đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp, kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ năm 2021, được sự thống nhất của Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh và Đảng ủy, UBND xã triển khai thực hiện mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” trên địa bàn xã. Trực tiếp phối hợp thực hiện mô hình là Hội NNCĐDC xã và Kho KX5 thuộc Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh đóng quân trên địa bàn xã.

Ngay sau ký kết triển khai mô hình, Hội NNCĐDC xã Chà Là phối hợp Ban Chỉ huy Kho KX5 khảo sát nắm chắc số lượng nạn nhân, phân loại mức độ ảnh hưởng để có kế hoạch ưu tiên chăm lo cho các nạn nhân. Bước đầu Kho KX5 nhận hỗ trợ thường xuyên cho 3 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nặng. Mỗi tháng đơn vị trích nguồn thu từ tăng gia sản xuất tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tặng 200.000đ/người.

Trung tá Huỳnh Trung Hậu- Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh tặng quà cho cháu Phát, một nạn nhân chất độc da cam nhỏ tuổi ở ấp Ninh Hưng 1 (Chà Là).

Như trường hợp của cháu Phạm Thị Thúy Vy, sinh năm 2004, (ấp Ninh Hưng 1) được Kho KX5 nhận chăm sóc thường xuyên. Mẹ cháu Vy, chị Nguyễn Kim Liên, sinh năm 1970, bị dị tật tay trái từ nhỏ, chồng chị là anh Phạm Văn Hiệp, sinh năm 1969, trước đây là bộ đội tại Sư đoàn 5. Ông ngoại chị Liên là liệt sĩ.

Hoàn cảnh gia đình chị Liên rất khó khăn, chồng chị làm thuê lúc có lúc không, thu nhập bấp bênh, chị nhận gia công cuốn bánh tráng, mỗi ngày cố gắng lắm mới làm xong 5 kg, tiền công 50.000đ. Con gái chị bị ảnh hưởng chất độc da cam nên chậm phát triển, nhận thức kém. Hiện nay cháu được gởi theo học nghề tại trường dành cho người khuyết tật ở Đồng Nai.  

Trường hợp thứ hai Kho KX5 nhận chăm sóc, hỗ trợ hàng tháng là em Trần Thái Nguyên, sinh năm 1993. Năm nay đã 30 tuổi mà vóc dáng nhỏ thó. Nguyên bị di chứng của chất độc da cam làm tay, chân em teo tóp từ nhỏ, không nói và không nhận thức được, em không đi đứng bình thường, sinh hoạt cá nhân, hay ăn uống đều phải có người hỗ trợ. Mẹ em, bà Trần Kim Lan, sinh năm 1964 phải luôn bên cạnh để chăm sóc. Vì thế cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Ba của em đã lớn tuổi nhưng là lao động chính. Bà Lan cho biết chồng bà sức khỏe kém dần vì mới bị tai biến nhẹ, nhưng vẫn phải đi làm mướn thu hoạch hoa màu để có thu nhập lo cho gia đình.

Một hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn đã được Kho KX5 nhận chăm sóc từ 3 năm nay là em Nguyễn Duy Khánh, sinh năm 1990, Khánh bị teo cơ từ nhỏ, hai chân không đi được, chỉ còn một tay phải cử động. Vì vậy hơn 30 năm qua, Khánh luôn cần sự hỗ trợ của người thân. Hiện nay Khánh sống với mẹ là bà Trần Thị Vân, đã 68 tuổi nhưng bà phải làm thuê để có tiền chăm sóc cho Khánh. Hàng ngày bà nhận gia công cuốn bánh tráng, thu nhập gần 100 ngàn đồng/ngày đủ mua gạo và thức ăn.

Nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam rất lớn, nó đi cùng nạn nhân đến cả cuộc đời. Nỗi đau cả thể chất lẫn tinh thần không có gì có thể bù đắp. Sự sẻ chia của cộng đồng rất cần thiết giúp xoa dịu phần nào nỗi đau của các nạn nhân và gia đình có người thân là nạn nhân chất độc da cam.

Trung tá Huỳnh Trung Hậu- Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh chia sẻ, qua tìm hiểu thực tế trên địa bàn đóng quân, đơn vị tham mưu và được lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh đồng ý cho phép triển khai thực hiện mô hình. Nhưng do điều kiện đơn vị còn hạn chế, chỉ nhận hỗ trợ thường xuyên được 3 trường hợp nạn nhân nặng.

Qua thực hiện mô hình, bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm đối với gia đình và nạn nhân chất độc da cam, đơn vị đã vận động nhiều doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các đoàn thể chính trị xã hội, tổ chức tôn giáo trên địa bàn xã Chà Là cùng chung tay chăm lo cho nạn nhân.

Qua 3 năm thực hiện mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” trên địa bàn xã Chà Là đã được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, người dân trên địa bàn đồng thuận và cho đây là mô hình có ý nghĩa sâu rộng, mang tính nhân văn sâu sắc, khắc đậm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong việc chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau.

3 năm qua, đơn vị tổ chức trao tặng hơn 180 phần quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam trị giá trên 90 triệu đồng. Tính riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã trao tặng 80 phần quà cho gia đình chính sách và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 40 triệu đồng. Đảng uỷ, Ban Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật phối hợp UBND xã Chà Là vận động xây tặng 3 căn nhà tình nghĩa quân-dân cho 3 hộ khó khăn về nhà ở trị giá 240 triệu đồng.

Bà Trần Thị Vân (68 tuổi, mẹ em Khánh) gia công cuốn bánh tráng.

Ông Nguyễn Hoàng Vệ- Phó Chủ tịch UBND xã Chà Là cho biết, mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” do Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh phối hợp với UBND xã Chà Là thực hiện trong 3 năm qua có sự lan tỏa sâu rộng, tạo được tình cảm gắn kết của nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tôn giáo cùng chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn. Đến nay có 9 trường hợp nạn nhân nặng được các tập thể, cá nhân nhận hỗ trợ hàng tháng. Trong đó, Kho KX5 (Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh) hỗ trợ 3 trường hợp; Ban Cai quản họ đạo Cao Đài xã Chà Là hỗ trợ 1 trường hợp, các mạnh thường quân hỗ trợ 5 trường hợp.

Ông Vệ cho biết thêm, mới đây UBND xã Chà Là phối hợp Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh sơ kết 3 năm thực hiện mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” trên địa bàn xã, qua đánh giá kết quả, 2 đơn vị thống nhất duy trì mô hình và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ; vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay, nhân rộng mô hình, chăm lo nhiều hơn cho các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trung tá Huỳnh Trung Hậu- Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh khẳng định, mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” tiếp tục được duy trì và phát triển rộng hơn trong thời gian tới, tạo sự lan tỏa nhiều hơn. Đơn vị nhận được sự đồng hành của các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Phúc Hưng, Công ty bất động sản thiên Phú, Công ty đo đạt Bình An, Công ty đá hoa cương Viễn Ngọc và nhiều cá nhân khác.

 Đại diện Hội NNCĐDC xã Chà Là và lãnh đạo Kho KX5 thăm gia đình em Vy (mẹ em Vy ngồi giữa).

Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh mong muốn mô hình “Xoa dịu nỗi đau da cam” không dừng lại trên địa bàn xã Chà Là mà sẽ được lan tỏa ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, để ngày càng có nhiều hơn nạn nhân chất độc da cam được chăm lo, chia sẻ góp phần vơi bớt nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần.

Gia Huy

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục