Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với tiềm năng và triển vọng phát triển nền nông nghiệp “sạch” trong thời gian tới, chuỗi liên hoàn sản xuất - tiêu thụ - tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông sản sẽ mang thêm nhiều giá trị hữu ích về kinh tế, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, đất đai.
Nhà máy phân bón hữu cơ Phước Thắng.
Ông Nguyễn Văn Ðực (56 tuổi, quê Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Phước Thắng (ấp Trà Sim, xã Ninh Ðiền, huyện Châu Thành, Tây Ninh) cho biết, nhà máy phân bón hữu cơ Phước Thắng được đầu tư trên địa bàn xã Ninh Ðiền từ năm 2009.
Ðịnh hướng của nhà máy là tận dụng nguồn than bùn rất phong phú trên địa bàn huyện cùng với nguồn phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp dồi dào của tỉnh để sản xuất phân bón hữu cơ.
Tuy nhiên, sau hàng chục năm quen sử dụng phân bón vô cơ, hầu hết nông dân Việt Nam có thói quen sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc vô cơ, với một số ưu điểm trước mắt nhưng gây tác hại về lâu dài. Do đó, phân bón hữu cơ được tiêu thụ chậm, nhà máy sản xuất sản lượng thấp.
Khoảng 2 năm trở lại đây, cả nước đang tích cực hướng tới nền nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp “sạch”.
Trong đó, Tây Ninh là một trong những địa phương quyết liệt đưa nền nông nghiệp hướng đến các giá trị bền vững, giúp nông dân làm giàu. Chủ trương về nông nghiệp “sạch” của Trung ương và của tỉnh đã kích thích nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, tiêu thụ nông sản “sạch”.
Từ đó tác động tích cực đến ý thức người sản xuất lẫn người tiêu dùng trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ. Trong thực tế, muốn có nông sản sạch bắt buộc phải có vùng nguyên liệu sạch.
Mà để có vùng nguyên liệu “sạch”, tất yếu cây trồng phải sử dụng phân bón “sạch”, thuốc bảo vệ thực vật “sạch”, quy trình kỹ thuật sản xuất “sạch”... Ðó là tiền đề để ngành sản xuất phân bón hữu cơ có cơ hội phát triển.
Hiện nhà máy của ông Ðực đang được đầu tư thay thế dây chuyền sản xuất bán tự động trước đây bằng dây chuyền công nghệ gần như tự động, và nâng công suất sản xuất từ 20.000 tấn/năm lên trên 30.000 tấn/năm.
Năm 2017, nhà máy phân bón Phước Thắng sản xuất, tiêu thụ được khoảng 7.000 tấn sản phẩm, trong đó chỉ có khoảng 1.000 tấn được tiêu thụ tại Tây Ninh (chủ yếu ở hai huyện Gò Dầu, Trảng Bàng).
Với 13 loại sản phẩm, phân bón hữu cơ Phước Thắng đủ đáp ứng cho nông dân chăm sóc hầu hết các loại cây trồng ở địa phương. Năm 2017, sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh Phước Thắng được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Cũng theo ông Ðực, phân bón hữu cơ do công ty ông sản xuất từ việc tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp như xác cà phê, bã thực vật, bánh dầu đậu nành - đậu phộng, các loại rau quả không đạt chất lượng để ăn, các loại phân động vật như bò, gà, heo...
“Nghe nói, ở Tây Ninh đã có nhà máy chế biến rau củ quả sắp hoạt động. Sắp tới tôi sẽ liên hệ với nhà máy này đặt vấn đề thu gom các phế phẩm, phụ phẩm từ quá trình sản xuất, chế biến về xử lý, làm phân hữu cơ. Trước giờ, tôi phải mua thêm nguồn nguyên liệu ngoài tỉnh nên tốn kém chi phí vận chuyển”, ông Ðực nói.
Ðược biết, ở Tây Ninh, còn có một doanh nghiệp khác cũng tận dụng những thứ trước đây vốn “bỏ đi” làm thức ăn chăn nuôi...
Như một doanh nghiệp ở Gò Dầu đã tận dụng bã mì để chế biến thành bã mì ép viên, bã mì bột, rỉ mật bã mì ép viên... xuất khẩu, thu về nguồn lợi rất lớn.
Doanh nghiệp này cũng sử dụng các phụ phẩm từ cây khóm, lõi bắp, thân cây bắp, mía... để nghiên cứu, sản xuất các loại thức ăn giàu chất xơ trong chăn nuôi. Dù được sản xuất từ thứ “bỏ đi”, nhưng giá trị mang lại cho doanh nghiệp này mỗi năm là nhiều triệu đô la Mỹ.
Hay như ở Tân Châu có một lão nông nổi tiếng về tài cải tạo đất, sản xuất giỏi. Ông có hơn 10 ha đất ở khu vực nhiễm phèn nặng, bạc màu, canh tác cho hiệu quả thấp.
Sau khi tự nghiên cứu, tìm hiểu, ông sử dụng vỏ lụa mì (loại phế phẩm bỏ đi trong quá trình chế biến tinh bột mì) ủ thành phân hữu cơ để cải tạo đất. Nhờ đó, đất ngày càng màu mỡ, lão nông nọ năm nào trồng mía cũng đạt năng suất cao...
Với tiềm năng và triển vọng phát triển nền nông nghiệp “sạch” trong thời gian tới, chuỗi liên hoàn sản xuất - tiêu thụ - tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông sản sẽ mang thêm nhiều giá trị hữu ích về kinh tế, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, đất đai.
ÐÌNH CHUNG