Điểm nổi bật của chuồn chuồn tre là ở chỗ chỉ bằng một chiếc mỏ nhọn phần đầu nó có thể giữ thăng bằng trên một điểm tựa nhỏ như đầu ngón tay, góc bàn, cành cây…
Từ hình ảnh con chuồn chuồn thân thuộc trong cuộc sống, những người dân xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã sáng tạo ra những con chuồn chuồn bằng tre sống động góp phần làm phong phú kho tàng trò chơi dân gian của người Việt. Điểm nổi bật của chuồn chuồn tre là ở chỗ chỉ bằng một chiếc mỏ nhọn phần đầu nó có thể giữ thăng bằng trên một điểm tựa nhỏ như đầu ngón tay, góc bàn, cành cây…
Tại nhà anh Nguyễn Văn Đính – một trong những hộ gia đình làm chuồn chuồn tre lớn nhất ở Thạch Xá, hàng nghìn con chuồn chuồn với nhiều màu sắc đang được đóng gói chuẩn bị xuất ngoại theo đơn đặt hàng của một công ty xuất nhập khẩu.
Anh Đính cho biết, nghề này tuy vất vả nhưng đã gắn bó với người dân nơi đây nhiều năm và trở thành một nghề truyền thống đặc trưng của Thạch Xá.
Đất Thạch Xá cũng như các vùng đất xung quanh cũng trồng rất nhiều tre nhưng nguyên liệu tre để làm chuồn chuồn phải đi mua tận những vùng núi xa xôi như: Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn bởi tre ở đó vừa dẻo, vừa bền, lại ít bị mối mọt.
Phần gốc tre chắc, khỏe, dùng để làm thân được cạo vỏ, chẻ thành từng thanh với chiều dài thông thường là 7cm, 12cm, 14cm, 20cm tùy theo thiết kế và đặt hàng của khách; phần ngọn tre mềm dẻo dùng làm cánh. Với mỗi thanh tre, người thợ sẽ gọt bớt phần ruột tre để tạo thành thân chuồn chuồn, hai lỗ nhỏ mỗi bên thân được khoan một cách khéo léo để lắp cánh, sau đó vót và bẻ cong đuôi. Đầu chuồn chuồn cũng được uốn cho cong xuống, vừa tạo hình, vừa là chỗ đậu của chuồn chuồn.
Để chú chuồn chuồn tre luôn đậu cân bằng, phải tính toán kỹ lưỡng để chiều dài thân và hai cánh phải luôn bằng nhau. Sau khi lắp ráp xong, phải cho chuồn chuồn đậu thử trên đầu một chiếc đũa để kiểm tra sự cân bằng. Khi công đoạn khó nhất đã hoàn thành, chuồn chuồn được sơn một lớp sơn mỏng sau đó sẽ được trang trí bằng những màu sắc sinh động khác nhau theo thiết kế của người thợ.
Từ tháng 4 – 5 âm lịch đến Tết Nguyên Đán, làng nghề Thạch Xá trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Chỉ với khoảng gần 10 hộ gia đình làm nghề nhưng luôn tấp nập người làm, nguyên liệu được chở về liên tục, khách hàng nhiều nơi về đặt, lấy hàng. Mỗi hộ gia đình trung bình làm khoảng 20.000 con mỗi tháng, trừ cả vốn, trả lương cho người làm… thu nhập vẫn đạt gần 10 triệu đồng. Và giờ đây, chuồn chuồn tre không chỉ “bay” đến các tỉnh thành xa xôi trong nước như: Huế, Sài Gòn, Tiền Giang… mà còn trở thành một mặt hàng thủ công xuất khẩu được yêu thích ở Nhật Bản, Pháp, Mỹ.
Theo BAVN