BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình 135: Đời sống kinh tế, xã hội các xã biên giới khó khăn thực sự được cải thiện

Cập nhật ngày: 12/11/2010 - 06:13

Ngày 11.11.2010, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, trên địa bàn tỉnh. Trước đó, ngày 10.11.2010, Đoàn Giám sát đã khảo sát thực tế tại hai huyện Tân Châu và Châu Thành.

Đường vào Sóc Thiết (Hoà Hiệp, Tân Biên) được nâng cấp từ vốn Chương trình 135

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy: Thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, Giai đoạn II từ năm 2006 đến hết năm 2010, tại Tây Ninh có 15/20 xã thuộc vùng biên giới của tỉnh được triển khai thực hiện Chương trình 135. Chương trình gồm 4 mục tiêu (dự án) nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương và những hộ nghèo phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng; đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ xã, ấp, cộng đồng; và hỗ trợ các dịch vụ cải thiện, và nâng cao đời sống nhân dân; trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Với các mục tiêu đó, trong 5 năm (2006-2010) 15 xã thực hiện dự án được Trung ương hỗ trợ tổng cộng 79,415 tỷ đồng. Nhân dân thuộc 85 ấp, và 2.669 hộ nghèo đã được thụ hưởng kết quả từ dự án; cụ thể đã giải ngân đầu tư thực hiện xong 169 km đường giao thông; 12,69 km kênh mương thuỷ lợi; 22 km đường điện hạ thế; sửa chữa, nâng cấp 41 phòng học, 5 trạm y tế, 2 nhà lồng chợ, 2 mặt bằng chợ, xây dựng 2 nhà sinh hoạt cộng đồng. Lồng ghép với các chương trình khác xây dựng 77 công trình công cộng, 171 căn nhà; cấp 104,5 ha đất sản xuất cho 105 hộ nghèo, cấp đất ở cho 70 hộ, khoan tặng 148 giếng, hỗ trợ 52 con bò sinh sản v.v. Với nguồn vốn từ Chương trình 135, toàn bộ 2.669 hộ nghèo được nhận vốn hỗ trợ để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mua sắm nông cụ, tổng trị giá 12,675 tỷ đồng. Về hỗ trợ thực hiện các dịch vụ, cải thiện đời sống, trợ giúp pháp lý; đã hỗ trợ cho 2.904 học sinh con em gia đình nghèo, và hỗ trợ cải thiện môi trường cho 1.047 hộ nghèo, mở 45 lớp trợ giúp pháp lý cho 1.700 lượt người tham dự; tổng kinh phí hỗ trợ mục tiêu này 2,840 tỷ đồng. Mục tiêu đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ xã, ấp và cộng đồng đã bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn cho 5.716 lượt người, hiện còn phải đào tạo tiếp cho 4.566 lượt người.

Ngay từ khi điều tra và tiến hành triển khai Chương trình, từ tỉnh đến các xã biên giới đều thành lập Ban chỉ đạo, gồm những cán bộ chủ chốt của UBND và các cơ quan có liên quan. Toàn bộ kinh phí Trung ương cấp đều được chuyển về các xã, cấp tỉnh chỉ điều hành kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ xã, ấp, cộng đồng để chi cho việc biên soạn giáo trình và mở các lớp. Trong quá trình thực hiện các xã duy trì nghiêm nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; người dân được trực tiếp tham gia vào việc xây dựng, thực hiện kế hoạch, nêu ý kiến về nguyện vọng, đề xuất chọn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp và được đưa ra HĐND xã quyết định. Trong quá trình thực hiện được người dân đồng tình, tin tưởng, tuy nhiên cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: Quy mô mỗi công trình cơ sở hạ tầng không được vượt quá 1 tỷ đồng; mức hỗ trợ cho 1 hộ chăn nuôi bò sinh sản thấp không đủ mua 1 con bò sinh sản, chỉ mua được bê con; hay trước đây chỉ hỗ trợ cho học sinh con em gia đình nghèo nhưng phải học bán trú mới được hưởng. Đối với cán bộ cấp xã (chủ đầu tư) khó khăn là việc lập kế hoạch, dự toán và các thủ tục giải ngân, thanh quyết toán khá phức tạp. Về phía Ban giám sát Cộng đồng trình độ, năng lực nhận biết, phân tích, tổng hợp chưa ngang tầm nhiệm vụ, nên việc giám sát chỉ dừng ở mức là người “chứng kiến”. Tuy nhiên, các khó khăn vướng mắc cũng từng bước được tháo gỡ, nhờ có sự lãnh đạo, quản lý, kiểm tra sâu sát, hướng dẫn cụ thể của cấp uỷ, chính quyền và Ban chỉ đạo các cấp. Hiệu quả của dự án là rất lớn, tạo thay đổi cho bộ mặt nông thôn các xã biên giới, giúp cho người dân có việc làm, thụ hưởng các công trình phúc lợi công cộng, giảm được 2% số hộ nghèo. Đặc biệt là việc góp phần tích cực vào việc giữ gìn trật tự an toàn biên giới, an ninh nông thôn, các tệ nạn xã hội giảm, các phong trào thi đua thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong 16 chỉ tiêu đến nay cơ bản đã hoàn thành 12 chỉ tiêu, còn 4 chỉ tiêu sẽ hoàn thành trong các tháng cuối năm 2010.

Học sinh Phước Chỉ không áo phao vượt sông đến trường

Trong cuộc giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã nêu những ý kiến chất vấn các ngành, các địa phương về các vấn đề: Việc giải ngân chậm dẫn đến khó thực hiện dự án đúng tiến độ; một vài địa phương đầu tư dàn trải; hiệu quả của việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã, ấp chưa đạt yêu cầu; một vài hộ thực hiện mô hình chăn nuôi bò không có hiệu quả. Đại diện Ban chỉ đạo đã giải trình các ý kiến chất vấn, được đoàn giám sát chấp nhận.

Kết luận cuộc giám sát ông Lâm Tấn Đông, Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh nêu rõ: Việc thực hiện Chương trình 135, Giai đoạn II ở 15 xã biên giới khó khăn của Tây Ninh đã đem lại hiệu quả to lớn, thiết thực trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị; an ninh, quốc phòng, an ninh nông thôn, an ninh biên giới. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo các cấp cần quan tâm sâu sát hơn nữa, tích cực giúp đỡ, hướng dẫn Ban chỉ đạo cấp dưới, nhất là giúp cấp xã trong việc tổ chức thực hiện, điều hành và thanh, quyết toán đúng thời gian quy định. Kết thúc đợt giám sát các thành viên thống nhất báo cáo đánh giá kết quả thực hiện ở từng xã, từng chỉ tiêu đạt được và thống nhất đề nghị đưa 5 xã đã hoàn thành ra khỏi Chương trình 135 gồm các xã: Phước Chỉ (Trảng Bàng), Suối Ngô (Tân Châu), Long Phước (Bến Cầu), Phước Vinh và Thành Long (Châu Thành). Đồng thời kiến nghị Trung ương tiếp tục cho đầu tư thực hiện tiếp Chương trình 135 ở 10 xã còn lại và tiếp tục thực hiện một số tiêu chí chưa đạt ở 4 ấp ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Phước Chỉ.

KHẮC  LUÂN

 

 

 


 
Liên kết hữu ích