Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đại diện Công ty TNHH rượu Hữu Ý (thị xã Hoà Thành) cho biết, các buổi kết nối giao thương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm… doanh nghiệp được làm quen với các doanh nghiệp lớn ở các tỉnh
Khách hàng tham quan sản phẩm mãng cầu của HTX DVNN Minh Trung, tỉnh Tây Ninh.
Thời gian qua, Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tiếp cận, thâm nhập thị trường, tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất, kinh doanh. Đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, làm cầu nối giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tăng cường quan hệ thương mại và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần đưa sản phẩm của địa phương vươn xa.
Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, truyền thống, đặc trưng của tỉnh để tập trung hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy trình sản xuất để bảo đảm chất lượng, yêu cầu của thị trường, thâm nhập được vào các chuỗi cung ứng lớn, uy tín để bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định.
Xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất và bộ quy trình, thủ tục để hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cùng áp dụng thực hiện để đồng bộ về chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu, uy tín cho hàng hoá, sản phẩm của tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Công Thương đã chỉ đạo các phòng và đơn vị liên quan đã xây dựng và triển khai thực hiện 16 chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại như: chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai kế hoạch tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương và Tuần lễ nông sản giữa tỉnh Tây Ninh và Lâm Đồng” tại Tây Ninh, với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp hai địa phương.
Tổ chức tham gia hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm hữu nghị Việt Nam - Campuchia tại chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia (chợ Đa) kết hợp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại tại Vương quốc Campuchia tại chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia - chợ Đa thuộc ấp Đa Kandal, xã Đa, huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum và một số địa điểm có liên quan với sự tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hoá của hơn 60 gian hàng của các doanh nghiệp, trong đó có hơn 40 gian hàng của các doanh nghiệp nước bạn Campuchia và 18 cụm gian hàng phía Campuchia hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam (11 doanh nghiệp Tây Ninh và 6 doanh nghiệp ngoài tỉnh) trưng bày với nhiều sản phẩm đặc thù của hai nước.
Tổ chức tham gia “Gian hàng triển lãm trưng bày giới thiệu các thế mạnh và tiềm năng, giới thiệu dự án đầu tư và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh” và “Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương” trong khuôn khổ hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ tại tỉnh Bình Phước.
Theo HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung, huyện Dương Minh Châu, đơn vị đã tìm được các đối tác tiềm năng và ký kết thành công nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các đại lý ở một số tỉnh, thành. Có được thành quả này một phần là do cơ sở đã tích cực giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ, triển lãm và giới thiệu hàng hoá tại các buổi ký kết giao thương ở các tỉnh, thành phố lớn.
Công ty TNHH rượu Hữu Ý (thị xã Hoà Thành) cho biết: “Các buổi kết nối giao thương đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm... ngoài ra, doanh nghiệp được làm quen với các doanh nghiệp lớn ở các tỉnh. Việc tham gia hội chợ giúp doanh nghiệp có nhiều ý tưởng mới, cách làm hay trong kinh doanh; đồng thời tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn”.
Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương còn thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức và nâng cao hiệu quả kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin thị trường thông qua hội nghị giao thương, kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Nhất là làm tốt công tác xúc tiến thương mại của tỉnh và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến kết nối cung cầu, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quy trình sản xuất để bảo đảm chất lượng, yêu cầu của thị trường, thâm nhập được vào các chuỗi cung ứng lớn, uy tín để bảo đảm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, trong thời gian qua, đơn vị có liên quan của Sở cũng thường xuyên cập nhật nội dung và thông báo thông qua các group Zalo - Xúc tiến thương mại tỉnh Tây Ninh về các sự kiện diễn ra trong và ngoài nước kèm theo thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ số đông lượt doanh nghiệp trong tỉnh tham gia, với hơn 20 hội chợ triển lãm trên cả nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường tiềm năng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua việc tham gia các hoạt động trên, các doanh nghiệp của tỉnh đã có được cơ hội để kết nối giao thương, giao lưu và hợp tác với các nhà phân phối, đầu tư.
Đồng thời, tìm kiếm được thị trường tiềm năng cho mục tiêu đẩy mạnh khả năng tiêu thụ sản phẩm, tăng cường độ nhận diện cho thương hiệu của bản thân doanh nghiệp và quảng bá hình ảnh các sản phẩm đặc trưng của địa phương - Tây Ninh. Hơn nữa, còn tổ chức tập huấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thu, vận dụng kiến thức trong quá trình phát triển thương hiệu.
Từ nay đến cuối năm 2023, Sở Công Thương triển khai thực hiện các kế hoạch tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 từ ngày 9 - 16.11.2023 với số lượng đăng ký tham gia của 15 doanh nghiệp; hội chợ triển lãm công nghệ thực thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 13 - 16.11.2023 với số lượng đăng ký tham gia của 14 doanh nghiệp; hội nghị kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hoá giữa doanh nghiệp Tây Ninh và Long An từ ngày 3 - 5.11.2023 với sự tham gia của 23 doanh nghiệp Tây Ninh.
Nhi Trần