Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 26.7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổng kết chương trình Sữa học đường trong trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học (gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022.
Ông Bùi Tuấn Hải phát biểu tại hội nghị.
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2021-2022, toàn ngành có 126/134 trường mầm non, mẫu giáo tham gia Chương trình (8 trường mầm non tư thục không tham gia do đã có kế hoạch uống sữa tại trường theo khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày). Tổng số trẻ tham gia Chương trình là 29.098/30.743 trẻ mầm non đang học tại 126 trường. Đạt 94,6%, tăng 25% so với năm học 2018-2019 (68,6%).
Qua theo dõi kết quả cân nặng, chiều cao bằng biểu đồ tăng trưởng đối với 100% trẻ mầm non đến trường từ năm học 2018-2019 (trẻ 24–36 tháng tuổi) đến năm học 2021-2022 (trẻ 5-6 tuổi) cho thấy, với những trẻ có tham gia Chương trình đã có phát triển chiều cao, cân nặng vượt trội so với những trẻ không tham gia. Cụ thể, so với sự phát triển bình thường theo tuổi, khi tham gia Chương trình, chiều cao bé trai tăng từ 2,9cm/năm, bé gái tăng 2,5cm/năm; về cân nặng, bé trai và bé gái tăng 0,6kg/năm.
Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện chương trình Sữa học đường trong trường mầm non, mẫu giáo giai đoạn 2018-2022.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong thời gian qua là hơn 73 tỷ đồng. Trong đó, phụ huynh đóng góp hơn 32 tỷ đồng; công ty sữa hỗ trợ trên 10 tỷ đồng và gần 30 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Theo ông Bùi Tuấn Hải– Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, về kết quả thực hiện chương trình, tỷ lệ trẻ tham gia chương trình có tăng nhưng chưa đạt so với kế hoạch đề ra, do tiến độ triển khai Chương trình muộn so với thời gian năm học và do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên số lượng trẻ mầm non tham gia Chương trình giảm so với các năm học trước.
“Nhưng có thể khẳng định rằng, thành công của Chương trình là góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ em mầm non, góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Cụ thể, năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 0,1%, đã giảm 0,2% so với năm học 2018-2019 (0,3%); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 0,2%, đã giảm 0,2% so với năm học 2018-2019 (0,4%)”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, qua khảo sát trong quá trình thực hiện chương trình tại các đơn vị, đa số các cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh mong muốn được tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình trong những năm tiếp theo, nhất là vùng nông thôn, biên giới vì điều kiện kinh tế của phụ huynh những vùng này còn khó khăn.
Một số mô hình làm từ vỏ hộp sữa- một cách để tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong trường học.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án Sữa học đường giai đoạn 2022-2025 lồng ghép trong Chương trình bữa ăn học đường theo Quyết định 1660/QĐ-TTg ngày 2.10.20221 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025.
Nhân dịp này, Sở GD&ĐT khen thưởng cho 45 cá nhân, 36 tập thể đã có thành tích trong thực hiện chương trình Sữa học đường trong trường mầm non, mẫu giáo giai đoạn 2018-2022.
Ngọc Diêu