Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình tín dụng SV-HS: Hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 14/05/2011 - 10:55

Sau 3 năm thực hiện, chương trình tín dụng sinh viên, học sinh (theo Quyết định 157/2007/QĐ – TTg ngày 27.9.2007 của Thủ tướng Chính phủ) tại Tây Ninh đã được sự đồng tình cao của dư luận xã hội. Nhờ chính sách thiết thực này, hàng ngàn học sinh, sinh viên tỉnh nhà đã được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường. Về cơ bản, việc sử dụng vốn vay của đa số đối tượng là đúng mục đích.

Bên cạnh những thuận lợi đã có, chương trình tín dụng cho sinh viên, học sinh (gọi tắt là TDSV) cũng nảy sinh những vấn đề khó khăn: một số trường đại học, cao đẳng chưa thực hiện đầy đủ, chu đáo việc xác nhận thông tin về sinh viên cần vay vốn nên đã gây trở ngại cho khâu thẩm định hồ sơ của ngân hàng. Cũng vì thế các bên liên quan phải mất nhiều thời gian cho khâu thủ tục. Về phía người dân, do trình độ dân trí còn thấp nên hồ sơ vay vốn thường nhiều thiếu sót, phải bổ sung nhiều lần. Cũng có trường hợp đối tượng còn nhầm lẫn giữa cho vay tín dụng đào tạo với các loại hình cho vay khác.

Rất ít học viên trường nghề vay vốn tín dụng sinh viên

Để quy trình cho vay vốn được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, theo lời một cán bộ lãnh đạo Sở GD- ĐT tại cuộc hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chương trình TDSV vào ngày 12.5.2011, cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa 3 đơn vị: Sở GD- ĐT, Sở LĐ-TB&XH và Ngân hàng Chính sách. Đối với các trường chuyên nghiệp và dạy nghề trong tỉnh, cần có nhân sự chuyên trách theo dõi việc triển khai thực hiện chương trình TDSV. Một trong những vấn đề mà các trường cần đặc biệt lưu tâm là nhắc nhở, giáo dục học sinh, sinh viên được vay vốn sau khi ra trường phải có trách nhiệm hoàn trả nợ cho ngân hàng theo đúng quy định. Sở GD-ĐT cũng đề nghị các phòng giáo dục và trường phổ thông cần chủ động thông tin rộng rãi cho học sinh cuối cấp biết rõ chương trình này để các em yên tâm học tập, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng vì kinh tế khó khăn.

Theo ông Trương Hồng Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chương trình TDSV đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực tỉnh nhà. Nhờ được vay vốn ưu đãi, số học sinh, sinh viên phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn đã giảm hẳn. Nhiều sinh viên nghèo không còn phải vừa đi học vừa làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mặc dù vậy, còn có một số vấn đề rất đáng lưu ý. Trước hết, trong tổng số hơn 300 tỷ đồng đã cho vay, phần lớn đối tượng được vay là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Riêng học viên các trường nghề vay rất ít, điều này có nghĩa là việc thu hút học sinh vào trường nghề còn nhiều hạn chế, chương trình đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết trả nợ của học sinh, sinh viên trước kỳ thi tốt nghiệp 2 tuần cho thấy tính khả thi không cao. Lý do: nhà trường không nắm được danh sách sinh viên vay vốn nên chủ yếu chỉ nhắc nhở, vận động chung chung. Sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa nhà trường với học sinh, sinh viên khi đã tốt nghiệp còn thiếu sự chặt chẽ. Nói cách khác, hiện đang thiếu chế tài thanh toán nợ. Vị cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho rằng, sự phối hợp giữa ngân hàng và Sở GD-ĐT chưa thật sự đồng bộ, chưa thiết lập được cơ chế thông tin qua lại với nhau, dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ của sinh viên, học sinh khi đến hạn phải trả.

Cũng theo vị lãnh đạo ngành ngân hàng thì các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp cần thường xuyên tuyên truyền, vận động học sinh phổ thông tham gia học nghề để các em sớm tìm được việc làm, mà điều kiện theo đuổi việc học tập cũng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện riêng của bản thân.

Đ.V.T