Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ ngày 20.2 đến 24.3.2025, chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp “Chuyện trường – Chọn nghề” với chủ đề “Hành trình tìm ngọc” đã được triển khai tại tỉnh Tây Ninh với sự tham gia của 26 trường THPT và Trung tâm GDNN-GDTX, thu hút hơn 6.000 học sinh.

Đây là chương trình do Học viện Giáo dục Tâm lý Song Yến PSY phối hợp cùng Trường Đại học Trà Vinh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh tổ chức, mang đến phương pháp tiếp cận mới mẻ và thực tiễn trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Học sinh trải nghiệm chọn nghề qua vở kịch ứng tác "Giờ phải làm sao?"
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là vở kịch ứng tác "Giờ phải làm sao?", trong đó học sinh không chỉ đóng vai người quan sát mà còn trực tiếp tham gia đưa ra lập luận, tranh luận về bốn câu hỏi lớn: Nên chọn nghề theo năng lực? Nên chọn nghề theo xu hướng? Nên chọn nghề theo thu nhập? Nên chọn nghề theo đam mê?
Phương pháp này giúp học sinh không chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động mà còn chủ động suy nghĩ, phản biện, từ đó có góc nhìn rõ ràng hơn về hướng đi phù hợp với bản thân.
Mà theo ông Nguyễn Kim Quang - chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh: "Trường Đại học Trà Vinh đã tổ chức một chương trình rất mới mẻ, đặc biệt là các vở kịch ngắn giúp học sinh tiếp cận với những tình huống thực tế trong lựa chọn ngành nghề. Tôi thấy phương pháp này hấp dẫn và hiệu quả hơn so với các chương trình khác".
Áp dụng mô hình lý thuyết hiện đại vào hướng nghiệp
Ngoài vở kịch ứng tác, chương trình còn giới thiệu đến học sinh các mô hình lý thuyết hướng nghiệp hiện đại như: Lý thuyết 3W, Mô hình "Cây ước nguyện nghề nghiệp", Phương pháp lập kế hoạch nghề nghiệp - trích từ cuốn sách Chuyện trường - Chọn nghề, đã giúp học sinh hiểu rõ các yếu tố cốt lõi trong chọn nghề, hỗ trợ học sinh xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, giúp các em xác định rõ lộ trình học tập và làm việc trong tương lai.
Mà theo báo cáo viên, ông Phạm Hiệp Cường – chuyên viên tâm lý, kỹ năng chia sẻ: “Chọn một ngành nghề đại học không chỉ đơn giản là đặt bút điền nguyện vọng, mà còn là một quá trình tìm hiểu và dấn thân nghiêm túc. Các bạn học sinh cần chủ động khám phá ngành nghề mình muốn theo đuổi: từ những thuận lợi, khó khăn, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, đến việc đánh giá xem bản thân có đủ năng lực để theo học và phát triển trong lĩnh vực đó hay không. Đồng thời, việc lựa chọn ngôi trường đào tạo phù hợp và cân nhắc bài toán tài chính – từ học phí, sinh hoạt phí đến các nguồn thu nhập thêm – cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo một hành trình học tập bền vững”.
Bên cạnh các nội dung chia sẻ, chương trình cũng đã trao hơn 60 phần quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm khuyến khích tinh thần học tập và giúp các em có thêm động lực để phấn đấu vươn lên.
Không chỉ nhận được đánh giá cao từ phía chuyên gia, chương trình còn để lại ấn tượng sâu sắc với học sinh. Nhiều em bày tỏ sự hào hứng khi lần đầu tiên được trải nghiệm một cách tiếp cận hướng nghiệp mới mẻ và thiết thực đến vậy. Các em mong muốn chương trình tiếp tục được tổ chức rộng rãi để nhiều học sinh khác có cơ hội tham gia.
Chuỗi chương trình tư vấn hướng nghiệp tại Tây Ninh đã góp phần quan trọng trong việc giúp học sinh THPT có cái nhìn rõ ràng hơn về tương lai, tạo nền tảng vững chắc cho các em trong hành trình lựa chọn nghề nghiệp của mình.