BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại mang lại hiệu quả thiết thực 

Cập nhật ngày: 24/11/2019 - 10:53

BTNO - Hai năm qua (2017-2019), công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhiệt tình từ các sở, ngành đã giúp Sở Công Thương tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp địa phương quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng được trưng bày tại hội nghị xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

Các chương trình hội chợ triển lãm đã trực tiếp hỗ trợ cho hơn 180 lượt doanh nghiệp địa phương tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại gian hàng của hội chợ. Các doanh nghiệp tự trang trải chi phí vận chuyển, sản phẩm mẫu trưng bày, chi phí nhân viên, một phần chi phí gian hàng, truyền thông quảng bá... Doanh số bán hàng của doanh nghiệp thông qua việc tham gia hội chợ triển lãm đạt gần 13.185 triệu đồng.

Thông qua các lễ hội, hội chợ triển lãm này,các doanh nghiệp đã giới thiệu, quảng bá đến khách tham quan trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh và hình ảnh của tỉnh, những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, đặc sản của địa phương nhằm đẩy mạnh công tác kết nối, mời gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch cho tỉnh Tây Ninh.

Tăng cường công tác quảng bá những chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất phát triển thị trường, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Sở Công Thương còn chủ trì, cùng các sở, ngành liên quan tổ chức 27 hội thảo, hội nghị kết nối giao thương, khảo sát thị trường trong và ngoài nước cho cán bộ viên chức tỉnh và doanh nghiệp địa phương. Thông qua các hoạt động kết nối giao thương, đơn vị chủ trì đã làm tốt vai trò đầu mối hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương tham gia, giới thiệu quảng bá sản phẩm thế mạnh, đặc sản và dịch vụ chất lượng có uy tín của địa phương tại các sự kiện, tiến tới kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác, hợp đồng thương mại với các đối tác, nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài nước.

Theo Sở Công thương, mặc dù nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước không nhiều, nhưng hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp rất thiết thực và được cộng đồng doanh nghiệp địa phương đánh giá cao. Qua các hoạt động này, đơn vị chủ trì đã thực hiện tốt vai trò đồng hành của chính quyền địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp và thực hiện tốt chủ trương của tỉnh.

Bên cạnh đó, đối với công tác tổ chức các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các UBND huyện, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức 3 đợt phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại các huyện trong tỉnh với hơn 325 lượt doanh nghiệp tham gia bán hàng. Các phiên chợ đã thu hút khoảng 100.000 lượt người đến tham quan và mua sắm, doanh số bán hàng của doanh nghiệp đạt hơn 25.100 triệu đồng.

Người tiêu dùng mua sắm tại phiên chợ Hàng Việt về nông thôn tại huyện Hòa Thành.

Thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Qua đó góp phần giới thiệu và xây dựng lòng tin vào thương hiệu Việt với người dân, tạo điều kiện tiếp cận với những sản phẩm Việt chất lượng cao, là dịp để người dân địa phương nâng cao kiến thức tiêu dùng, phân biệt hàng thật, hàng giả, cách thức sử dụng và bảo quản sản phẩm.

Đồng thời, giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; giúp nhà sản xuất có cơ hội hiểu rõ hơn nhu cầu người tiêu dùng và chỗ đứng thị phần của hàng hóa mình, nhất là tại khu vực nông thôn; góp phần hỗ trợ người bán lẻ ở địa phương nâng cao khả năng kinh doanh; kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và doanh nghiệp sản xuất để hợp tác làm ăn lâu dài.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các chương trình xúc tiến thương mại còn gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ. Theo Sở Công thương, nguồn kinh phí hàng năm phục vụ cho các chương trình xúc tiến thương mại chưa được phê duyệt kịp thời, cụ thể như chương trình xúc tiến thương mại được xây dựng từ tháng 10 năm trước, nhưng đến tháng 4, tháng 5 của năm sau mới được duyệt, gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai các chương trình đã dự kiến ngay từ đầu năm, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

Ngoài ra, định mức kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho chương trình xúc tiến thương mại còn thấp so với nhu cầu thực tế nên có không ít đề án, chương trình hấp dẫn, tính khả thi cao, phục vụ thiết thực trong đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng không được phê duyệt do thiếu kinh phí. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu tuy vẫn tăng trưởng mạnh, nhưng việc quan tâm đầu tư cho các hoạt động xúc tiến xuất khẩu chưa tương xứng và kinh phí ngày càng cắt giảm. Vì vậy, các nguồn lực để triển khai các chương trình hỗ trợ, nhất là cho doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính còn hạn chế; một số doanh nghiệp mới thành lập đang trong quá trình tiếp cận mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. Tuy định mức hỗ trợ trực tiếp cho doanh chưa nhiều nhưng tác động động viên và chia sẻ khó khăn là khá tích cực; dù vậy, một số quy định về thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp còn phiền hà nên chưa thu hút sự đồng hành của đông đảo doanh nghiệp.

Gian hàng ẩm thực chay tại một chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại Tây Ninh chưa có Trung tâm Hội chợ triển lãm nên khó khăn trong việc bố trí mặt bằng để tổ chức các hội chợ thương mại, chương trình xúc tiến thương mại hoặc một số sự kiện chuyên ngành.

Qua đó, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị có liên quan phối hợp đơn giản hóa quy trình tổ chức, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nhằm cắt giảm thời gian và thuận lợi trong công tác tổ chức thực hiện; căn cứ chức năng nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị chủ trì xây dựng chương trình của ngành theo từng giai đoạn và cụ thể từng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong tháng một của năm kế hoạch, sau khi có thẩm định nội dung, kinh phí của các sở, ngành liên quan.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở ngành có liên quan phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác bố trí mặt bằng và hạ tầng cho việc tổ chức các sự kiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại của địa phương trong thời gian tới.

Nhi Trần