BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuột đồng bất trị

Cập nhật ngày: 02/05/2015 - 12:00

Năm nào cũng vậy, thu hoạch xong vụ Đông Xuân, nông dân các cánh đồng bưng, ruộng ven sông, vùng trũng thuộc các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng đều nơm nớp lo… nạn chuột tấn công vụ lúa mới.

 “Thường thì đầu vụ Hè Thu, chuột sinh sôi rất nhiều, phá phách rất dữ. Có nhiều đám ruộng mới sạ vài hôm, chuột đã ăn sạch lúa giống từ bờ ra hàng mét. Lớn thêm chút nữa, khi lúa ngậm đòng, chuột bắt đầu phá đến khi lúa chín. Có những ruộng lúa bị cắn xác xơ, không còn thu hoạch được bao nhiêu”, anh Cao Quốc Toàn, một nông dân ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành nói.

Nông dân nhọc nhằn đi diệt chuột bảo vệ mùa màng (ảnh lớn). Cả trăm con chuột con, chuột nhỏ bắt được trong chưa đầy 10 hang (ảnh nhỏ).

Đủ cách diệt chuột

Để ngăn ngừa chuột phá hoại vụ gieo sạ sắp tới, nhiều nông dân tiến hành các cách làm khác nhau. Đến ngày gieo sạ, một số người căng các tấm ni lông cao khoảng 3 tấc bao quanh ruộng lúa để ngăn chuột vào trong. Cách làm này tương đối hiệu quả nhưng khá công phu và chỉ phát huy tác dụng trong 1 vụ.

Đến ngày thu hoạch, nông dân phải tháo gỡ các tấm ni lông ra. Và sang vụ kế tiếp, đến ngày dọn đất gieo sạ, họ phải hì hụi căng lại các tấm ni lông. Sau vài vụ, nông dân phải thay tấm ni lông mới đã mục rách vì mưa nắng.

Trước khi gieo sạ khoảng 3 ngày, một số người dùng thuốc diệt chuột pha với lúa giống rải quanh ruộng lúa, cách từ bờ ra ruộng khoảng hơn 2m. Chuột ra ăn lúa pha thuốc độc sẽ chết. Cách này cũng khá hiệu quả nhưng chỉ diệt được một số chuột, vì loài gặm nhấm này khá tinh ranh. Đồng thời, chuột bị trúng thuốc độc chết nơi đầu bờ xó ruộng gây ô nhiễm môi trường, lúa giống pha thuốc độc cũng có thể giết hại chim cò.

Một số người thì có cách bắt chuột “kinh tế” hơn. Họ dùng bẫy, chiều mang ra đặt ở các lối mòn gần hang, nơi chuột thường ra vào đi kiếm ăn. Hầu hết những “thợ săn chuột” là nông dân có kinh nghiệm, có thể nhận biết dấu vết đường đi của chuột từ xa. Và hầu như mọi chiếc bẫy chuột được giăng ra đều dính chuột, có bẫy dính tới 2 con.

Bắt chuột theo cách này khá dễ, vừa không gây hại cho môi trường và các loài khác, lại vừa có thêm thu nhập. Hiện nay, mỗi ký lô chuột đồng (còn sống) mang đi bán cho các đại lý thu mua cũng có giá hơn 30 ngàn đồng. Một người đặt 100 chiếc bẫy, mỗi đêm cũng kiếm được trên dưới chục ký chuột, bán được vài trăm ngàn, thu nhập nhiều hơn cả tiền làm thuê một ngày của một lao động nông thôn.

Dù vậy, với những cách diệt chuột đã nêu trên, nông dân chỉ có thể ngăn ngừa được “phần ngọn”, tức chỉ diệt được một số chuột và số chuột còn lại tiếp tục phá hoại mùa màng trong vụ gieo sạ sắp tới là không thể tránh khỏi. Bởi bẫy hay thuốc độc chỉ diệt được một số chuột trưởng thành, còn lứa chuột mới sinh, chuột nhỏ chưa tự đi kiếm ăn được vẫn còn trú ngụ trong hang rất nhiều. Nông dân trồng lúa tiếp tục giao phó cánh đồng vào may rủi.

Nhọc nhằn đi săn chuột đồng

Với một số nông dân, họ ngăn ngừa vấn nạn chuột phá hoại bằng biện pháp tốn nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng hiệu quả cũng cao hơn.

Đó là việc đi săn chuột bằng cách đào hang, bắt tận ổ hết thảy dòng giống lớn bé nhà chuột ẩn nấp trong đó. Mùa này nước cạn, nắng nóng nên hầu hết bờ ruộng đều khô cứng, khó đào. Do đó, công việc nặng nhọc này không dành cho những người có sức khoẻ kém và không quen lao động chân tay.

Có dịp đi cùng mấy “thợ săn chuột” ở cánh đồng Bến Cừ, người viết mới cảm nhận sự vất vả của công việc này cũng như sự cơ cực của nghề nông. Cuốc là dụng cụ duy nhất được sử dụng vào việc đào hang, do những thanh niên khoẻ mạnh hoặc những nông dân đã quen tay cầm cuốc cầm cày.

Để bắt được chuột trong hang không phải dễ dàng. Những thợ săn đi dọc bờ ruộng, quan sát các miệng hang để xác định hang nào có chuột bên trong. “Người không có kinh nghiệm, gặp hang nào cũng đào thì chỉ tốn công phí sức mà thôi”, anh Toàn nói.

Sau khi phát hiện có dấu vết chuột trú ngụ, các thợ săn bắt đầu đào. Lúc sáng sớm, khi trời chưa nắng thì còn đỡ vất vả. Nắng lên, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại thay nhau cuốc, vừa đào vừa lần theo dấu vết con mồi. Phải công nhận một điều, loài chuột tinh ma đáo để.

Hang nào chúng cũng tạo ra nhiều ngóc ngách như những mê cung lan toả khắp nơi để đánh lừa thợ săn. Bờ ruộng trở thành những “địa đạo” ngầm dưới lòng đất của họ hàng nhà chuột. Có những hang, các thợ săn phải đào bới tan hoang từng đoạn bờ ruộng dài 5 – 7m mới truy tận ổ, bắt được chuột.

Hiện đang vào mùa sinh sản nên hầu như hang nào cũng như hang nào, mỗi hang đều có từ 5 đến 10 con chuột con còn đỏ hỏn bò lúc nhúc; hoặc chuột mới sinh được vài ngày, da mới hơi sẫm màu chưa kịp mọc lông. “Chỉ 10 đến 15 ngày nữa thôi, đám chuột non này sẽ tung hoành ngang dọc cắn phá ruộng lúa tơi bời.

Và chỉ chừng 2 tháng nữa, đám chuột non này sẽ trưởng thành và tiếp tục đẻ từng đàn, từng đàn chuột non khác. Để gần đến vụ thu hoạch Hè Thu tới, chúng càn quét các ruộng lúa từ khi ngậm đòng đến khi lúa chín”, anh Đoàn Hoài Đông, một thợ săn chuột nói.

Đi đào chuột phải đi theo nhóm, mỗi nhóm ít nhất 3 người để thay phiên nhau đào hang, có người cảnh giới để khi chuột tháo chạy từ hang ra phải đuổi theo, tay cầm thanh gỗ đập chuột. Thường thì chuột bắt kiểu này thịt không còn tươi ngon bởi chúng bị đánh “bầm giập” nên không bán được.

Các thợ săn mang chuột về làm thịt, lột bỏ da, ruột, cắt bỏ hạch xạ để không gây mùi hôi khi ăn, ướp gia vị rồi chiên, nướng hoặc phơi khô để dành ăn dần. Với nhiều người, thịt chuột là món khoái khẩu lúc đưa cay. Còn đám chuột non, thợ săn mang về nuôi đàn rắn long thừa, tiện lợi đôi đường, hoặc đập chết đem đốt.

Anh Nguyễn Văn Lượng, một nông dân và cũng là thợ săn chuột ở Ninh Điền cho biết, đào hang là cách diệt chuột hiệu quả nhất nhưng chỉ ít người có thời gian và nhân lực để đào. Bởi ngoài việc đào hang bắt chuột xong, nông dân còn phải tốn nhiều công sức để đắp mới lại bờ ruộng.

Thế nhưng chỉ một hai vụ lúa sau đó, các bờ ruộng mới đắp lại tiếp tục trở thành hang ổ của họ hàng nhà chuột. “Bây giờ, chuột đồng đã trở thành thứ bất trị rồi. Ở đây là khu vực đồng trống mà còn nhiều như vậy, ở những đám ruộng bưng nhiều lùm bụi, nhất là khu vực ven sông, rạch, chuột còn hoành hành hơn nữa. Ban đêm tôi đi soi cá mấy đám ruộng ven rạch, cách phía trước chừng năm, bảy bước chân đã thấy từng đàn chuột con, chuột lứa phóng chạy vù vù, nháo nhác”, anh Lượng kể.

HOÀNG THI

Theo tài liệu tuyên truyền kêu gọi diệt chuột gây hại mùa màng, thai kỳ của chuột đồng vào khoảng 19-21 ngày và mỗi lứa chuột mẹ sinh 3-14 chuột con (trung bình 6-8 con). Chuột sinh sản quanh năm, mỗi chuột cái có thể đẻ 5-10 lứa mỗi năm, vì vậy “dân số” chuột tăng rất nhanh. Chuột sơ sinh không mở mắt được ngay và không có lông. Bộ lông bắt đầu phát triển vài ba ngày sau khi sinh, đôi mắt mở sau khi sinh khoảng 1-2 tuần. Con đực trưởng thành sinh dục sau khoảng 6 tuần và con cái là khoảng 8 tuần, nhưng cả hai giới có thể sinh sản rất sớm, từ khi được 5 tuần.