Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với người La Chí, một dân tộc thiểu số chỉ có 8.000 người sống ở Hà Giang, con chuột lại được chọn là linh vật...
Con chuột xuất hiện trong rất nhiều sinh hoạt tín ngưỡng của người La Chí và nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với 3 loại lễ cúng rừng, gồm lễ cúng tại nhà thờ ở cửa rừng mỗi năm diễn ra một lần, lễ cúng ở miếu thờ trong lõi rừng cấm (15 năm diễn ra một lần) và lễ cúng Thần Rắn (13 năm diễn ra một lần).
Miếu thờ thần chuột ở bản La Chí |
Nếu ở lễ cúng nhà thờ hàng năm lễ vật hiến tế chính là trâu, lễ phụ là thịt chuột; ở lễ cúng miếu thờ lễ vật bò là chính, thịt chuột là phụ thì ở lễ cúng Thần Rắn lễ vật chính là chuột...
Trong ngày lễ cúng Thần Rắn, đồng bào tụ tập quanh sàn cúng, được dựng giữa rừng, trước miếu thờ. Các thầy mo ngồi trên sàn cúng trước mặt là 2 mâm lễ. Một mâm toàn thịt chuột, với rất nhiều món đã được chế biến sẵn, như chuột hấp, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả. Nhiều nhất là các món chuột khô, chuột nướng. Một thứ không thể thiếu, đó là bát… tiết canh chuột!
Người La Chí cho rằng, ma gà thích ăn tiết canh gà, còn Thần Rắn thì thích nhất tiết canh chuột. Ngoài ra, còn 13 con chuột sống, đủ các loại to nhỏ, bị buộc vào dây và cột vào cọc trước sàn cúng. Mâm lễ thứ hai để cúng các vị thần khác ngự trong rừng, gồm chủ yếu là các món liên quan đến cá, thịt. Lễ cúng Thần Rắn với mâm thịt chuột diễn ra suốt 2 ngày, trong không khí cực kỳ trang nghiêm.
Con chuột, ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn ở rừng cấm thì nó còn giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí. Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.
(Theo DanViet)