BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

Cập nhật ngày: 02/12/2022 - 06:03

BTN - Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của UBND tỉnh, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở các cấp, các ngành, ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ông Trần Văn Minh Trí- Chánh Thanh tra tỉnh phát biểu về công tác thanh tra năm 2022.

Từ khi được thành lập, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (gọi tắt là BCĐ tỉnh), Thường trực Ban Chỉ đạo, cơ quan Thường trực và các thành viên BCĐ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy chế, chương trình làm việc đã đề ra, đạt một số kết quả rất tích cực, dần thể hiện được vai trò, tầm quan trọng trong công tác tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, các vụ án tham nhũng phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm được đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết.

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng phức tạp, kéo dài

Ngày 24.6, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức lễ công bố quyết định thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tây Ninh gồm 15 thành viên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Việc thành lập BCĐ tỉnh góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

BCĐ tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản quy định của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trọng tâm là triển khai thực hiện hiệu quả các kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 21; kết luận của Thường trực Ban Bí thư tại hội nghị giám định, định giá tài sản trong vụ án, tham nhũng, tiêu cực và các văn bản liên quan của Trung ương về nội dung này.

Cơ quan thường trực BCĐ tỉnh phối hợp Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề Giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; thông tin đến các thành viên BCĐ tỉnh nắm tình hình, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi, lĩnh vực theo dõi, phụ trách để phối hợp theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải quyết. Đồng thời, ban hành văn bản yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình, kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp nhận, xử lý 12 đơn gửi đến BCĐ tỉnh.

Trong năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập và triển khai đoàn giám sát chuyên đề việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương và Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với 2 tổ chức đảng, 2 đảng viên là người đứng đầu cấp uỷ. Kết quả chưa phát hiện trường hợp khuyết điểm, sai phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo Thanh tra tỉnh chỉ đạo đoàn thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 đối với Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc.

Kết quả đã kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 và báo cáo Thanh tra Chính phủ kết quả theo quy định.

Đặc biệt, từ khi thành lập BCĐ tỉnh đến nay, các vụ án tham nhũng phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm được đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nhất là các vụ việc, vụ án theo kiến nghị của Đoàn công tác số 3 BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từ đầu năm đến nay, Ban Nội chính Tỉnh uỷ- cơ quan thường trực BCĐ tỉnh đã chủ trì 2 cuộc họp liên ngành tư pháp tỉnh để nắm thông tin, định hướng xử lý giải quyết có hiệu quả đối với 3 vụ án tham nhũng kéo dài; chỉ đạo thực hiện nghiêm các kiến nghị qua rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2021. Định kỳ hằng tháng, Thường trực BCĐ tỉnh họp đều cho ý kiến chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tự kiểm tra và phòng ngừa

Theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của UBND tỉnh, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở các cấp, các ngành, ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được bảo đảm; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định về công khai minh bạch tại 18 cơ quan, đơn vị và đã phát hiện 3 cơ quan, đơn vị sai phạm. Việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục được quan tâm hoàn thiện.

Trong kỳ, các cấp, các ngành chức năng đã xây dựng 262 văn bản mới, bãi bỏ 13 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thanh tra, kiểm tra 21 cuộc/24 đơn vị về công tác quản lý sử dụng tài chính liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn và đã phát hiện sai phạm 18 vụ/52 người với sai phạm đã phát hiện, xử lý là trên 978 triệu đồng.

Bên cạnh đó, kiểm tra đối với 3 cơ quan về việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, phát hiện 2 cơ quan/2 người sai phạm; phát hiện và xử lý 3 trường hợp xung đột lợi ích.

Trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 129/152 trường hợp, đồng thời thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo theo quy định nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân được đẩy mạnh.

Trong kỳ, trang “Hỏi đáp trực tuyến” của tỉnh tiếp nhận và phản hồi gần 2.700 câu hỏi, chưa có phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tuy nhiên có nhiều phản ánh liên quan đến xử lý chậm trễ hồ sơ thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện nghiêm túc. Tổ chức kê khai tài sản thu nhập cuối năm 2021 cho 2.778 người thuộc diện kê khai và công khai các bản kê khai; trong năm còn phát sinh 44 trường hợp tổ chức cho kê khai trong đó có 26 trường hợp kê khai lần đầu do mới tuyển dụng và 18 trường hợp kê khai phục vụ công tác cán bộ.

Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo việc triển khai kê khai tài sản, thu nhập năm 2022; các cơ quan đang tổ chức thực hiện theo quy định. Ông Trần Văn Minh Trí- Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, cơ quan Thanh tra tập trung thanh tra ở những nơi có nhiều thông tin dư luận và qua kiểm tra nghiệp vụ có dấu hiệu vi phạm.

Đặc biệt trong năm nay, thực hiện Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, Thanh tra tỉnh đã tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên và xác minh 25 người thuộc diện kê khai hằng năm, tại 5 địa phương, ngành. Hiện Thanh tra tỉnh đã hoàn tất việc xác minh, đang dự thảo kết luận xác minh; trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 18 vụ/52 người (giảm 2 vụ/5 người so với cùng kỳ năm 2021). Đa số các vụ án, vụ việc tham nhũng thời gian qua liên quan đến công tác quản lý tài chính, tài sản công.

Từ thực tế này, trên cơ sở kết luận của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tại phiên họp thứ hai, Thường trực BCĐ tỉnh yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tự kiểm tra để phát hiện sớm và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quản lý tài chính, tài sản công tại các địa phương, cơ quan, đơn vị xong trong tháng 11.2022. Tập trung kiểm tra ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như quản lý đất đai, tài nguyên, tài chính…

Định kỳ báo cáo kết quả tự kiểm tra cho BCĐ, cơ quan thường trực BCĐ và thành viên BCĐ được phân công phụ trách địa phương, cơ quan, đơn vị. Thường trực BCĐ tỉnh đề nghị Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lãnh đạo, chỉ đạo Sở xây dựng kế hoạch tự kiểm tra; chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của công chức, viên chức của ngành trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai và môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chủ động ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”. 

Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ ta. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.

Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng, không “ngừng”, không “nghỉ”, thiếu quyết liệt; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa không để xảy ra tham nhũng, vừa phải luôn cảnh giác đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

 

Phương Thuý