Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Những ngày qua, hàng loạt cơ quan thông tin báo chí đưa tin về 1 trường hợp hy hữu, đó là 1 chiến sĩ đã hy sinh 33 năm bỗng dưng trở về thăm gia đình tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ vào ngày mùng 5 tết.
Bà Trương Thị Tánh ( bìa trái) trao đổi với lãnh đạo phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Tân Châu, UBND xã Suối Dây đến tìm hiểu về “liệt sĩ” Trương Văn Chóng.
Sự trở về của “liệt sĩ” Trương Văn Chóng không những gây xôn xao dư luận Cần Thơ mà còn làm ồn ào ở một xóm nhỏ thuộc ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Bởi trước đó, “liệt sĩ” Trương Văn Chóng đã sống tại đây từ năm 2011 với cái tên Nguyễn Văn Tâm, trước khi tìm trở về quê nhà ở Cần Thơ.
Người mang hai họ
Ông Bùi Ngọc Thấn- Bí thư kiêm Công an viên phụ trách ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu cho biết, sau khi đọc thông tin trên các báo mạng viết về “liệt sĩ” Trương Văn Chóng là một Việt kiều Campuchia sinh sống tại huyện Tân Châu, ông Thấn tìm lại danh sách 8 hộ Việt kiều Campuchia hồi hương đang sinh sống tại địa phương thì không có ai tên Trương Văn Chóng.
Tuy nhiên, nhìn tấm ảnh đăng trên báo, ông Chóng rất giống với một người tên Nguyễn Văn Tâm, cũng là Việt kiều Campuchia đang sinh sống cùng gia đình tại ấp 2, xã Suối Dây, ông Thấn bèn đến gia đình tìm hiểu.
Gia đình xác nhận, “liệt sĩ” Trương Văn Chóng chính là ông Nguyễn Văn Tâm. Ông Tâm vừa rời khỏi địa phương đi tìm gia đình ở Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Người thân của ông Tâm cũng cho biết, ông Tâm có điện thoại về nói rõ sự việc. Hơn 30 năm qua, gia đình ruột thịt cứ nghĩ ông đã chết, và bản thân ông cũng được nhà nước công nhận liệt sĩ với tên khai sinh Trương Văn Chóng.
Bà Trương Thị Tánh, sinh năm 1958, vợ của ông Tâm cho hay, bà gặp ông Chóng ở khu vực Biển Hồ, Campuchia khi ông bị thương ở tay. Khi đó ông Chóng nói với bà ông tên Tâm, họ Trương. Tuy nhiên, khi hai người gá nghĩa vợ chồng, do bà mang họ Trương nên bà không chịu để ông Chóng cùng họ Trương. Vì vậy, khi làm giấy tờ với chính quyền Campuchia, bà Tánh đổi họ của ông sang họ Nguyễn, và ông Chóng sử dụng họ tên Nguyễn Văn Tâm từ ngày đó đến nay.
Theo bà Ánh, khi sống cùng ông Chóng, bà chỉ biết ông là bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia và bị thương, ngoài ra ông không nói gì với bà. Sinh sống lênh đênh giữa biển hồ, ông bà có chung 3 người con. Thời gian này, ông Chóng bị tai biến 2 lần nên trí nhớ không còn minh mẫn. Thỉnh thoảng, ông có nói với bà là quê quán ông ở Ô Môn, Cần Thơ và mong muốn được về thăm quê.
Sau nhiều năm tháng vất vả, năm 2011, cả gia đình quyết định hồi hương, chọn ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu để định cư. Thời gian này, ông Chóng càng mong muốn tìm lại gia đình ở Ô Môn, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện.
Bà Tánh cho rằng, ông Chóng khi trở về Việt Nam muốn mình mang họ Trương. Khi khai với chính quyền, ông Chóng vẫn nói mình họ Trương. Thế nhưng, do khi làm thủ tục dịch giấy tờ từ tiếng Campuchia sang tiếng Việt, sổ hộ khẩu do Campuchia cấp ghi rõ ông Chóng là Nguyễn Văn Tâm, vì vậy ông tiếp tục mang tên Nguyễn Văn Tâm khi ở Việt Nam.
Tìm về gia đình
Ông Thấn cho biết, gia đình ông Chóng về cư ngụ tại ấp 2 từ năm 2011. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hỗ trợ để gia đình khai báo các thủ tục tạm trú, cấp giấy khai sinh cho các cháu của ông bà khi được sinh ra ở Việt Nam.
Còn theo bà Tánh, khi về ở xã Suối Dây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Chóng xin đi làm công việc phơi xác mì. Được một thời gian, do sức khỏe kém nên ông chuyển sang chạy xe ôm. Sau đó ông bị tai nạn giao thông nên bà yêu cầu chồng ở nhà. Thời gian qua, gia đình cũng động viên ông Chóng về Ô Môn tìm gia đình nhưng ông không đi. Lý do ông đưa ra là không có tiền nhiều, trong người không có giấy tờ, nên nếu tìm không được người thân sợ không có tiền về...
Ngày 30 tết vừa qua, ông Chóng chở vợ đi chợ Suối Dây và có mua 2 tờ vé số. Đến chiều có kết quả xổ số, ông trúng được 12 triệu đồng. Có tiền, sau khi ăn tết cùng vợ con, ngày mùng 4 tết, ông đón xe về Ô Môn, bắt đầu hành trình tìm gia đình.
Rạng sáng mùng 5 tết, ông Chóng tìm được gia đình ở Cần Thơ và điện thoại báo về cho vợ con biết tin.
Con gái út của ông Chóng, khi nhận được điện thoại, cũng không tin là ba mình đã tìm được nhà nội. Qua nói chuyện, chị kết nối được Facebook với người cháu của ông Chóng ở Cần Thơ. Từ hình ảnh trực tiếp khi nói chuyện, chị mới tin rằng ba mình đã tìm được nhà nội.
Điều đáng mừng hơn là bà nội chị hiện đã 86 tuổi và vẫn còn sống.
Ba chị còn cho biết, bà nội tưởng ông đã chết hơn 30 năm qua nên lập bàn thờ, đồng thời ba chị còn được công nhận liệt sĩ với cái tên khai sinh là Trương Văn Chóng. Đến lúc này, gia đình mới biết được họ- tên thật của ông.
Bà Tánh cho biết thêm, sống với ông Chóng hơn 30 năm, bà không hề biết mặt mẹ chồng, anh em chồng. Bà chỉ biết mẹ chồng lần đầu tiên vào sáng 26.2, khi con gái điện thoại cho ông Chóng qua mạng Facebook, và bà đã có dịp nói chuyện với mẹ chồng.
Trước diễn biến và những tình tiết quá bất ngờ về người chồng của mình, bà Tánh rất vui, vì ngoài việc ông Chóng tìm được gia đình sau nhiều năm mong ước, bà sẽ có cơ hội gặp gia đình bên chồng những ngày sắp tới, cũng như con bà sẽ gặp được nhà nội. Đây là một niềm vui quá lớn đối với gia đình bà trong những ngày đầu năm mới.
Vẫn chờ kết quả xác minh
Ông Hà Huy Châu- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây cho biết, trước những thông tin bất ngờ về ông Nguyễn Văn Tâm, lãnh đạo địa phương đang tiếp tục theo dõi kết quả giải quyết của thành phố Cần Thơ đối với ông Chóng.
Trong trường hợp thành phố Cần Thơ thực hiện các bước thủ tục xác minh, nhập khẩu lại cho ông Chóng (hiện ông vẫn thuộc đối tượng Việt kiều Campuchia hồi hương), nếu ông Chóng có nhu cầu cắt hộ khẩu, chuyển về nhập khẩu ở Suối Dây, địa phương sẽ tạo điều kiện giúp đỡ gia đình ông.
Theo ông Huỳnh Văn Liêm- Phó Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Tân Châu, thời gian qua, chính quyền huyện đã có nhiều hỗ trợ cho gia đình ông Chóng như cấp thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn...
Sau khi cơ quan báo chí đăng tải thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐTB-XH huyện tìm hiểu về trường hợp của ông Trương Văn Chóng. Trước mắt, Phòng LĐTB-XH huyện sẽ có văn bản báo cáo trường hợp của ông Chóng cho Sở LĐTB-XH, đồng thời phải chờ kết quả từ địa phương, nơi công nhận liệt sĩ đối với ông Chóng.
Thiên Tâm-Ngô Mẫn