BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện “có hậu” của ông già thất thế đi tìm công lý: Những khuất lấp đằng sau một mảnh đất đã được “giải mã”

Cập nhật ngày: 01/01/2010 - 10:37
HTML clipboard

Chuyện ông Nguyễn Văn Vĩnh, ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành đi khiếu nại Ngân hàng đầu tư và phát triển Tây Ninh (NHĐT&PT - TN) bán đấu giá tài sản nhà đất của ông sai quy định, và chuyện ông tranh chấp tiền đền bù nhà đất khi Nhà nước giải phóng mặt bằng quốc lộ 22B với bà Ngô Thị Vân đối với các cơ quan pháp luật cũng như các cơ quan giám sát thực thi pháp luật, các cơ quan dân cử (Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh)… có thể nói không ai không biết đến. Thậm chí, để giải quyết vụ khiếu nại của ông, trong một cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì, với sự tham gia của các cơ quan ban ngành chuyên môn trong tỉnh liên quan đến vụ khiếu nại của ông Vĩnh, lãnh đạo tỉnh cũng không thể quyết được mà đành “xếp hồ sơ”, chuyển sang toà án giải quyết.

Một món nợ và nhiều bản án

Liên quan đến sự việc của ông Vĩnh, không chỉ có một, hai bản án của toà án trong một vụ án mà là bốn, năm bản án, trong nhiều vụ án có “dây mơ rễ má” với nhau, của không chỉ toà án ở tỉnh mà cả Toà án nhân dân tối cao (TAND TC). Tôi gặp ông lần đầu tiên cách đây đã hai năm rưỡi với một tập hồ sơ khiếu nại dày cộm, khi tôi được Toà soạn phân công làm rõ. Mặc dù, bài báo “Những khuất tất đằng sau một mảnh đất được đền bù giải toả” đã được đến với bạn đọc, nhưng trong hơn hai năm trời đó, vẫn chưa có cơ quan nào “giải mã” nó, ông Vĩnh đành ngậm ngùi với những phán quyết của các cơ quan pháp luật, công quyền của tỉnh và Trung ương. Trong những ngày cuối năm 2009, một bản án hết sức kỳ quặc của TAND tối cao đã được gửi đến cơ quan Thi hành án Dân sự tỉnh (nay là Cục Thi hành án Dân sự tỉnh) để cơ quan này ra quyết định “bứng” căn nhà dột nát đang nằm trên lộ giới “trả lại đất” cho bà Ngô Thị Vân, một chủ doanh nghiệp có tiếng trong tỉnh. Và... thật hết sức bất ngờ, cũng trong những ngày cuối năm 2009, khi chỉ còn đúng 1 ngày là đủ thời hiệu 3 năm theo trình tự giám đốc thẩm của vụ án “Đòi bồi thường thiệt hại”, ông Vĩnh - người đeo đuổi khiếu nại, kiên nhẫn chờ phán quyết của các nhà cầm cân công lý đã đón nhận một tin vui không chỉ đối với bản thân ông, mà theo ông còn là niềm tin cho nhiều người khi sự thật cuối cùng vẫn là sự thật: TANDTC kháng nghị huỷ các bản án sơ thẩm của TAND tỉnh, bản án phúc thẩm của TANDTC tại TP.HCM

Chuyện “bán đất” trái pháp luật

Ông Vinh vui mừng báo tin với Toà soạn Báo được TANDTC kháng nghị huỷ án.

Ông Vĩnh có một mảnh đất diện tích 8.767m2 tại ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. (Tuy nhiên, không biết cán bộ địa chính thời này làm như thế nào mà khi cấp giấy CNQSDĐ thì chỉ có 7.700m2). Năm 1996, ông cầm “giấy đỏ” này đến NHĐT&PT -TN vay 100 triệu đồng. Đến kỳ đáo hạn, do bị “vướng” vào một công trình làm đường (ông Vĩnh là nhà thầu) chưa kịp quyết toán, nên ông Vĩnh không đủ khả năng trả nợ. Vì vậy, NHĐT&PT-TN kiện đòi nợ ông Vĩnh và được TAND huyện Hoà Thành hoà giải thành, với số nợ cả gốc lẫn lãi là 136.343.300 đồng. Khi THADS Hoà Thành phát mãi mảnh đất 7.700m2, ông Vĩnh yêu cầu đo đất thực tế, dư ra 1.067m2. Tuy nhiên, thay vì chỉ phát mãi “bán đất” vừa đủ số tiền nợ, THADS huyện Hoà Thành bán hết mảnh đất 7.700m2 với giá 300.882.000đ, nhưng… không có người mua. Năm 2002, NHĐT&PT- TN trực tiếp bán cho bà Vân phần đất trên, với giá đất của năm 1998. Ông Vĩnh cho rằng “làm như vậy” là không đúng pháp luật. Bất chấp phản ứng của ông Vĩnh, NHĐT&PT- TN cứ bán. Thời điểm này, một mảnh đất gần vị trí đất ông Vĩnh, một ngân hàng khác bán với giá 225.000/m2, còn NHĐT&PT -TN chỉ bán với giá 40.000/m2, được định giá từ năm 1998, mà không định giá lại. Việc bán đất không định giá này là hoàn toàn trái với Thông tư liên tịch số 22/2002TTLT/NHNN-BTP là xác định giá thực tế tại địa phương. Ngoài ra, NHĐT&PT- TN còn kết hợp cùng Phòng Địa chính Hoà Thành (nay là Phòng TN&MT) cắt đất “dôi dư” chừa lại cho ông Vĩnh một cách hết sức vô lý. Khi “bán đất” cho bà Vân, trừ ra số đất dôi dư 1.067m2, thay vì “cắt đất”chừa cho ông Vĩnh một mảnh đất cân đối giữa chiều dài và chiều ngang để ông sinh sống, thì NHĐT&PT TN lại cùng Phòng Địa chính huyện cắt một miếng đất, mà theo một cán bộ chuyên môn của Phòng Địa chính Hoà Thành trước đây là không phù hợp cả về pháp lý lẫn đạo lý. Bởi vì, khi cắt mảnh đất 8.767m2, lấy 1.067m2, những người thực thi nhiệm vụ lại “cắt ra” một miếng đất, bề ngang mặt tiền chỉ có một mét, rồi phình ra ở phía sau, tạo thành hình “cán xoong”. Trong khi trước đó, cán bộ địa chính này, kết hợp với các cán bộ THADS huyện đưa ra sơ đồ cắt 1.067m2 rất hợp lý là chiều ngang 8,15m, chiều dài 130m thì NHĐT&PT TN và lãnh đạo Phòng Địa chính huyện không chấp nhận.

Và những việc “ép uổng” khác…

Sống trên mảnh đất của mình mấy chục năm trời, làm ăn thất bại, “mắc nợ”  không tiền trả, nên ông Vĩnh đành chấp nhận bán đất để trả nợ. Không chỉ bị ép trong việc bán đất, ông Vĩnh còn bị ép trong nhiều việc khác. Trong khi NHĐT&PT -TN bán đất sai quy định, ông khiếu nại, toà án nói ông sai ông đành cam chịu chờ giám đốc thẩm. Trong khi đó, với những việc làm sai trái của NHĐT&PT- TN, Phòng Địa chính Hoà Thành, toà án thì được chính quyền chấp nhận. Trong khi mạnh dạn và thản nhiên cấp “sổ đỏ” cho bà Vân trong vụ bán đất sai quy định của NHĐT&PT TN, khi Nhà nước làm đường đụng vào đất ông Vĩnh thì chính quyền huyện Hoà Thành lại chần chừ không giao tiền bồi thường đất cho ông mà gửi vào ngân hàng, để ông phải kiện tụng liên tục. Cuối cùng tại toà, bà Vân, đương sự tranh chấp số tiền trên với ông lại “không tranh chấp số tiền đền bù đất” đó, trong khi ông Vĩnh đang sống trong hoàn cảnh hết sức khổ sở. Khi TANDTC tại TP.HCM ra bản án có nhiều điểm bất hợp lý khó có thể thực hiện được, buộc ông phải dở nhà trên lộ giới (thay vì đây là việc của Nhà nước) trả đất cho bà Vân thì THADS tỉnh lại nhắm mắt làm càn. Tiếp đến, Chi nhánh Điện lực Hoà Thành kéo dây điện ngang qua nóc nhà ông, ông không đồng ý thì họ lại thay mặt thi hành án buộc ông phải thực hiện bản án (!?) tức là ông phải dở nhà, chứ không phải điều chỉnh đường dây điện.

TAND Tối cao: kháng nghị huỷ án, xét xử lại

Kiên quyết đeo đuổi sự thật, cuối cùng ông Vĩnh đã được toại nguyện. Tại Quyết định kháng nghị số 632/2009/DS-KN ngày 9.11.2009 của TAND tối cao nêu rõ về sự việc NHĐT&PT TN bán đất ông Vĩnh sai quy định như sau: “Lẽ ra, sau khi THADS huyện Hoà Thành đấu giá và bán không được tài sản thì ngân hàng tiếp tục yêu cầu cơ quan THADS huyện Hoà Thành bán đấu giá tiếp để thu hồi nợ, nhưng ngân hàng đã nhận đất của ông Vĩnh để tự bán, là không đúng với thoả thuận tại quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự, mà chỉ có cơ quan THADS huyện mới có quyền bán đấu giá tài sản để thi hành án. Mặt khác, ngân hàng bán đấu giá phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản là khi đấu giá phải định giá khởi điểm theo giá thị trường tại thời điểm bán để làm căn cứ bán đấu giá, nhưng ngân hàng lại căn cứ biên bản định giá năm 1998 do THADS Hoà Thành định giá để xác định giá khởi điểm làm căn cứ bán đấu giá là không đúng. Đồng thời ngân hàng chỉ được phát mãi tài sản tương đương với khoản nợ ông Vĩnh phải trả là 235.061.000đ... nhưng ngân hàng lại đấu giá toàn bộ 7.700m2 đất của ông Vĩnh thu số tiền 385.000.000đ, vượt quá số tiền ông Vĩnh phải thi hành… Ông Vĩnh thế chấp giấy CNQSDĐ là 7.700m2, năm 1999, THADS Hoà Thành đo là 8.767m2. Khi ngân hàng bán không đo lại, sau khi bán đấu giá xong mới đo lại giao đất cho bà Ngô Thị Vân diện tích chỉ còn 8.643m2, giảm 124m2. Chênh lệch này chưa được cấp sơ thẩm, phúc thẩm làm rõ, nhưng vẫn không chấp nhận yêu cầu của ông Vĩnh là chưa đúng”. Từ các lẽ trên, TANDTC đề nghị Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án dân sự phúc thẩm của TANDTC và sơ thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, giao hồ sơ về TAND tỉnh xét xử đúng theo quy định pháp luật.

HỮU ĐỨC