Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện cô học trò nghèo

Cập nhật ngày: 21/10/2010 - 02:08

Năm ngoái, khi bắt gặp Huyền (học sinh lớp 12, Trường THPT L.) trong góc nhà tồi tàn bên bìa rừng cao su tận ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành tôi đã thấy… hết hồn.

Căn nhà của mấy mẹ con Huyền cất nhờ trên thẻo đất của chủ vườn cao su. Hết hợp đồng đã lâu nhưng chưa có điều kiện đi chỗ khác nên mẹ Huyền “ở lì” luôn. Chủ vườn cũng không khó dễ, chỉ có điều là không thể làm một căn nhà tử tế hơn được! Trong cái nhà không thể gọi là nhà (vì chỉ lớn hơn một cái chòi ruộng một chút), chỉ vừa đủ chỗ kê hai cái giường. Mấy mẹ con Huyền tự cải thiện bằng cách trồng trọt lặt vặt vài thứ rau quanh nhà, nuôi mấy con gà, nhưng nhà không rào giậu, kẻ trộm cứ vô bắt riết hết gà.

Gia đình của Huyền gần như là con số 0 trong “sổ bộ” địa phương. Hoàn cảnh thuộc loại “phức tạp”: mẹ đơn thân nuôi con, nghèo không hộ khẩu, hai trong số ba đứa trẻ không có khai sinh. Vậy mà tôi bắt gặp một góc sáng trưng trong cái khoản không gian tồi tàn ấy: sát mái nhà là một cái kệ sách vở được kê ngay ngắn, sạch sẽ. Đó là chỗ sạch và đẹp nhất trong nhà. Đó chính là góc học tập của cô con gái lớn, học lớp mười hai. Sớm ý thức được vai trò, bổn phận của mình nên ngoài việc giữ nhà, trông em và phụ mẹ làm vườn, Huyền cố gắng học hành. Kỳ này, cô học trò nghèo định thi vào ngành sư phạm. “Xã còn thiếu giáo viên nhiều. Em hy vọng thi đậu, đi học về dạy gần nhà để phụ mẹ lo cho các em…”. Ánh mắt cô bé đượm buồn nhưng gương mặt toát lên vẻ cương nghị, gan góc.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, cô học trò nghèo tên Huyền giờ đã thoả ước mơ, trở thành sinh viên đại học

Mùa thi năm ngoái, Huyền thi rớt. Thật ra cũng không có gì để ngạc nhiên. Vì nhiều bạn trẻ ở khu vực thị tứ có điều kiện để… học ngày học đêm, học thêm, học bồi dưỡng mà còn chưa đậu thì huống gì… Nhưng cũng may, nghị lực của Huyền không bị dập tắt. Kỳ thi đại học vừa rồi, cô bé thi đậu Đại học Sư phạm, khoa Văn, như đã từng hứa với lòng mình, với mọi người. Nhận được tin vui từ Huyền mà tôi chợt trào nước mắt. Dĩ nhiên, để được kết quả như ngày hôm nay, cô bé phải phấn đấu gấp nhiều lần hơn so với những bạn trẻ khác. Suốt một năm qua, Huyền vừa làm việc tại nhà nuôi trẻ lang thang cơ nhỡ Bách Hoa Trang (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành), vừa học luyện thi. Vào đại học, cũng trầy trật lắm Huyền mới xin được vào ở trong ký túc xá (quận 11 - TP.HCM) sau gần 2 tháng nhập học. Mọi việc coi như tạm ổn, dù những ngày tháng sắp tới vẫn còn là một thách thức lớn với cô học trò nghèo. Nhưng tôi an lòng vì nụ cười cô bé vẫn cứ rạng rỡ và đôi mắt đã khá tự tin so với những ngày năm trước.

Tôi viết chuyện này không phải vì muốn “tán dương” cô trò nhỏ giàu nghị lực (dù cô xứng đáng được tán dương như thế). Tôi viết vì phát hiện: dạo này khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, tôi nghe một số bạn than thở: “…Sao chán đời quá chừng!”. (Giống như các bạn không có chuyện gì để làm vậy?). Khi tôi nói lên điều thắc mắc của mình với một bạn (cũng còn trẻ), thì bạn này bèn giảng cho tôi một tràng: “Chán thiệt đó chị, bởi vì cuộc sống hiện tại đủ thứ áp lực khiến tụi em chán ngán. Nào là áp lực học hành, áp lực gia đình, áp lực công việc… Người lớn đòi hỏi tụi trẻ phải giỏi hơn, phải thành đạt hơn, phải năng động và tháo vát hơn, nói chung là có một cái chuẩn thực sự cao mà tụi em khó lòng với tới…”.

Đó là những bạn trẻ đã đi làm vài năm hoặc còn đang học dở dang đại học mà gia đình tương đối đầy đủ.

Và tôi lại liên tưởng đến những bạn trẻ đang ngày đêm vật lộn với cuộc mưu sinh trong lúc vẫn không ngừng nỗ lực học hỏi, vươn lên để mong có một ngày mai tươi sáng hơn, trong đó có Huyền.

Những bạn trẻ đó, dường như chưa có ai nói chán bao giờ.

CẨM GIANG