Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chuyện cọp từ những năm 1930 trở về trước thì hầu như huyện nào cũng có. Nhưng có lẽ ít ai ngờ, chuyện cọp ở khu vực nay là thành phố Tây Ninh lại có nhiều nhất trong những vật chứng xưa để lại. Ðiển hình là các chuyện ở khu vực quanh chùa Như Lai (mà dân gian còn gọi là chùa Ông Hổ), nay thuộc về phường 1, TP. Tây Ninh.
Phù điêu cọp tại chùa Ông Hổ.
Thượng toạ Thích Tịnh Dũng, trụ trì chùa Như Lai suốt 30 năm qua (1989- 2019) đã nghe các vị tiền nhiệm kể lại nhiều chuyện cọp ở quanh chùa. Mà đấy mới là những năm 30 của thế kỷ trước. Chuyện rằng, dân làng Ninh Thạnh khi ấy thường xuống khu rừng tre ven suối Lâm Vồ để hái măng. Khu rừng ấy trải rộng từ vị trí nay là bệnh viện tỉnh dài ra đến suối.
Thường người hái măng phải đi sớm, về khi đã sẩm tối. Thế nhưng có một bà, nhà ở gần đình Thái Ninh lại lỡ chuyện nên đi muộn. Chiều hôm ấy, bà đã không về được. Người nhà báo tin tới đồn binh Pháp, hay còn gọi là đồn lính Partizan ở khu vực Công ty Xổ số kiến thiết, đường Trần Hưng Ðạo ngày nay. Ðồn cho lính đi tìm, chỉ thấy một vùng cỏ tranh bị giẫm nát, và chỉ còn duy nhất một cẳng chân có đeo một chiếc kiềng đồng.
Lại có chuyện một đám trẻ thường tụ tập chơi ở đình Thái Ninh- nơi này có truyền thống thờ thần Hổ. Một em hay nói bậy, được bạn nhắc nhở là nơi này “linh” lắm, không được nói chuyện báng bổ. Cậu bé vặc lại:- Linh gì, bóp con c… tao ý! Chuyện xảy ra ngay đêm ấy. Nửa đêm có cọp nhảy vào nhà cậu bé, chỉ chộp lấy bộ phận sinh dục của cậu, quăng đi mà không giết chết hoặc kéo mang theo. Chuyện này thì một vài người cao tuổi trong Ban Quý tế đình hiện nay cũng xác nhận là có thực.
Một chuyện nữa liên quan đến chùa Như Lai. Ðấy là chuyện của vị trụ trì tiền nhiệm, thường được gọi là ông Năm. Một hôm, khoảng 4 giờ chiều, theo lệ thường, ông Năm ra sân trước chùa làm lễ cúng cô hồn thì thấy một con cọp nằm dài án ngữ trước cổng chùa, khi ấy còn là lối vào duy nhất. Ông Năm vẫn bình thản thắp nhang làm lễ cúng. Xong, ông vào chùa tiếp tục thỉnh chuông, tụng một thời kinh. Xong việc, quay ra sân thấy con cọp đã đi đâu mất. Từ đấy, cọp thường xuyên về nằm ngay trước cửa chùa. Do vậy, dân gian có thêm một tên mới cho chùa là chùa Ông Hổ.
Ðến nay vẫn còn những bằng chứng cho các câu chuyện về cọp kể trên. Như các vị trong Ban Hội đình Thái Ninh còn biết rõ những người bị nạn là ai. Bằng chứng vật thể hẳn hoi cho chuyện cọp lại cũng ở chùa Như Lai, tức chùa Ông Hổ. Ðấy là bức phù điêu ở gian giữa mặt tiền chùa, nơi có gắn tấm biển đá nhỏ màu đen ghi công đức của hai vị lập chùa năm 1930. Thoạt nhìn, bức vẽ này giống như một tấm tranh tường.
Tuy vậy, lại gần sờ tay mới thấy đó là một bức phù điêu (đắp nổi) bằng vữa xi măng rồi sơn vẽ lên. Nổi bật giữa tranh là hình một con cọp lông vàng, vằn đen, sau một cú nhảy chân trước vừa tiếp đất, gương mặt dữ tợn, răng nhe lởm chởm. Tiền cảnh có thêm một ông, nửa giống ông Hộ Pháp, nửa giống ông Tiêu Diện Ðại sĩ đang giương tay như muốn răn đe, trấn áp, khiến con cọp phải chùn bước. Hậu cảnh hay phông nền thì rõ là cảnh Tây Ninh, với cây rừng bát ngát, xa xa nổi lên hình dáng núi Bà Ðen cùng những bầy chim bay về từ phía núi. Trong bức phù điêu, chỉ duy nhất có cây tùng dáng vẻ cong queo, cổ thụ là hơi khác lạ.
Thượng toạ Thích Tịnh Dũng được trụ trì tiền nhiệm kể rằng, những năm 1930, quân Pháp còn thống trị Tây Ninh, một số lính Pháp đóng đồn ở gần cây cầu sắt bắc qua suối Lâm Vồ. Có thể là một người lính Pháp đã chứng kiến chuyện Ông Hổ về chùa nên người này đã tới chùa, xin tự tạo lập nên một bàn thờ hổ. Bàn thờ thì đơn giản thôi! Chỉ là một bệ gạch vữa xây nền vuông, khoảng 1,2m mỗi chiều, cao khoảng 30cm, trên đặt vài tượng hổ màu vàng và trắng. Quan trọng hơn cả là bức phù điêu hình chữ nhật gần vuông, hơn 2m mỗi chiều.
Sư Thích Tịnh Dũng cho hay, cách nay khoảng 10 năm, người lính Pháp ấy có dẫn theo bà vợ về thăm lại chùa Như Lai, chỉ cho bà xem bức vẽ mình làm cách đây hơn 70 năm. Ðấy là lần về Tây Ninh thứ hai của ông, cũng là lần sau chót bởi năm ấy ông đã ngoài tuổi 80.
Dân gian có câu: “Cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận”. Có thể Tây Ninh xưa ít người lui tới nên chẳng mấy ai hình dung xứ này cọp cũng đã từng hoành hành từ rất lâu rồi. Ngay ở TP. Tây Ninh- một trong những nơi quy tụ dân cư đông đúc, ít nhất là từ cuối thế kỷ 17 mà đến tận các thập niên 30-40 của thế kỷ trước vẫn còn có cọp.
Tượng cọp ở Hà Gia miếu.
Ngay từ những năm của thập niên 1860, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Ðông, cọp cũng trở thành nỗi hãi hùng cho quân xâm lược Pháp. Cả hai cuốn sách: Ba thế hệ xanh một chặng đường (Tỉnh đoàn Tây Ninh xuất bản) và Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng (Ban Tuyên giáo Thị uỷ Tây Ninh, 1991) đều trích dẫn từ tập “báo cáo, thơ tín và bài đăng báo của Quan ba Savin de Larclauze- quan Ðầu tỉnh Tây Ninh những năm 1863-1866”.
Trong một lá thư đề ngày 15.10.1863 kể về chuyến săn “thắng lợi” của mình, Larclauze viết: “Tôi đã đem về hơn 30 con thú, trong đó có hai con công rất to… Tôi cũng chưa bắn được nai… dù tôi vẫn gặp chúng hàng nửa tá. Tôi chưa bắn được cọp, chúng cũng nhiều và phá phách dữ lắm. Tôi sẽ làm một loại bẫy và tuyên bố sẽ chiến đấu sống chết với chúng. Tôi còn mang nặng trong lòng cái chết của Paten tội nghiệp và của một người lính đã bị chúng giết…”.
Trong một lá thư khác viết cho người anh, đề ngày 20.11.1863, lại có đoạn: “Cọp là sự khủng khiếp cho những người láng giềng của chúng tôi. Cách đây mấy ngày, chúng đã ăn thịt người cô của ông thầy dạy tiếng Miên cho tôi, và ngay sáng nay, lúc 10 giờ, một con trong bầy bò của chúng tôi đã bị chúng vật chết tại bãi chăn thả cạnh nơi đồn trú…”.
Trong hai lá thư trên, ít nhất đã có một sĩ quan Pháp và một người lính bị thiệt mạng do cọp dữ. Những “người láng giềng của chúng tôi” ở đây chắc là những dân cư làng Ninh Thạnh, vì thành Săng- đá, nơi đặt Bộ chỉ huy đồn trú cũng ở tại làng này, nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Cọp dám xông tới bắt bò ngay tại bãi chăn thả nơi đồn trú chính là vị trí của cơ quan Thanh tra tỉnh đang xây. Vì, trong những tấm ảnh xưa, ta còn thấy đây là bãi đất trống thoai thoải dốc về phía rạch Tây Ninh.
Không biết Quan ba Chủ tỉnh có gặp cọp để “sống chết với chúng” như lời trong thư? Nhưng gần 3 năm sau, ông đã gặp những nghĩa quân của Trương Quyền và Pô-kum-pô trong một trận chiến tại bến Trường Ðổi, cách cầu Quan chỉ 1km. Trận ấy: “ngựa của De Larclauze bị sa lầy, ông ta nhảy xuống và cũng bị chôn chân dưới bùn. Một phát tên của nghĩa quân đã làm ông ta tử thương và chiến trận diễn ra chóng vánh…” (Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng).
Vậy mà đến những năm 1930, cọp vẫn hoành hành ở khu vực đầu phường 1, nơi có chùa Như Lai và đình Thái Ninh. Tính ra cọp đã tồn tại ở Tây Ninh suốt mấy trăm năm, từ thời cha ông đi mở đất. Ðiều này liệu có liên quan gì đến tục thờ thần Hổ tại các miếu, đình?
TRẦN VŨ
(còn tiếp)