Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyện cũ phường 2
Thứ năm: 09:48 ngày 04/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tính ra trên đất phường 2 hiện giờ đã từng có bệnh viện tỉnh với toà án (nay là công viên 30.4), ty cảnh sát nay là Phòng Chính trị- Công an tỉnh, nhà máy nước ở đoạn đầu đường Trưng Nữ Vương, phía sau Trường THCS Trần Hưng Đạo bơm về thuỷ đài (đặt tại khu siêu thị của TTC Plaza hiện nay).

Một góc phường 2.

Có việc phải đến UBND phường. Thấy ngay phòng sảnh có treo một tấm bản đồ Thành phố. Mới biết phường 2 của mình nhỏ quá. Săm soi các con đường là địa giới, ta có thể ước đoán rằng: chạy xe máy quanh một vòng ôm trọn phường 2 chắc chỉ nửa giờ. Phường nằm gọn bên trong các con đường Nguyễn Thái Học, Cách Mạng Tháng Tám, Trương Quyền, Trưng Nữ Vương. Đại lộ 30.4 cũng chạy qua phường 2 từ ngã tư biểu tượng cho đến qua khỏi trụ sở Chi cục Kiểm lâm mới sang đất của phường 3. Cả ba phía Tây, Nam, Bắc đều là phường 1.

Theo một báo cáo của UBND phường vào năm 2016, diện tích tự nhiên chỉ có 140,76 ha mà dân số tới 9.625 nhân khẩu. Như vậy, cả phường chỉ lớn gần bằng 1,5 lần khu Toà thánh Tây Ninh. Mật độ dân số ấy chắc phải cao nhất tỉnh. Vậy chắc là sẽ còn nhiều cái nhất nữa ở phường 2.

Nhiều đình, đền, chùa nhất ư? Có thể. Trong phường 2 có cả một xóm chùa với nhiều ngôi chùa cổ. Nơi trú đóng của cơ quan đầu não cấp tỉnh với thời gian dài nhất, qua tất cả các thời kỳ biến động của lịch sử ư? Đúng quá! Vì thời Pháp thuộc thì trên đất phường 2 đã có Toà Bố- tên gọi tắt của cơ quan đầu não để các quan Bố Chánh có chỗ mà làm cái việc cai trị.

Đến thời Việt Nam cộng hoà thì đó là dinh Tỉnh trưởng. Cho đến nay, sau 42 năm giải phóng miền Nam, nơi đây vẫn được chọn làm trụ sở văn phòng UBND tỉnh. Phong thuỷ đẹp, với đồi cao lồng lộng trước một dòng sông. Đô thị đầu tiên và cổ nhất có từ thời Pháp thuộc nay cũng còn nhiều dấu tích trên đất phường 2.

Như đường Hàm Nghi- con đường duy nhất còn 5 cây sao cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc (năm nào chưa rõ). Con đường phố này có thể có tuổi đời cao nhất. Là vì nó chiếu thẳng với cổng chính thành Săng-đá do Pháp xây khi chiếm được Tây Ninh sau năm 1862- theo một tấm ảnh cũ trưng bày nhân dịp kỷ niệm 180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển (1836-2016).

Cuối đường này là rạch Tây Ninh, nên ta có thể dự đoán nó đã có từ thời quan quân “đàng cựu” xây đắp thành phủ Tây Ninh năm 1838 (sau khi lập phủ hai năm, theo sách “Đại Nam nhất thống chí”). Đấy là còn chưa kể nhiều công trình thời Pháp thuộc nay đã mất đi khiến người trẻ giờ khó mà hình dung ra đô thị của một tỉnh lỵ thời xưa.

Tính ra trên đất phường 2 hiện giờ đã từng có bệnh viện tỉnh với toà án (nay là công viên 30.4), ty cảnh sát nay là Phòng Chính trị- Công an tỉnh, nhà máy nước ở đoạn đầu đường Trưng Nữ Vương, phía sau Trường THCS Trần Hưng Đạo bơm về thuỷ đài (đặt tại khu siêu thị của TTC Plaza hiện nay).

Từ đây, đã có nước máy bơm về cho các cơ quan trú đóng trong tỉnh lỵ; công trình duy nhất hiện còn lại là một trại giam khét tiếng- nơi cán bộ cách mạng Hoàng Lê Kha cùng nhiều chính trị phạm khác bị giam giữ. Nay, người ta đã tu sửa nơi này tương đối khang trang và gọi là di tích Khám đường.

Phường 2 cũng ôm giữa lòng mình một đoạn rạch Tây Ninh đẹp và thơ mộng nhất, nơi đêm đêm trai gái rủ nhau ra công viên bờ kè dạo mát, cà phê hoặc mua sắm, ăn uống ở chợ đêm.

 Có lẽ, chính vị trí đắc địa cho lưu thông thuỷ bộ xưa nay mà phường 2 đã trở thành trung tâm của trung tâm đô thị. 

Thời xa xưa, sau khi phủ Tây Ninh thành lập, chung quanh khu vực phường 2 ngày nay mới chỉ có mấy thôn làng. Trước tiên là thôn Khương Ninh- được chọn làm nơi đặt phủ lỵ từ năm 1836. Đến năm 1838, có thêm hai thôn Hiệp Ninh và Thái Bình (theo “Từ điển địa danh hành chính Nam bộ” của Nguyễn Đình Tư).

Đến năm 1872 có thêm các thôn Vĩnh Xuân và Ninh Thạnh. Rồi sau đó hai làng này lại nhập một vào Ninh Thạnh năm 1891. Đất phường 2 lúc đó có lẽ còn thuộc về hai thôn Thái Bình và Hiệp Ninh. Bên bờ Đông rạch vẫn còn đến thời điểm gần đây một ngôi trụ sở xưa có tên là công sở Hiệp Ninh trên đường Trần Hưng Đạo ở vị trí góc giao với đường Lê Lợi. Còn công sở xã Thái Bình thì ở trên đường Võ Văn Truyện, đường từ ngã tư cuối phố Gia Long cũ đi ra chợ Tây Ninh.

Đến năm 1943, chính quyền Pháp sáp nhập 3 phần trung tâm của ba làng Hiệp Ninh, Thái Bình và Ninh Thạnh vào một xã tỉnh lỵ mang tên là Thái Hiệp Thạnh (ông Nguyễn Đình Tư có thể đã lầm khi cho rằng xã này có từ năm 1956). Đến lúc này thì phường 2 mới thật sự nằm trong phần trung tâm nhất của xã tỉnh lỵ, gần như bao gồm toàn bộ các cơ quan cai trị của chính quyền thực dân lúc đó. Cả các ngôi chợ cũ, mới và bệnh viện. Cả các đình chùa miếu mạo xa xưa. Những tên ấp mà một số người tuổi cao còn nhớ như Thái Chánh, Thái Trung, Thái Phú, Thái Xuân…

Phường 2 cũng ôm trong lòng rất nhiều di tích lịch sử văn hoá suốt bề dày 180 năm lịch sử. Trở lại xóm Chùa, giới hạn bởi các đường Hàm Nghi, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Hưng Đạo hiện còn hai ngôi chùa là Thiền Lâm cổ và Hưng Thái tự. Trong đó, có người cho rằng Thiền Lâm cổ là ngôi đầu tiên có trên đất thành phố Tây Ninh, dù vào năm nào còn chưa rõ.

Chỉ biết năm 1853, theo chính sách lập các đồn điền mới của Nguyễn Tri Phương thì đã có nhà sư Yết Ma Lượng theo đoàn quan quân lên Tây Ninh. Sự nghiệp “hoàng pháp” ở vùng đất mới chưa thành thì đã có sự biến năm Nhâm Tuất 1862, các tỉnh miền Đông lọt vào tay giặc. Ông đành rút về lập chùa Thiền Lâm cổ trên đường Ngô Gia Tự (xưa từng có tên là Yết Ma Lượng).

Phường 2 cũng có một nhà thờ Công giáo của giáo xứ Tây Ninh có từ năm 1881. Nhưng ngôi nhà thờ hiện nay được xây năm 1932. Di tích cổ kính và quý giá nhất chính là ngôi đình Hiệp Ninh có từ cuối thế kỷ XIX được xây cất khang trang từ năm 1901 và về cơ bản vẫn còn như hiện nay ta thấy.

Ôi chà! Đã bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu Quan, rồi cầu Thái Hoà nối hai nửa phường 2. Giờ đã có thêm cầu mới trên đường Trần Quốc Toản. Chỉ nội ở phường 2 đã có ba cây cầu bắc qua rạch Tây Ninh.

Bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu cũng là bấy nhiêu chuyện cũ ở phường 2.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục