Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không thể gộp những chuyện riêng lẻ, mỗi chuyện một nội dung khác nhau, ý nghĩa khác nhau lại rồi nhận định thế này, phân tích thế kia được đâu ông ơi!
- Sao lúc này báo chí hay đăng mấy chuyện không hay của quý thầy cô giáo quá vậy ông nhà báo? Có khi nào ngành báo có “ấn tượng” hay “dị ứng” gì với ngành giáo không?
- Thì... ngành giáo cũng như biết bao ngành khác trong xã hội thôi! Ở đâu cũng vậy, ngành nghề nào cũng vậy, khi có vấn đề, sự kiện gì mới, báo chí nắm được, xác minh kiểm chứng được thì đưa tin thôi, khách quan vô tư thôi, chứ đâu phải bạ đâu đưa đó, gây nhiễu dư luận hay kích động dư luận khiến dư luận hoang mang đâu... À mà ông đọc được gì, thắc mắc vụ gì, nói cụ thể Bàn Dân nghe thử?
- Chẳng hạn như mấy vụ cô giáo mẫu giáo bạo hành các cháu, rồi vụ cô giáo bị phụ huynh phạt quỳ gối hôm nọ, gần đây lại có chuyện ông hiệu trưởng kia bị khởi tố vì nhận tiền “chạy việc” cho cô giáo mới ra trường... rõ ràng báo chí đưa tin dồn dập như vậy sao khỏi tác động không hay, nếu không muốn nói là đụng chạm đến uy tín, thanh danh của nghề giáo, nghề vốn được xã hội tôn trọng từ xưa đến nay?
- Không thể gộp những chuyện riêng lẻ, mỗi chuyện một nội dung khác nhau, ý nghĩa khác nhau lại rồi nhận định thế này, phân tích thế kia được đâu ông ơi! Lại càng không thể quy chụp cho nó “cái tội” tạo dư luận không tốt đối với ngành giáo, gây hoang mang trong đội ngũ giáo viên.
- Đâu phải là quy chụp, mà rõ ràng là nó có tác động như thế chứ còn gì nữa!
- Ông nói vậy là oan cho cánh nhà báo tụi này lắm đó nghen! Nếu không có chuyện xảy ra thì đâu có ai “dựng đứng” nó lên được để đưa tin. Thật ra, phần lớn những chuyện đó là do người dân phát hiện đưa lên mạng xã hội, rồi cộng đồng mạng bức xúc tham gia bàn tán đủ mọi chiều.
Tất nhiên là thông tin trên mạng thì không phải là chính thống, khó mà xác định trách nhiệm. Còn báo chí khi đưa tin thì phải bảo đảm tính chính xác, chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật đàng hoàng, chứ đâu phải là đưa tin theo kiểu “bắn bổng bắn bỏ” trúng ai nấy chịu đâu!
Còn đối với các trường hợp cá nhân vi phạm pháp luật như vụ ông hiệu trưởng nhận tiền “chạy việc”, nhưng sau một năm không lo việc cho người “đưa tiền” thì đó là việc của người trong cuộc làm đơn tố cáo, ngành chức năng mới vào cuộc điều tra và báo chí mới có cơ sở để đưa tin để bạn đọc nắm rõ nguồn cơn, mà không phải đồn đại theo kiểu “tam sao thất bổn”. Như vậy, theo ông là “có lợi” hay “có hại” về mặt dư luận xã hội?
- Chắc là... không đến nỗi “có hại”, nhưng liệu... “có lợi” gì không ông?
- Đúng là ông hơi... “lừng khừng”, hỏi ông, ông chẳng trả lời mà còn hỏi ngược lại! Nhưng dù sao Bàn Dân cũng phải nói rõ quan điểm của mình: Thời đại của chúng ta là thời đại “sống, làm việc theo pháp luật”, vậy thì bất kỳ ai, làm bất kỳ ngành nghề gì cũng phải hành xử trong khuôn khổ pháp luật. Ai làm chuyện sai trái tất nhiên phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình.
Ông hiệu trưởng kia có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm cá nhân của ổng, việc đó Bàn Dân nghĩ rằng chỉ có thanh danh của ổng bị chính ổng xúc phạm, không ai vì chuyện đó mà xúc phạm hay làm tổn hại đến ngành giáo dục. Tóm lại cũng chỉ là chuyện của một “con sâu”!
BÀN DÂN