Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện đầu năm học
Thứ bảy: 05:16 ngày 25/08/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngôi trường rất quy mô, gồm một tầng trệt, một tầng lầu với 8 phòng học và 5 giáo viên giảng dạy, nhưng toàn trường chỉ có vỏn vẹn… 13 học sinh/5 lớp.

(BTNO)- Từ nhiều năm nay, một số trường học ở vùng ven sông Vàm Cỏ Đông đều khai giảng năm học mới sớm hơn từ một đến hai tuần lễ để có thời gian nghỉ lũ khi mùa nước lên. Có mặt ở những điểm trường này, chúng tôi ghi nhận những sự việc khá hy hữu trong môi trường giáo dục tại đây.

Trường TH Phước Mỹ (ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng) có hai điểm: trường chính và trường phụ (hay còn gọi là cơ sở hai). Ở điểm trường phụ của Trường TH Phước Mỹ năm học này không có học sinh vào lớp 1, nên trường có 4 lớp (từ lớp 2 đến lớp 5) với tổng cộng 18 học sinh, do 4 giáo viên phụ trách. Đặc biệt, trong đó, lớp 4 chỉ có 2 em học sinh, do thầy Mai Thanh Sang chủ nhiệm. Hai em học sinh là em Hồ Ngọc Mỹ và Nguyễn Thị Nhật Lan. Em Mỹ kể: "hồi học lớp 1, lớp có 3 bạn, nhưng sau đó có 1 bạn ở lại lớp (lưu ban) nên từ năm lớp 2 đến giờ, lớp học chỉ còn có em và bạn Lan. Năm học mới này, em được làm lớp trưởng, còn bạn Lan làm lớp phó. Có những lúc em hoặc bạn Lan bận việc, tạm nghỉ học, lớp chỉ còn duy nhất một bạn. Mặc dù vậy, thầy Sang vẫn tích cực dạy các em. Nhờ vậy mà từ năm lớp 1 đến lớp 3, em luôn đạt học lực loại giỏi, còn bạn Lan đạt học lực loại khá...".

Điểm phụ của Trường TH Trung Lập (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng) được xây dựng quy mô như thế này, nhưng chỉ có vỏn vẹn 13 em học sinh

Nhà em Mỹ cách trường hơn 1km, hằng ngày em đi bộ đến trường. Hai năm tới, khi lên cấp 2, đường đến trường của Mỹ và những bạn nhỏ ở đây sẽ nhân lên gấp hàng chục km. Tuy nhiên, cô học trò bé bỏng vẫn tỏ rõ quyết tâm: “Em sẽ cố gắng học hết cấp 3”.

Rời ấp Phước Mỹ, chúng tôi phải vượt hơn 20km đường bờ đê, giữa đồng ruộng để đến điểm phụ của Trường TH Trung Lập ở ấp Phước Lập (xã Phước Chỉ). Điểm phụ của Trường TH Trung Lập mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm học này. Điều khiến chúng tôi chú ý là, ngôi trường rất quy mô, gồm một tầng trệt, một tầng lầu với 8 phòng học và 5 giáo viên giảng dạy, nhưng toàn trường chỉ có vỏn vẹn… 13 học sinh/5 lớp (từ lớp 1- lớp 5). Cụ thể, lớp 1 có 4 học sinh, lớp 2 có 3 học sinh, các lớp còn lại như lớp 3, lớp 4 và lớp 5, mỗi lớp chỉ có… 2 học sinh.

Điều đáng nói là cách điểm phụ của Trường TH Trung Lập chưa tới 1km thì có một điểm phụ của Trường THCS Phước Chỉ, với 4 phòng học còn khá mới, hiện đang bỏ trống. Năm học 2011- 2012, trong khi chờ xây dựng điểm phụ Trường TH Trung Lập, thầy và trò điểm phụ của Trường TH Trung Lập đã đến ngôi trường này để học tạm. Ban giám hiệu Trường THCS Phước Chỉ cũng đã bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất này cho Trường TH Trung Lập. Thiết nghĩ, nếu tận dụng 4 phòng học này thì hoàn toàn có thể tiết kiệm được khoản kinh phí (có thể là hàng chục tỷ đồng) để xây dựng điểm phụ của Trường TH Trung Lập.

Một lớp học ở điểm phụ của Trường TH Trung Lập chỉ có 3 học sinh

Trở lại vấn đề hoạt động ở điểm phụ của Trường TH Trung Lập. Quan sát việc dạy và học ở đây, chúng tôi thấy có nhiều lãng phí khác. Trong các phòng học đều được trang bị bàn, ghế học sinh rất đẹp và mới tinh, nhưng hầu hết bị xếp xó ở cuối lớp. Bởi vì, mỗi lớp chỉ cần 1- 2 bộ bàn học là đủ sức phục vụ số lượng học sinh ít ỏi này. Số lượng đến 5 giáo viên mà chỉ giảng dạy vỏn vẹn 13 em học sinh cũng là một vấn đề đáng suy ngẫm. Đó là chưa kể, việc có quá ít học sinh trong lớp sẽ gây khó khăn trong áp dụng phương pháp dạy học mới. Thầy Phan Tuất Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, điểm phụ của Trường TH Trung Lập chia sẻ: “Dạy chỉ có 2 em học sinh thì “khỏe” về công tác quản lý, nhưng về mặt chuyên môn lại khó tổ chức lớp học. Cụ thể, giáo viên không tổ chức cho các em học nhóm hay thảo luận được. Không khí trong lớp học trầm lắng, các em cũng rất thụ động, dẫn tinh thần học không cao lắm. Vì vậy, giảng dạy theo cách thầy giảng trò nghe vẫn còn, mặc dù chúng tôi cố gắng không áp đặt nhiều”.

Thầy Lê Văn Lững, dạy lớp 3B, điểm phụ của Trường TH Trung Lập chỉ có 2 em học sinh. Xung quanh các em, nhiều bàn ghế mới tinh đành bỏ phí.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh những vấn đề nêu trên, cô Mai Thị Lệ- Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết: “Theo kế hoạch, đến ngày 15.9.2012 các trường mới báo cáo số liệu học sinh về Sở GD-ĐT, vì vậy hiện nay Sở chưa nắm được số lượng học sinh của mỗi lớp. Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo chung của những năm học trước, những lớp ít học sinh sẽ cho học ghép 2-3 trình độ vào một lớp, để đỡ mất nguồn giáo viên. Chỉ tính riêng năm học vừa qua, sau khi tiến hành học ghép, toàn tỉnh đã giảm bớt được 10 lớp”.

Trả lời chúng tôi qua điện thoại về việc xây dựng điểm phụ của Trường TH Trung Lập, Trưởng phòng GD-ĐT Trảng Bàng Phạm Ngọc Hải cho biết: Xây dựng Trường TH Phước Lập được quy hoạch cho những năm sau, khi dân cư phát triển và làm điểm học chung cho cụm dân cư lân cận. Điểm phụ trường THCS Phước Chỉ năm nay sẽ trả lại cho UBND xã Phước Chỉ”.

Thảo Nguyên

 

Từ khóa:
Tin liên quan