Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng giai đoạn 2006-2010: Góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu nghị quyết về sản xuất nông nghiệp
Chủ nhật: 10:02 ngày 12/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh tăng bình quân đến 7% mỗi năm- vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh đề ra là từ 5,5-6% mỗi năm.

Có thể nói rằng một trong những điều kiện quan trọng nhất để thực hiện được chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Ninh là phát triển thuỷ lợi. Chỉ 4 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tây Ninh bắt tay xây dựng đại công trình thuỷ nông Dầu Tiếng. Năm 1985, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng bắt đầu vận hành, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp ở Tây Ninh. Năm 1990, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh  đạt gần 160.000 ha nhưng đến cuối năm 2009 tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã lên đến  hơn 378.000 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp cũng tăng tỷ lệ thuận với diện tích. Năm 2009 giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh đạt đến hơn 5.300 tỷ đồng.

Xây dựng thuỷ lợi phục vụ chủ trương chuyển đổi cây trồng

Tuy nhiên, nếu so về diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì hiện nay tổng diện tích chỉ tăng hơn 2 lần những năm trước khi có hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, nhưng nếu so về giá trị sản xuất nông nghiệp lại gia tăng đến hơn 10 lần. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao như vậy chủ yếu là kết quả của chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng- từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây có giá trị kinh tế cao. Để khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân. Song song đó, Nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như đường giao thông nội đồng- đặc biệt là các hệ thống thuỷ lợi phục vụ các vùng chuyên canh. Nhà nước cũng tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Ngoài nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, Tây Ninh còn chú trọng tăng cường công tác khuyến nông, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, đưa giống mới về nhân rộng để ngày càng nâng cao năng suất cây trồng để gia tăng hiệu quả kinh tế.

Trong 5 năm qua, một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao được chuyển đổi thành công nhất là cây mía. Năm 2004, Nhà nước đã quy hoạch vùng nguyên liệu và có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chủ trương chuyển đổi và phát triển cây mía. Một trong những công trình có quy mô đầu tư lớn ra đời nhằm mục tiêu phục vụ chủ trương phát triển vùng nguyên liệu mía là công trình thuỷ lợi Tân Hưng- tưới cho hàng ngàn ha mía ở các xã Tân Hưng, Trà Vong, Mỏ Công, Tân Phong. Từ khi hệ thống thuỷ lợi Tân Hưng hoạt động đến nay, đã có hàng ngàn ha đất trồng lúa năng suất kém chuyển sang trồng mía với giá trị kinh tế cao hơn. Địa phương thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng từ lúa năng suất kém sang mía hiệu quả nhất là xã Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu. Trước đây xã Tân Hưng không có bao nhiêu diện tích trồng mía, thế nhưng từ khi hệ thống thuỷ lợi Tân Hưng hoạt động thì ở đây đã có hơn 1.000 ha đất trồng lúa chuyển sang trồng mía. Trong vài năm gần đây, diện tích mía có giảm sút do bị cạnh tranh gay gắt từ các loại cây trồng khác, nhưng vẫn còn hàng chục ngàn hộ nông dân sinh sống, thoát nghèo nhờ cây mía.

Song song với cây mía, cây cao su trong 5 năm qua cũng phát triển vượt bậc. Năm 2005 diện tích cao su ở Tây Ninh chỉ vào khoảng hơn 35.000 ha. Trong những năm sau đó giá mủ cao su trên thị trường tăng cao, trồng cao su có lãi nhiều nên diện tích cao su tăng “đột biến”. Nhiều diện tích cây lúa, cây mì sản xuất không hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng cây cao su. Tuy sự đầu tư phát triển cây cao su không bằng cây mía, nhưng do giá trị kinh tế cao và sản xuất có lãi nhiều nên diện tích cây kém hiệu quả chuyển sang cây cao su ngày càng nhiều hơn. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến nay diện tích cao su ở Tây Ninh đã tăng lên đến hơn 70.000 ha. So với 5 năm trước đây thì diện tích cây cao su đã tăng lên gấp 2 lần. Hiện nay cây cao su là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao nhất ở Tây Ninh, nhiều hộ nông dân nhanh chóng làm giàu nhờ trồng cây cao su và diện tích cây cao su ở Tây Ninh sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới đây.

Diện tích cây cao su tăng gấp 2 lần trong 5 năm qua

Kết quả của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Tây Ninh. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh tăng bình quân đến 7% mỗi năm- vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ tỉnh đề ra là từ 5,5-6% mỗi năm. Đồng thời cũng góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ở Tây Ninh hiện nay lên đến 26,5 triệu đồng/người/năm- tương đương 1.390 USD/người/năm- vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

SƠN TRẦN

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan