BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, đảm bảo an toàn sinh học 

Cập nhật ngày: 14/04/2017 - 20:02

BTNO - Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 3 tháng đầu năm 2017 ước số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vượt kế hoạch đề ra, trong đó đàn trâu có 16.850 con, vượt 5,3% kế hoạch (KH); bò 89.650 con, đạt 97,4% KH; heo trên 192.000 con, đạt 96% so KH; gia cầm 5,7 triệu con, đạt 86% KH.

Xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ như thế này đang được thay thế dần sang quy mô doanh nghiệp, trang trại.

Tình hình chăn nuôi heo gặp nhiều khó khăn do giá heo hơi giảm, gần đây có tăng lên nhưng vẫn dưới giá thành sản xuất; giá gà công nghiệp hiện nay cũng đang giảm, làm ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung, đảm bảo an toàn sinh học. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 trại chăn nuôi heo thịt với quy mô 48.500 con/năm, đã được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Ngoài ra, trong quý I/2017, ngành Nông nghiệp đã thẩm định 1 dự án trang trại rau, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và chăn nuôi heo, gà thịt an toàn sinh học theo mô hình trại lạnh khép kín của Công ty Cổ phần Việt Nam-Mộc Bài với công suất 25- 28 tấn rau quả/vụ, 14.000 con heo thịt/năm, 24.000 con heo con/năm, 60.000 con gà thịt/chu kỳ, 500 con bò thịt và bò giống/năm.

Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) tiếp tục được triển khai và được sự hưởng ứng của các cơ sở chăn nuôi. Trong 3 tháng đầu năm 2017, ngành đã tái thẩm định điều kiện cơ sở vật chất cho 23 hồ sơ xin cấp lại giấy chứng nhận ATDB trên tổng số 43 cơ sở ATDB trên địa bàn tỉnh; trong đó đã cấp lại giấy chứng nhận ATDB cho 3 cơ sở chăn nuôi heo và 1 cơ sở chăn nuôi gà. Đồng thời đang tiếp tục thẩm định, lấy mẫu xét nghiệm hoàn chỉnh các thủ tục để công nhận an toàn dịch bệnh cho 1 cơ sở chăn nuôi gà khác.

Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm- Ảnh minh hoạ

Đối với hệ thống giết mổ, các cơ sở giết mổ đã được UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch, giảm cơ sở quy mô nhỏ lẻ, không bảo đảm môi trường; tăng số cơ sở giết mổ tập trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 66 cơ sở với 39 cơ sở tập trung và 27 cơ sở nhỏ lẻ.

Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho một số cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại, quy mô lớn đang được triển khai thực hiện tại một số huyện, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành đang xây dựng quy định về quản lý hoạt động chăn nuôi  gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012-2020.

Trong quý I/2017, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực các tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Campuchia), giáp biên giới với tỉnh Tây Ninh đang bùng phát dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng nên nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao.

Công tác tiêm phòng bổ sung vẫn được tiến hành thường xuyên trên đàn gia súc, gia cầm. Công tác xét nghiệm phục vụ kiểm dịch vận chuyển được thực hiện thường xuyên và đúng quy định.

Trúc Ly