Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện đình Cầu Khởi
Thứ tư: 13:26 ngày 26/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xin trở lại với ngôi đình ở ấp Khởi Hà, nay được ghi là đình Trung xã Cầu Khởi. Từ đường 784, có con hẻm dài khoảng 300m đã láng xi măng sạch sẽ dẫn vào. Từ vài năm nay, nghi lễ cúng đình “xuân thu nhị kỳ” Cầu bông và Kỳ yên đã được thực hiện trong ngôi đình mới xây đẹp đẽ, khang trang.

Đình Cầu Khởi.

Vào tháng 9.2017, ngôi cũ vẫn còn, sàm sạm màu rêu phong, như khép nép bên phía phải ngôi đình mới. Lễ Cầu bông vào mùng 10.8 âm lịch hằng năm cũng là ngày huý kỵ của người được coi là vị Thành hoàng: - Lãnh binh Lê Ðình Két, một trong những thủ lĩnh nghĩa quân ở Tây Ninh thời kỳ đầu tiên quân dân ta chống Pháp.

Các cụ bảo, huý kỵ thường không đông như dịp lễ Kỳ yên, nhưng bà con trong ấp xã cũng theo lệ cũ tề tựu về dâng cúng. Có vắng chỉ là vài ban hội đình miếu ở các xã bạn, thường chỉ về dự trong lễ Kỳ yên rằm tháng 3 âm lịch. Dù vậy, nghi lễ nghiêm trang, có cả việc tắm tượng rồi thay áo mới cho thần vào buổi sáng. Xong xuôi mới tập trung ngay ngắn trước ngai thờ, trầm tư mặc tưởng trong khói hương toả lan, cùng nghe ôn lại tiểu sử của Ðức ông và dâng lên văn tế huý kỵ Ban Hội đình đã soạn.

Lời văn ấy vang vang: “Vũ trụ mênh mang, thời gian dằng dặc/ Núi Bà Ðen quanh năm nghi ngút khí thiêng/ Rừng Tây Ninh bốn mùa lung linh trăng bạc/ Giang sơn giàu đẹp, biết ơn tiên tổ xây nền/ Ðất nước thanh bình, nhớ công cha ông đánh giặc…”.

Có lẽ nghi thức cúng đình vẫn lớp lang trang trọng như khi còn ở ngôi đình cũ thấp nhỏ, nhập nhoà sáng tối; nhưng ở ngôi đình mới khang trang cao ráo và sáng sủa, nên mọi chi tiết đều được tôn lên gấp bội phần.

Quả nhiên, đình mới được xây rộng rãi, vững chắc và kiên cố. Ðấy là hai lớp nhà chính, võ ca với chính đình trên mặt bằng chữ nhật, ngang 12m4 và dài 14m25. Các khối nhà được chia làm 3 gian, với hành lang bao bọc chung quanh. Cột bê tông đá mài láng bóng. Nền gạch men hai màu đỏ trắng lung linh. Mỗi lớp nhà là một bộ mái tôn giả ngói kiểu bánh ít nhô lên. Giữa hai lớp là một hành lang bê tông kiêm làm máng xối. Có khác chăng, so với kiểu cách các ngôi đình truyền thống là đình được xây cao, để cho ánh sáng không chỉ từ cửa sổ, lam gió mà còn từ mái tôn phản chiếu vào.

Ánh sáng từ trên cao, gợi cảm giác lung linh huyền ảo. Gian tứ trụ của đình rất rộng (4,2 x 3,5)m, nên bàn thờ chính cũng được trang hoàng đẹp đẽ. Trên có trướng rủ, tàn che. Trước có giàn lỗ bộ, liễn đối đỏ vàng. Bát nhang đồng sáng choang, chân đèn gỗ trầm tư nâu bóng. Nổi bật trước bảng chữ Thần, nay là pho tượng thân bằng gỗ quý nâu đen với giáp, trụ, kiếm, mũ hiên ngang. Nhưng rồi người ta vẫn phải khoác thêm cho thần những mũ mãng, y phục mới khảm đá hoặc thêu thùa rực rỡ.

Ngoài ban thờ chính, nội đình có thêm các ban thờ tả, hữu ban cùng các vị tiền hiền, hậu hiền. Ngoài sân trước cũng có các ngôi miếu nhỏ như miếu Ông Tà - Bà Cậu, miếu Ông Hổ, miếu thờ chiến sĩ trận vong cùng với ban thờ thần Nông ở chính giữa sân. Cũng ở chính giữa sân, sát với võ ca còn có một đài Tổ quốc ghi công ốp đá đỏ, khảm chữ vàng trang trọng. Với cấu trúc như trên, rõ ràng đình Cầu Khởi đã được phục dựng theo đúng tín ngưỡng dân gian truyền thống.

Ngai thờ thần Lãnh binh Két.

Trong các kỳ lễ cúng gần đây ở đình Cầu Khởi đều có mục đọc lại bản tiểu sử thần (Thành hoàng)- Lãnh binh Lê Ðình Két. Bản này có nhiều điểm mới so với những trang sách sử và tư liệu ở Tây Ninh từng có. Ðấy là ông có đầy đủ họ tên: “Lê Ðình Két, gốc quê Thanh Hoá. Lớn lên cùng mẹ và sống ở Phong Ðiền, Thừa Thiên Huế (cùng quê quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương).

Năm ông 17 tuổi, gia nhập đạo quân dưới trướng quan Tổng đốc. Năm 1857, được triều đình Tự Ðức phong chức Lãnh binh vào trấn nhậm vùng Bến Nghé- Ðồng Nai… Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Ðịnh, rồi Ðồng Nai… Quân Pháp bị thiệt hại nhiều do sự chống trả của Lãnh binh Két và quân sĩ triều đình… Sau năm 1862, triều Tự Ðức phải nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Ðông, các võ tướng nhất quyết không hợp tác với triều đình nữa, đồng lòng tách ra đứng lên chống giặc…”.

Cũng theo tài liệu này thì sau đó, Lãnh binh Két rút về vùng Bến Ván, Cầu Xe, Cầu Khởi, Suối Ông Hùng và liên hiệp với lãnh binh Ðặng Văn Tòng ở Tha La chống Pháp vào năm 1867. Trong các trận đánh của ông, có cả trận Ðồng Cỏ Ðỏ (nay thuộc xã Bình Minh, TP Tây Ninh)… Ðến năm 1868, ông lại rút về xây dựng căn cứ ở thôn Long Giang (khu thành Bảo ngày nay).

Ðặc biệt là chi tiết về trận đánh cuối cùng, diễn ra vào tháng 10 năm Giáp Tuất (1874) với cả: “Ba mũi giáp công: hướng Bắc quân bộ từ Tây Ninh xuống, hướng Nam quân từ Gò Dầu lên, hướng Ðông tàu chiến có pháo hạng nặng, súng to được trang bị tiến từ sông Vàm Cỏ Ðông vào rạch Vàm Bảo”. Cuộc chiến này được mô tả diễn ra suốt 5 ngày đêm, để rồi: “Căn cứ thành Bảo biến thành biển lửa, giặc Pháp tràn ngập… Lãnh binh Két đã anh dũng hy sinh”.

Thêm một chi tiết lạ nữa, là: “Vua Tự Ðức thứ 30 ký chiếu sắc phong thần cho Lãnh binh Lê Ðình Két ngày 15.11 năm Ðinh Sửu 1877”. Tức là chỉ 3 năm sau ngày ông mất. Ký sắc phong cho chính người đã “bất tuân thượng lệnh” của chính mình là phải rút quân, giao lãnh thổ miền Ðông cho Pháp. Chuyện này, theo các nhà nghiên cứu Nam bộ như Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (Ðình Nam bộ xưa và nay, Nxb Ðồng Nai. 1999) thì không thể có.

Vì “ngay cả Trương Ðịnh, sau khi hy sinh, được vợ là Trần Thị Sanh, người có thế lực mà vẫn không dễ dàng gì. Sau khi ông hy sinh đã có một lễ tang long trọng, có mồ mả đàng hoàng nhưng con cháu ông chỉ dám tôn thờ với tính cách gia đình. Còn đồng bào chỉ được nhớ trong tâm khảm…”.

Bản tiểu sử kể trên đã lấp được khá nhiều chỗ trống trong lý lịch một vị anh hùng kháng Pháp ở Tây Ninh, mà trong các sách điền dã hoặc lịch sử như Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh, Lược sử Tây Ninh (của Ban Tổng kết chiến tranh thuộc Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1985). Trong các tài liệu ấy, người ta mới chỉ biết đến ông qua cụm từ Lãnh binh Két, và phạm vi hoạt động của ông chỉ trong phạm vi nay là huyện Bến Cầu.

Tuy vậy, bản tiểu sử cũng có những chi tiết chưa thật khớp với những sử liệu chính thức. Ðầu tiên là chi tiết: năm 1867 ông Lãnh binh Két liên kết với lãnh binh Tòng. Trong khi đó, cuốn Lược sử Tây Ninh cho biết Lãnh binh Tòng đã bị Pháp bắt từ năm 1861 và đày đi đảo Guyane rồi, còn đâu! Hoặc: trận Ðồng Cỏ Ðỏ ở Bình Minh là thuộc về công lao của liên quân Trương Quyền và Pukompô; còn Ðồng Cỏ Ðỏ ở Trảng Bàng đã thuộc về chiến công của Lãnh binh Tòng.

Các cuốn sách nghiên cứu công phu của GS Trần Văn Giàu như Chống xâm lăng, Ðịa chí Văn hoá TP. Hồ Chí Minh (NXB TP. HCM, 1987) viết về cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ I ở Nam bộ nói chung và Gia Ðịnh nói riêng cũng không có dòng nào về Lãnh binh Két. Sau khi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây năm 1867, đến 1868 thì quân Pháp đã dập tắt hầu hết các cuộc khởi nghĩa.

Các thủ lĩnh bị giết hoặc bị bắt, đày đi biệt xứ; còn lại phải “mai danh ẩn tích” chờ thời. Nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm Lịch sử khẩn hoang miền Nam có kể một chi tiết. Rằng cuối năm 1868, cầm quyền Pháp ban hành một danh sách 11 người bị truy nã gắt gao, treo giá thưởng cho ai bắt hoặc giết được. Ðứng đầu danh sách này là Trương Quyền, con Trương Ðịnh, nhưng không có ai họ Lê hoặc tên là Két.

Vậy ông Lãnh binh Két đã ở đâu để tới năm 1874 có cuộc chiến đấu anh dũng suốt 5 ngày đêm khốc liệt ở thành bảo Long Giang? Và nếu có thì dấu tích của nó không thể không còn trên thực địa hoặc trong ký ức nhân dân qua các lời truyền tụng.

Cuối cùng là chi tiết lập đình năm 1882. Năm ấy, đất Cầu Khởi còn thuộc làng Ðôn Thuận. Ðình của làng này đã có ở ấp Bùng Binh. Ðến tháng 10.1940, Pháp mới tách Ðôn Thuận thành 2 làng thì đất Cầu Khởi thuộc về làng Thuận Lợi. Lẽ nào đình lại được lập trước làng tới 60 năm?

Do những vấn đề như vậy, mà chuyện ngôi đình và vị Thành hoàng đình Cầu Khởi vẫn còn những điểm mờ chưa sáng tỏ. Sự việc này còn liên quan đến đình Long Giang, nơi cũng thờ Lãnh binh Két là Thành hoàng. Ðình Long Giang vừa cúng Kỳ yên ngày 15 và 16.11 âm lịch vừa qua (21, 22.12.2018).

TRẦN VŨ

data:
Truy cập ngay https://europharmvn.com/lutidha/ DHA bầu từ Pháp The Global City
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục