Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyển đổi cây trồng trong tỉnh phát triển mạnh
Thứ sáu: 08:22 ngày 28/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 27.9, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NNPTNT chủ trì hội nghị, với sự tham dự của đại diện các phòng, ban chuyên môn sở; lãnh đạo UBND và phòng NN&PTNT các huyện, thành phố.

Ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu chỉ đạo hội nghị.

9 tháng đầu năm 2018, các nội dung trong chương trình công tác UBND tỉnh năm 2018 được ngành tập trung triển khai thực hiện đúng thời hạn. Chuyển đổi cây trồng trong tỉnh phát triển mạnh, đạt trên 2.627 ha, chủ yếu là cây ăn trái theo hướng giá trị gia tăng cao, như nhãn, sầu riêng, mãng cầu, bưởi, mít... trong đó đã hỗ trợ thành lập 58 tổ liên kết sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, giúp nông dân mạnh dạn tin tưởng chuyển đổi tham gia mô hình sản xuất..

Lĩnh vực chăn nuôi có bước tăng trưởng theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, chiếm trên 70% so với tổng đàn; số cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAHP tăng lên 45 cơ sở. Công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt; đảm bảo an toàn dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện khá tốt, rừng phát triển ổn định; một số trường hợp bị tác động đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời...

Nhìn chung, tình hình sản xuất trồng trọt tương đối ổn định, các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Năm 2018 đã phát triển mạnh nhất là nhãn, sầu riêng, mít, chuối, tập trung nhiều nhất ở khu vực Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu đem lại giá trị tăng thêm từ 3-4 lần so với cây truyền thống.

Đối với diện tích cây lúa gieo trồng 9 tháng đầu năm 2018 đạt 131.171 ha, đạt 91,2% kế hoạch, giảm 2,1% so cùng kỳ. Ngành nông nghiệp đã triển khai đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao; xây dựng vùng lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP 1.478,3 ha tại 6 huyện trọng điểm lúa; thực hiện mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận được 29/80 ha.

Nhiều nơi nông dân chuyển đổi cây trồng sang trồng chuối cho giá trị cao- Ảnh minh hoạ.

Diện tích cây mì trồng 9 tháng đầu năm 2018 đạt 50.399 ha, vượt 11,2% kế hoạch, tăng 5,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do nguồn bệnh trong năm 2017 còn trên đồng và phần lớn nguồn giống sử dụng đã bị nhiễm bệnh dẫn đến giảm năng suất khá lớn (giảm 30-50% năng suất)...

Tình hình sâu bệnh trên một số cây trồng chính (trừ cây khoai mì) phát sinh giảm so với cùng kỳ, chủ yếu gây hại ở mức nhiễm nhẹ, chỉ có cục bộ một vài đối tượng gây hại nặng một số ít diện tích như: bọ trĩ (15 ha); bệnh xoăn đọt do virus trên cây ớt (30 ha); nhện đỏ trên cây mì (150 ha);...

Tình hình chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2018 phát triển ổn định, về đàn trâu khoảng 14.400 con đạt 99,3% kế hoạch, sản lượng 1.800 tấn, đạt 75% kế hoạch; bò có 96.000 con, đạt 98,5% kế hoạch, sản lượng 5.500 tấn đạt 74,3% kế hoạch; heo: 177.556 con đạt 96,8% so kế hoạch, sản lượng 33.000 tấn đạt 73,3% kế hoạch; gia cầm: 6.413.000 con, đạt 100,2% so với kế hoạch, sản lượng 22.000 tấn, đạt 75,9% kế hoạch...

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2018, ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế như mô hình, dự án khuyến nông triển khai chậm so với kế hoạch; sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, một số nông sản mới chuyển đổi nên tiêu thụ còn bấp bênh; liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ và thị trường phát triển chậm.

Việc nhân rộng, mở rộng các dự án thụ hưởng chính sách nông nghiệp còn thấp. Chất lượng vật tư nông nghiệp; ATTP qua kiểm tra, giám sát cho thấy mức độ vi phạm chưa có chiều hướng giảm...

Tại hội nghị, lãnh đạo các huyện và lãnh đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, kiến nghị những vấn đề liên quan đến địa phương cũng như dự thảo đề án tinh giảm biên chế của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Các ý kiến góp ý của đại biểu đều được ông Võ Đức Trong trả lời và giải đáp trực tiếp tại hội nghị.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục