Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh
Thứ ba: 04:00 ngày 26/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các doanh nghiệp luôn quan tâm đầu tư hiện đại hoá công nghệ, mở rộng mạng lưới cáp quang, sóng di động đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và từng bước xây dựng hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số phục vụ chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 7 doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông. Các doanh nghiệp luôn quan tâm đầu tư hiện đại hoá công nghệ, mở rộng mạng lưới cáp quang, sóng di động đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và từng bước xây dựng hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số phục vụ chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa UBND xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, tỉnh đã triển khai các kênh truyền thông chuyển đổi số như: trang chuyển đổi số tỉnh; kênh YouTube chuyển đổi số Tây Ninh; kênh TikTok chuyển đổi số Tây Ninh; ứng dụng Tây Ninh Smart; Fanpage 1022 Tây Ninh; Fanpage Sở Thông tin và Truyền thông; cổng Zalo chuyển đổi số; cổng Zalo 1022 Tây Ninh; cổng thông tin điện tử và Cụm thông tin cơ sở của tỉnh, kênh chuyển đổi số của Đài PT-TH tỉnh, Báo Tây Ninh.

Tỉnh cũng ưu tiên thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, nhiều người dùng như: hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác vào các E-form (biểu mẫu điện tử) trên hệ thống để người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời cung cấp tiện ích dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng mini app Zalo và đã nhận được sự quan tâm, sử dụng của người dân, nhất là người trung niên và lớn tuổi.

Ngày 20.10.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3306/KH-UBND về thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 80% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Theo kế hoạch, ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 15.2 của tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

Kế hoạch cũng nêu, ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nội dung 9.5 của Tiêu chí số 9 về an ninh trật tự - hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới. Mặt khác, phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Đối với phát triển kinh tế số, kế hoạch cho biết, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Lãnh đạo UBND xã Trường Đông, cán bộ chuyên môn khảo sát đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.

Đối với xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hoá) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Ngoài ra, theo kế hoạch, sẽ thực hiện mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành.

Để hoàn thành các mục tiêu thuộc lĩnh vực Sở Thông tin và Truyền thông phụ trách theo nhiệm vụ được giao, đơn vị đã ban hành Hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao. Đơn vị cũng đang dự thảo Hướng dẫn tạm thời thực hiện các tiêu chí trong xây dựng mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh do Sở phụ trách tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành.

Đánh giá về những thách thức, khó khăn việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, Sở Thông tin và Truyền thông nhận định, hiện nay, các nền tảng số phục vụ chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số cơ bản đã triển khai và đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các nền tảng liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số lại chưa có nhiều, nhất là các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nền tảng liên quan đến xã hội số như y tế, giáo dục.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức am hiểu về lĩnh vực chuyển đổi số có khả năng tham mưu công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh của tỉnh còn thiếu và yếu, trong khi việc chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số rất nhiều nên còn chậm trễ trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, nhất là lĩnh vực còn mới như phát triển kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Do đó, thời gian tới, đơn vị chú trọng thực hiện việc đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Đồng thời tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý đầy đủ và ưu tiên cho thực hiện chương trình chuyển đổi số; rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng nông thôn mới thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hoá, du lịch...) đầu tư vào khu vực nông thôn.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Trường Đông.

Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; đẩy mạnh xã hội hoá trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT...) nhằm nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân và đẩy mạnh hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch và thương mại điện tử.

Mặt khác, Sở cũng quan tâm đẩy mạnh xây dựng dữ liệu số trong xây dựng nông thôn mới như: bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới; bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn của Việt Nam và xây dựng hệ thống kiến trúc, chuẩn hoá dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tăng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông.

Đơn vị còn tập trung triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng thí điểm các mô hình xã/ấp nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương như quản lý quy hoạch xây dựng kinh tế, y tế, giáo dục, văn hoá, an ninh, trật tự, du lịch nông thôn…

Song song đó, đơn vị tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, ấp; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch và thương mại điện tử. Đồng thời huy động các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình MTQG, đề án, dự án phát triển kinh tế xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục