Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển đổi số: Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Thứ tư: 05:07 ngày 28/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Ngày 25.12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06/CP phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP) và tổng kết hoạt động của Uỷ ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; các thành viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06; lãnh đạo các bộ, ngành; các tập đoàn, tổng công ty: Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Điện lực Việt Nam, Viễn thông MobiFone, Bưu điện Việt Nam, FPT...

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan.

Hiệu quả lớn, tiết kiệm chi phí, nhân lực

Ngày 6.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyến đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP).

Đến nay đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao như: xác nhận chứng minh nhân dân 9 số tỷ lệ 100%; thông báo lưu trú: 98,3%; thủ tục làm con dấu mới: 90,8%; đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến đạt 93,1%, cấp hộ chiếu: 62%... Hoàn thành 8/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4.4.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, nhiều nội dung rất thiết thực như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú... Triển khai thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam (đã cắt giảm tối thiểu 9 loại giấy tờ và 6 trường hợp thông tin bị trùng lặp, người dân chỉ khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết và giảm thời gian đi lại). Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, khắc phục tình trạng không có sim điện thoại chính chủ.

Qua đánh giá, việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm tiếp xúc giữa người dân và cán bộ cơ quan Nhà nước, góp phần giảm “tham nhũng vặt”. Đặc biệt là thay đổi tư duy trong phối hợp của các bộ, ngành giải quyết phục vụ nhân dân.

Việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bước đầu triển khai kết nối dữ liệu đã góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng, để kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển KT-XH, nhất là các sản phẩm xác thực dữ liệu, danh tính, thông tin công dân và các báo cáo thống kê, phân tích, dự báo.

Ứng dụng căn cước công dân gắn chip điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế (tiết kiệm tiền in thẻ BHYT giấy 24,7 tỷ đồng so với năm 2021); tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền (tiết kiệm chi phí in thẻ cho các tổ chức ngân hàng khoảng 50.000 đồng/thẻ), bảo đảm xác thực chính xác danh tính, phòng chống rủi ro, gian lận; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt...

Về phát triển công dân số, ngày 18.7.2022, Bộ Công an công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến ngày 22.12.2022, hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Trong đó, có trên 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt. Công tác cấp căn cước công dân gắp chip điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 76,5 triệu thẻ cho công dân.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, theo lộ trình Đề án 06, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương.

Tiếp nhận tổng cộng hơn 819.000.000 yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin; trong đó có gần 573.000.000 yêu cầu có thông tin đúng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, đã hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai kết nối, làm sạch thông tin thuê bao di động của 3 nhà mạng viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone với 66,9 triệu yêu cầu đối sánh. Đến nay, có 4 bộ, ngành đã triển khai số hoá, tạo lập dữ liệu dùng chung, 5 bộ, ngành đã triển khai số hoá một phần.

Về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra đánh giá an ninh an toàn 62/63 địa phương, trong đó, 34 địa phương bảo đảm yêu cầu. Kiểm tra 23/26 bộ, các cơ quan ngang bộ và đoàn hội, trong đó 3 bộ bảo đảm yêu cầu. Hiện có 35/63 địa phương, 5/23 bộ và cơ quan ngang bộ, một số đoàn thể đang thuê hạ tầng, máy chủ của các doanh nghiệp, việc quản trị và vận hành do doanh nghiệp thực hiện.

Năm 2022, đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu, 101/107 nhiệm vụ tại kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 49/51 nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số tại các phiên họp.

Chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số nói chung, trong đó có Đề án 06, là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân.

Chuyển đổi số triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", tránh hình thức, chồng chéo, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, làm việc nào dứt việc đó; dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống".

Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.

Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng chuyển đổi số quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2030; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khẩn trương hoàn thiện, quyết liệt triển khai kế hoạch hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về khó khăn, vướng mắc phát sinh để xử lý, không để chậm trễ.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình, gắn kết chặt chẽ với các nguồn lực để thực hiện. Các nhiệm vụ trong kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ triển khai, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá.

Mặt khác, chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hoá, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm. Kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng; hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định số 422 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022.

Đồng thời hoàn thiện quy trình, nghiệp vụ, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cung cấp trên môi trường mạng kết nối với các dịch vụ công trực tuyến và cổng dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội thông qua các hệ thống về chuyển đổi số không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng...

Các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các bộ, ngành, các địa phương; không cát cứ, không cục bộ trong chia sẻ và xây dựng dữ liệu chung. Trong năm 2023, phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an chủ trì về cơ sở vật chất, đồng thời thiết kế các công cụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, quyền công dân theo Hiến pháp và các quy định của pháp luật.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục