Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyển đổi số tạo ra nhiều giá trị thiết thực
Thứ sáu: 15:05 ngày 09/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh vinh dự nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” với hạng mục Thành phố điều hành, đô thị thông minh (IOC) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức.

TS. Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” với hạng mục Thành phố điều hành, đô thị thông minh (IOC)

Có thể nói, 2023 là năm tỉnh Tây Ninh đạt nhiều kết quả nổi bật về chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Trong đó, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp để đạt các mục tiêu cơ bản về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Tây Ninh vinh dự nhận giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023” với hạng mục Thành phố điều hành, đô thị thông minh (IOC) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức. Đây không chỉ là sự công nhận những nỗ lực của chính quyền các cấp, mà còn là động lực để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh về kết quả chuyển đổi số của tỉnh trong năm vừa qua cũng như những định hướng, kế hoạch mà Ban Chỉ đạo dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Phóng viên: Là cơ quan thường trực, trực tiếp tham mưu cho tỉnh về chuyển đổi số, xin ông cho biết một số kết quả đạt được của Tây Ninh thời gian qua?

TS. Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: 

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào năm 2020, trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề chuyển đổi số- đó là Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 26.1.2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh về công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà. Đây là cơ sở để chính quyền triển khai các bước tiếp theo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số cả nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND ngày 29.3.2021 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau đó, căn cứ các chương trình, chiến lược về chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mới của Thủ tướng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1112/QĐ-UBND ngày 17.5.2023 ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sửa đổi, bổ sung năm 2023) để thay thế Quyết định số 713/QĐ-UBND, theo đó xác định cụ thể, rõ ràng hơn các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương.

Sau khoảng 3 năm triển khai thực hiện, chuyển đổi số của Tây Ninh có bước chuyển biến cơ bản. Trước hết là chuyển biến rõ nét trong nhận thức về chuyển đổi số, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và thường xuyên kiện toàn phù hợp với chủ trương chung của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số và tình hình của địa phương. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp mình do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương làm trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo về chuyển đổi số.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt những kết quả tích cực; việc triển khai các kế hoạch, đề án về chuyển đổi số được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được tăng cường; bước đầu tạo sự lan toả và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội. 

Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của các cơ quan Đảng, hoạt động quản lý Nhà nước góp phần thay đổi diện mạo nền hành chính, phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi-nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến được thực hiện thường xuyên, thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước. Cổng thông tin giải quyết TTHC được triển khai ứng dụng từ cấp tỉnh đến cấp xã một cách đồng bộ, từng bước hoạt động có hiệu quả, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức giới thiệu về ứng dụng Tây Ninh Smart dùng chung cho khối Đảng, đoàn thể, chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

Kinh tế số ngày càng có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh; công nghệ số được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ; nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, tạo nguồn thu cho địa phương.

Công nghệ số ngày càng phổ biến, rõ nét và giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, tác động đến các hoạt động sinh hoạt, làm việc, học tập và thói quen của người dân.

Phóng viên: Nghị quyết 02 đề ra mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu về chuyển đổi số đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay thì đã đạt kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: 

Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ đặt ra mục tiêu lớn về CĐS đến năm 2025 là bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số. Có thể khẳng định chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành các mục tiêu cơ bản về chính quyền số vào năm 2025, còn các chỉ tiêu về kinh tế số và xã hội số đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể đến cuối năm 2023:

Về chính quyền số: đạt 5/6 chỉ tiêu. Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cung cấp trên thiết bị di động đạt 100%, nhưng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công trực tuyến còn thấp và tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến từ xa, thực chất đạt rất thấp. Ngoài ra, chỉ tiêu hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý chưa được triển khai (mục tiêu đến năm 2025 là 50%, hiện cả nước đạt khoảng 22,5%) đang đặt ra nhiều thách thức.

Về kinh tế số: chúng ta chưa đạt chỉ tiêu nào trong 5 chỉ tiêu và đặt ra nhiều thách thức. Kinh tế số của tỉnh còn hạn chế, đầu tư cho nền tảng số, công nghệ số trong cơ quan hành chính, doanh nghiệp và người dân chưa nhiều. Một số chỉ tiêu kinh tế số chưa có số liệu xác định, đang chờ các cơ quan ở Trung ương hướng dẫn cách xác định và phân tách số liệu cho địa phương.

Để đạt các chỉ tiêu về kinh tế số đến năm 2025 là một thách thức, cần có chính sách và cơ chế thúc đẩy đầu tư ứng dụng công nghệ số, nền tảng số làm yếu tố đầu vào cho hoạt động, sản xuất của cơ quan hành chính, doanh nghiệp và người dân.

Về xã hội số: chúng ta chỉ đạt 2/2 chỉ tiêu cơ bản là tỷ lệ phủ của hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình trên 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%. Tuy nhiên còn một số chỉ tiêu cụ thể, chi tiết chưa có số liệu xác định, đang chờ các cơ quan ở Trung ương hướng dẫn cách xác định và phân tách số liệu cho địa phương nên gây khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy về xã hội số tại địa phương.

Về mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh cơ bản hoàn thành các nền tảng cho chính quyền số và an toàn, an ninh mạng: Giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh xác định 16 nền tảng số dùng chung trên địa bàn tỉnh theo khuyến nghị của Bộ TT-TT, trong đó có 14 nền tảng số cho chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đến nay đạt 9/14 nền tảng. Đang thực hiện thí điểm hoặc nghiên cứu triển khai 5/14 nền tảng.

Hiện nay, các nền tảng số phục vụ chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số cơ bản đã triển khai và đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên các nền tảng liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số thì chưa có nhiều, nhất là các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nền tảng liên quan đến y tế, giáo dục.

Trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tham mưu UBND tỉnh xác định lại các nền tảng số dùng chung theo khuyến nghị của Bộ TT-TT và các bộ, ngành ở Trung ương, Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số để ưu tiên đầu tư, xây dựng phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Với những nỗ lực thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, năm 2021, Tây Ninh xếp thứ 44/63 tỉnh, thành về chỉ số DTI, năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 40. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa công bố nhưng với những kết quả chỉ ra, cho thấy chuyển đổi số còn cần một quá trình dài và nhiều khó khăn, đòi hỏi những cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Phóng viên: Nhiều người vẫn nói vui, chuyển đổi số là câu chuyện của nhà giàu, tỉnh giàu. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, hạn hẹp về nguồn lực, Tây Ninh ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số ra sao để vừa phù hợp với điều kiện của tỉnh vừa hiệu quả, thưa ông?

TS. Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:

Chắc đó là câu nói đùa, tôi thì không nghĩ như vậy, bởi chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, không thể thay đổi và không ai có thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Nhận thức rõ như vậy nên tỉnh Tây Ninh đã sớm ban hành nghị quyết về chuyển đổi số.

Về kinh phí, theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp tỉnh cần dành khoảng 1% ngân sách hằng năm cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đây là mức trung bình thế giới. Mức cao là 2%. Hiện tại, Tây Ninh chi cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là khoảng 0,63%. Dù vậy, đây là mức chi phù hợp vì trong giai đoạn đầu chuyển đổi số, cách làm của chúng ta là làm từng bước, thận trọng, làm cái gì có kết quả rồi mới làm cái khác. Ngoài ra cần tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm của những tỉnh, thành khác để làm nên không nóng vội đầu tư lớn được. Theo tôi, nguồn ngân sách như vậy cơ bản vẫn bảo đảm được trong giai đoạn vừa qua, nhất là giai đoạn chúng ta hoàn thiện chính quyền điện tử để bước sang giai đoạn xây dựng chính quyền số đồng thời với việc thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế số và xã hội số trong thời gian tới, khi đó nguồn ngân sách phục vụ chuyển đổi số sẽ cần nhiều hơn.

Phóng viên: Với sự đầu tư nguồn lực và cách làm như trên, Tây Ninh cũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Đối với những kết quả chuyển đổi số năm 2023, kết quả nào khiến ông cảm thấy tự hào?

TS. Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: 

Điều tôi cảm thấy khá hài lòng, chứ chưa dám tự hào về kết quả chuyển đổi số trong năm 2023 là bảo đảm đúng định hướng Nghị quyết 02: lấy người dân làm trung tâm, toàn dân, toàn diện.

Điểm lại một số kết quả tương đối nổi bật như:

App Tây Ninh Smart trên nền tảng mini app Zalo được Bộ TT-TT lựa chọn là một trong những câu chuyện chuyển đổi số điển hình với chủ đề “Mang dịch vụ công trực tuyến đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động và mạng xã hội Việt Nam”.

Phiên bản mini app Tây Ninh Smart cung cấp các tiện ích như trên app Tây Ninh Smart như nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, thanh toán học phí trực tuyến, cập nhật các tin tức từ chính quyền địa phương… Khi sử dụng mini app, người dân, doanh nghiệp không cần phải tải về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, người dùng chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể sử dụng.

Ngoài ra, dung lượng lưu trữ của mini app nhỏ hơn khoảng 10 lần so với ứng dụng thông thường nên dễ dàng sử dụng trên các điện thoại thông minh dung lượng thấp. Do sử dụng trên nền tảng Zalo nên mọi người đều dễ dàng sử dụng, nhất là đối với người trung niên, cao tuổi. Mô hình này đã được Bộ khuyến nghị cách làm cho các địa phương, đồng thời được lựa chọn báo cáo điển hình tại phiên họp chuyên đề của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 5.6.2023 và tại hội nghị tổng kế năm 2023 của Uỷ ban Quốc gia chuyển đổi số ngày 28.12.2023.

Mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) vừa tập trung, vừa phân tán (tập trung lõi, dữ liệu, hệ thống phân tích, hạ tầng; phân tán kết quả phân tích cho các ngành, địa phương làm căn cứ giám sát, điều hành), vừa tiết kiệm kinh phí triển khai, vừa triển khai nhanh các tiện ích số của chính quyền, không đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực CNTT ở các địa phương, sở, ngành.

Hệ thống hiện cơ bản đã tích hợp tất cả dữ liệu của các sở, ngành và đã đưa ra phân tích, thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh- nhất là lĩnh vực thu chi ngân sách, đầu tư công, giám sát môi trường, giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát tập trung, giám sát an toàn thông tin mạng… và hiển thị trên cả phiên bản webs và phiên bản di động (trên app Tây Ninh Smart).

Hệ thống IOC Tây Ninh được vinh danh giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2023, lĩnh vực giám sát, điều hành thông minh (IOC) do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bình chọn và tôn vinh. Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ có những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân, đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, tỉnh Tây Ninh ban hành được danh mục dữ liệu ngành, dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 2427/QĐ-UBND, ngày 21.11.2023 của UBND tỉnh. Qua đó xác định danh mục dữ liệu lĩnh vực, ngành ưu tiên xây dựng, tạo lập đến năm 2025, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: Nhóm dữ liệu về người dân, Nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp, Nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị.

Đây là cơ sở rất quan trọng để các cơ quan, đơn vị có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh xây dựng kế hoạch tạo lập, thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dữ liệu về hệ thống dữ liệu của tỉnh. Qua đó hình thành nền tảng dữ liệu ngành, dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở tỉnh Tây Ninh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh toàn diện, toàn dân trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Phóng viên: Những kết quả chuyển đổi số rất đáng trân trọng, song, như ông chia sẻ, chỉ số DTI của tỉnh dù được nâng lên theo từng năm nhưng vẫn ở mức chưa cao, ngành Thông tin và Truyền thông cần làm gì để tham mưu thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết của Tỉnh uỷ trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: 

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2022 của Bộ TT-TT, Tây Ninh xếp thứ 40 với 0,5638 điểm (điểm trung bình các địa phương là 0,5768 điểm), tăng 4 bậc so với năm 2021 (xếp 44 với 0,3426 điểm). Kết quả cho thấy các chỉ số về thể chế số, nhân lực số và nhóm chỉ số hoạt động của xã hội số còn rất thấp. Trong khi đó, các chỉ số về an toàn thông tin, hoạt động của chính quyền số, kinh tế số ở mức khá tốt và có sự cải thiện đáng kể so với năm 2021. Mặc dù thứ hạng DTI năm 2022 có cải thiện nhưng chưa nhiều và vẫn còn cách xa mục tiêu đến năm 2025.

Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ, trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ đạo tập trung nguồn lực triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, các kế hoạch về chuyển đổi số đã được phê duyệt. Trong đó chú trọng một số nhiệm vụ sau:

- Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy hoàn thiện việc xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh và chuyển sang giai đoạn chính quyền số từ năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu xếp hạng chính quyền số tỉnh Tây Ninh vào nhóm khá trong toàn quốc.

Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh.

- Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế của tỉnh vì nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay. Phấn đấu đến năm 2025 cải thiện chỉ số về kinh tế số, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy tăng chỉ số tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh.

Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số: xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khoá đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp; triển khai các chiến dịch truyền thông cho Chương trình.

- Triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển công dân số rộng khắp, mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, tài khoản số, phương tiện số và được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số.

- Tổ chức triển khai các chương trình phát triển văn hoá số sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

- Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

P.T - T.G

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục