Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Thứ tư: 17:35 ngày 25/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh là tỉnh nông nghiệp, đa số người dân sinh sống gắn với nghề nông. Điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên (gần 270.000 ha); địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích hợp với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị đáp ứng theo nhu cầu thị trường; hệ thống thuỷ lợi khá đồng bộ với công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng quy mô lớn nhất nước, có khả năng tưới tiêu chủ động cho 47.000 ha cây trồng…

Tuy nhiên, với lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hoá không đồng nhất, sức cạnh tranh không cao, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.

Theo xu hướng phát triển, tỷ trọng ngành sản xuất nông nghiệp luôn thấp hơn so với những ngành khác (tỷ trọng công nghiệp – xây dựng; dịch vụ; nông – lâm – thuỷ sản trong GRDP của tỉnh năm 2020 tương ứng 44,5% - 32,4% - 20,3%).

Do vậy, để phát huy hết tiềm năng, để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình, thì cần thay đổi từ tư duy đến cách làm nông nghiệp. Trong đó, chuyển đối số nền nông nghiệp là có vai trò quan trọng, nếu thành công sẽ đem lại bước chuyển mình mạnh mẽ cho nông nghiệp tỉnh nhà.

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: TTXVN

Từ quyết tâm đến hành động

Đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020, lãnh đạo tỉnh thể hiện quyết tâm phát triển nông nghiệp với việc tiên phong triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Quy hoạch quỹ đất khoảng 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030.

Trong đó, dự kiến đến năm 2020 vùng rau, củ, quả chuyên canh khoảng 1.000ha và 4.000 ha đến năm 2030. Xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030, gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt, phát triển nông sản giá trị cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hoá các yếu tố “nước, phân, cần, giống” và chuyển nó vào các thiết bị kết nối intenet như máy tính, điện thoại.

Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình sản xuất của trang trại. Số hoá việc làm nông đã giúp các chủ nông trại giảm công lao động, chi phí sản xuất chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tạo được vùng nguyên liệu có chất lượng và đã có không ít nông dân thực sự làm giàu từ nghề nông.

Sử dụng điện thoại điều khiển hệ thống tưới tự động. Ảnh: Thanh Nhi

Nhưng đường còn lắm gian nan

Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có, song chưa nhiều. Ngoài ra, theo quan điểm người viết, đó cũng chỉ là những điển hình về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chứ chưa hẳn là “nông nghiệp số”. 

Bởi lẽ, nông nghiệp công nghệ cao là thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, còn “nông nghiệp số” là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp, mở đường cho những hoạt động sản xuất theo dây chuyền, chính xác, chặt chẽ và  không đòi hỏi sự hiện diện của con người.

Cái khó là nhận thức. Dù internet có mặt ở Việt Nam hàng chục năm qua, và đang phát triển nhanh như vũ bão; dù khái niệm “công nghệ 4.0” đã trở nên phổ thông, nhưng cho đến nay, tại nhiều hội thảo, toạ đàm, câu hỏi “Chuyển đổi số là gì?”, “Làm thế nào để Chuyển đổi số thành công” vẫn thường xuyên được đặt ra, với nhiều trăn trở.

Trên thực tế, rất ít nông dân, thậm chí cả cấp quản lý, hiểu về Công nghệ số. “Có nghe nói về ứng dụng công nghệ, về 4.0… nhưng thực tế là gì, làm sao thì tui cũng chưa hiểu lắm!” - một nông dân cười trừ khi nghe người viết hỏi.

Đồng thời, nhiều nông dân rụt rè, băn khoăn: “số hoá” thì mang lại lợi ích gì, trong khi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao họ còn đang gặp nhiều khó khăn? Những câu hỏi này cho thấy việc thích ứng cũng như vận dụng công nghệ số trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay vẫn còn là thách thức.

Sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu. Ảnh: Thuý Hằng

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triẻn nông thôn, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn lĩnh vực, không chỉ riêng nông nghiệp. Tây Ninh là tỉnh nông nghiệp nên việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng nông nghiệp thông minh, tiến tới nông nghiệp số cần phải chú trọng.

Tuy nhiên, chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn, mang tính lịch sử nên cần thận trọng, không thể nóng vội, càng không thể chạy theo phong trào. Do vậy, bắt đầu từ những chuyện cụ thể, như ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý việc làm nông qua smartphon, giao dịch nông sản trên chợ điện tử...thông qua những việc “nhỏ” như thế để người nông dân tiệm cận “số hoá”, thay đổi tư duy, nhận thức và mạnh dạn tham gia nông nghiệp thông minh.

Trong Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, Sở NN&PTNT xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong nền kinh tế; ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số...

Ngày 3.6.2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Trong đó có 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính - Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.

T.N

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục