Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyển đổi số trong nông nghiệp, còn nhiều khó khăn
Thứ hai: 09:21 ngày 15/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số vùng trồng hay xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp đang là yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, tại Tây Ninh vẫn chưa có nhiều diện tích được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp chi phí sản xuất được kéo giảm.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật từng bước chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, hành trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều điểm nghẽn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân. 

Ðồng hành cùng nông dân

Có thể nói, chuyển đổi số trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu hướng của thế giới. Đây được coi là nền tảng để nông sản Tây Ninh vươn xa trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như dự báo nhu cầu thị trường chính xác; nguồn cung sản phẩm; giảm thiểu chi phí sản xuất; tối ưu chi phí phân bón, tưới tiêu.

Thông qua việc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn tạo ra nhiều giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc, theo dõi quá trình tăng trưởng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn với giá cả hợp lý.

Để thực hiện việc này, Tây Ninh đã đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đưa nông sản Tây Ninh lên sàn giao dịch thương mại điện tử…Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) thời gian qua, ngành nông nghiệp có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua kênh trực tuyến; một số nông sản bước đầu được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và được người tiêu dùng đón nhận.

Tuy nhiên, để nông sản có thể lên sàn giao dịch TMĐT thì nông sản buộc phải đạt một số tiêu chí nhất định như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Ông Nguyễn Văn Lộc, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu thời gian qua đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang phương thức canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP và tham gia vào tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh xã Suối Đá - Phước Bình 2.

Ông Lộc cho biết khi tham gia vào tổ liên kết và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp đầu ra của sản phẩm được ổn định hơn, các thành viên không còn phải quan tâm đến đầu ra. Đồng thời, còn được quảng cáo và kết nối với các đối tác khác. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến giá bưởi xuống thấp. Do đó, theo ông Lộc nếu kết nối được với các đối tác xuất khẩu, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ giúp nông dân ổn định được sản xuất.

Trên thực tế, hiện nay đa phần nông dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan. Do đó, hầu hết các nông sản này đều không thể đưa lên sàn giao dịch TMĐT và xuất khẩu, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc sở NN&PTNT cho rằng, TMĐT là xu thế kinh doanh hiện đại, giúp kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Đồng thời là một trong những nội dung của chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi đưa nông sản lên các sàn giao dịch TMĐT của VNPT, Viettel…

Nhiều đơn vị đã chủ động đưa sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT.

Còn nhiều khó khăn

Thực tế, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, như: đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; vốn đầu tư trang thiết bị còn cao; nhiều nông dân chưa quen với việc ghi chép, cập nhật thông tin lên phần mềm qua máy tính, điện thoại thông minh; Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu theo phương thức truyền thống, thiếu hệ thống trang thiết bị phục vụ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch…

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số vùng trồng hay xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông nghiệp đang là yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, tại Tây Ninh vẫn chưa có nhiều diện tích được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hoặc đã được cấp nhưng dễ bị “đứt gãy” do đầu ra còn nhiều khó khăn, lợi nhuận không cao.

Một số sản phẩm nông sản của Tây Ninh trên sàn giao dịch TMĐT Postmart

Tây Ninh xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỉ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Phát triển hạ tầng, nền tảng số, công nghệ số, các cơ sở dữ liệu... Từ đó góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân.

Ông Nguyễn Đình Xuân, giám đốc sở NN&PTNT cho biết: Chúng tôi đã bắt đầu sử dụng các phần mềm truy xuất nguồn gốc Kiput, một số phần mềm của VNPT vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách của trung ương và địa phương.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh để kết nối được với người dân, mỗi người dân sẽ có mã vạch, mã số. Khi in mã vạch trên sản phẩm thì người tiêu dùng có thể truy xuất được đây là sản phẩm do ai trồng, trồng khi nào và trồng ở đâu thì chúng ta mới có chỗ đứng trên thị trường và xuất khẩu.

Ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra một lượng lớn các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng của các thị trường tiềm năng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Để đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong nông nghiệp, thiết nghĩ ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm nòng cốt tác động chuyển đổi phương thức sản xuất và liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản tập trung.

Theo Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT ngày 21.7.2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở TT&TT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số cho hộ sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn và thanh toán trực tuyến, phục vụ giao dịch trên sàn thương mại điện tử; tập huấn, đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ kết nối hộ sản xuất nông nghiệp với sàn thương mại điện tử.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. 

Vũ Nguyệt

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục