Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một số cơ quan báo chí đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đưa sản phẩm báo chí lên các nền tảng số đáp ứng xu hướng mới của khán, thính, độc giả.
Chiến lược chuyển đổi số báo chí năm 2025 và hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông là phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, đa dịch vụ. Chuyển đổi số đóng vai trò trụ cột trong việc định hướng thông tin, định hướng dư luận và xã hội.
Một số cơ quan báo chí đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đưa sản phẩm báo chí lên các nền tảng số đáp ứng xu hướng mới của khán, thính, độc giả.
Tuy vậy, vẫn còn không ít cơ quan báo chí gặp khó khăn. Tiến sĩ Trần Quý- Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
TS. Trần Quý- Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam nói chuyện về chuyển đổi số.
Phóng viên: Thưa TS. Trần Quý, vì sao chuyển đổi số lại quan trọng đối với Việt Nam hiện nay?
TS. Trần Quý: Chuyển đổi số (CĐS) là yếu tố sống còn giúp Việt Nam duy trì và nâng cao vị thế cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với tiềm năng từ dân số trẻ, năng động và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực về kinh tế số và công nghệ.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá mục tiêu này, CĐS không thể chỉ là khẩu hiệu mà cần được thúc đẩy bằng chiến lược rõ ràng và hành động cụ thể từ chính phủ đến từng doanh nghiệp và cá nhân.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm qua việc triển khai nhiều chính sách và chương trình quốc gia về CĐS. Từ năm 2020 đến 2024, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình tăng từ mức rất thấp lên hơn 55%.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một khung pháp lý và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững chắc đã giúp củng cố sự phát triển bền vững của nền kinh tế số. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần tiếp tục duy trì đà phát triển để đạt mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030.
Chuyển đổi số - xu thế tất yếu của báo chí.
Hơn nữa, CĐS còn đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Singapore và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong trong CĐS, Việt Nam cần tham khảo, học hỏi.
Việt Nam cần tập trung vào việc tối ưu hoá hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển dữ liệu mở và ứng dụng công nghệ hiện đại trong mọi lĩnh vực. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự minh bạch và hiệu quả mà còn thúc đẩy sự tham gia tích cực từ phía người dân và doanh nghiệp, tạo nên một môi trường kinh tế và xã hội số hoá mạnh mẽ và bền vững.
Phóng viên: Thưa TS. Trần Quý, tại phiên họp lần thứ 8 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.
Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”. Vậy, đối với báo chí cần phải như thế nào, thưa ông?
TS. Trần Quý: Để báo chí thực sự thúc đẩy CĐS và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế số, các cơ quan báo chí cần đổi mới toàn diện từ quy trình làm việc, tư duy quản lý đến cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ rằng CĐS phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.
Điều này cũng có ý nghĩa muốn nói, báo chí cần phát triển không chỉ ở nội dung mà cả cách thức vận hành. Báo chí phải tạo ra các nền tảng nội dung đa dạng, dễ tiếp cận, tương tác mạnh mẽ với độc giả.
Việc áp dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) là bước đi cần thiết để phân tích và dự báo nhu cầu thông tin của người đọc, từ đó tối ưu hoá việc sản xuất nội dung, công nghệ blockchain có thể được triển khai để bảo vệ quyền tác giả và bảo đảm tính minh bạch...
Hơn nữa, các nền tảng phân phối thông tin như mạng xã hội, ứng dụng di động và các phương thức phát sóng trực tiếp cần được khai thác để mở rộng phạm vi tiếp cận.
Các cơ quan báo chí cũng cần chú trọng đến việc đào tạo nhân lực, tạo điều kiện cho các nhà báo và biên tập viên tiếp cận với công nghệ mới, nâng cao chất lượng bài viết, duy trì sự linh hoạt trong việc ứng phó với các thay đổi của thị trường. CĐS không phải là một giải pháp ngắn hạn mà là một chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư không ngừng và sự đồng bộ giữa công nghệ, quản lý và văn hoá tổ chức.
Phóng viên: Chuyển đổi số báo chí đang và sẽ trở thành xu thế tất yếu. Xin ông cho biết cụ thể sẽ như thế nào?
TS. Trần Quý: CĐS trong báo chí không đơn giản chỉ là việc số hoá các bài báo và đưa lên nền tảng trực tuyến, mà là sự thay đổi căn bản về cách thức vận hành, tạo dựng và phân phối thông tin. Đó là một cuộc cách mạng toàn diện, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tích hợp công nghệ vào từng khâu, từ thu thập dữ liệu, biên tập đến phân tích và phân phối.
Báo chí CĐS đồng nghĩa với việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) để hiểu rõ độc giả, từ đó tạo ra nội dung được cá nhân hoá, đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của từng đối tượng.
Công nghệ AI đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc sản xuất các nội dung tự động như các bản tin ngắn, phân tích dữ liệu thị trường hay dự báo xu hướng. Việc tích hợp các ứng dụng đa phương tiện và công cụ tương tác như thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR) tạo ra trải nghiệm phong phú và hấp dẫn hơn cho người đọc.
Ngoài ra, CĐS còn giúp các cơ quan báo chí tăng tính minh bạch và khả năng tiếp cận của thông tin. Việc xây dựng hệ thống quản lý nội dung tập trung (CMS) cho phép tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, cải thiện quy trình biên tập và giảm thiểu thời gian sản xuất tin tức.
Cuối cùng, CĐS giúp tăng cường khả năng phản hồi nhanh chóng, giúp báo chí giữ vững vai trò là nguồn tin đáng tin cậy và kịp thời trong xã hội số hoá.
Phóng viên: Thưa ông, mục tiêu của chuyển đổi số là sự thay đổi cơ bản về phương thức một tổ chức cung cấp giá trị cho khách hàng. Vậy, đối với báo chí cần phải thay đổi những gì?
TS. Trần Quý: Để đạt được mục tiêu CĐS, báo chí cần cải tiến toàn diện từ quy trình, nhân lực, văn hoá tổ chức đến công nghệ. Tất cả đều phải hướng đến việc tạo ra giá trị mới, cải thiện trải nghiệm độc giả và tối ưu hoá hoạt động. Trước hết, các cơ quan báo chí cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nền tảng kỹ thuật số. Điều này bao gồm triển khai hệ thống quản lý nội dung (CMS) hiện đại, tích hợp công nghệ AI và dữ liệu lớn để tự động hoá quy trình sản xuất và phân phối nội dung, từ đó cải thiện tốc độ và tính chính xác.
Bên cạnh đó, quy trình biên tập và sản xuất tin tức cần được tái cấu trúc để linh hoạt hơn, phù hợp với môi trường số hoá. Việc tích hợp các công cụ phân tích dữ liệu giúp báo chí hiểu rõ hơn về độc giả và điều chỉnh nội dung phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Hơn nữa, báo chí cần mở rộng phương thức tiếp cận đa kênh, tận dụng mạng xã hội, ứng dụng di động và các nền tảng video để gia tăng tương tác và thu hút sự quan tâm.
Đào tạo nhân lực là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Đội ngũ nhân sự cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về công nghệ số, bao gồm khả năng sử dụng AI, phân tích dữ liệu và quản lý công cụ số. Qua đó, sẽ giúp đội ngũ làm báo thích nghi nhanh chóng với thay đổi và duy trì tính cạnh tranh trong ngành.
Ngoài ra, văn hoá tổ chức cũng cần được điều chỉnh để khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo. Lãnh đạo báo chí cần có tầm nhìn chiến lược và thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách chủ động, linh hoạt. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ, như khung pháp lý và các quy định về dữ liệu và bảo mật thông tin, cũng đóng vai trò thiết yếu để bảo đảm sự an toàn và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi.
Phóng viên: Hiện nay, kinh tế báo chí là một trong những thách thức lớn đối với báo chí địa phương. Việc thực hiện chuyển đổi số mang lại lợi ích như thế nào, nhất là quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, thưa Tiến sĩ?
TS. Trần Quý: Chuyển đổi số không chỉ là bước đi tất yếu để hiện đại hoá ngành báo chí, mà còn là yếu tố then chốt giúp các cơ quan báo chí địa phương đạt được sự tự chủ tài chính và duy trì hoạt động bền vững.
Đầu tiên, CĐS giúp tối ưu hoá quy trình hoạt động, từ việc sản xuất đến phân phối nội dung, nhờ vào việc áp dụng công nghệ tự động hoá và hệ thống quản lý nội dung hiện đại. Điều này giúp giảm chi phí vận hành, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tài chính hạn hẹp.
Ngoài ra, việc sử dụng các nền tảng phân phối nội dung trực tuyến và các công cụ phân tích dữ liệu cho phép báo chí địa phương hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của độc giả.
Dữ liệu này giúp các đơn vị báo chí phát triển chiến lược nội dung hiệu quả, tối ưu hoá quảng cáo và các hình thức doanh thu kỹ thuật số khác như đăng ký thuê bao và dịch vụ trả phí. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã tăng trưởng doanh thu đáng kể nhờ vào việc khai thác quảng cáo số và các mô hình kinh doanh mới.
CĐS còn tạo ra nền tảng phát triển bền vững khi các cơ quan báo chí có thể tiếp cận và tương tác với độc giả trên đa nền tảng, từ mạng xã hội đến ứng dụng di động, qua đó gia tăng tính tương tác và sự gắn kết của độc giả.
Điều này không chỉ giúp củng cố mối quan hệ với cộng đồng mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng khả năng thu hút các đối tác quảng cáo và tài trợ.
Thế Lực