Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị COP29 đã thu hút sự chú ý. Dù không trực tiếp có mặt tại Baku, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại thủ đô Moskva. Ảnh: THX/TTXVN
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan đã không có sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thay vào đó, phái đoàn Nga do Thủ tướng Mikhail Mishustin dẫn đầu đã tham dự hội nghị. Vậy điều gì đã khiến nhà lãnh đạo Điện Kremlin vắng mặt tại sự kiện quan trọng này?
Theo nhà phân tích chính trị người Nga Sergey Markov, quyết định không tham dự COP29 của Tổng thống Putin là động thái nhằm tránh các hành động khiêu khích tiềm tàng từ phía các nhà lãnh đạo phương Tây. Tuy nhiên, ông Markov khẳng định điều này không phản ánh bất kỳ rạn nứt nào trong quan hệ Nga - Azerbaijan.
Dù không trực tiếp có mặt tại Baku, Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev.
Theo trang tin Azernews.az, trong cuộc điện đàm ngày 15/11, hai nhà lãnh đạo Nga và Azerbaijan đã thảo luận về việc triển khai thực tế các dự án cùng có lợi trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải, phù hợp với các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga tới Azerbaijan vào tháng 8 năm nay, cũng như các cuộc tiếp xúc được thực hiện trong chuyến thăm đang diễn ra của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tới Baku.
Hai bên tái khẳng định mối quan tâm chung trong việc tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đồng minh giữa Azerbaijan và Nga.
Tại COP29, Thủ tướng Mishustin đã thay mặt Nga khẳng định cam kết đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Ông nêu rõ Nga sẽ tập trung vào việc tăng hiệu quả năng lượng, phát triển giao thông điện và triển khai các giải pháp hiện đại trong nông nghiệp và lâm nghiệp.
Đáng chú ý, người đứng đầu chính phủ Nga cho biết 85% sản lượng điện của nước này đến từ các nguồn phát thải thấp, bao gồm khí đốt, hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, Moskva đã phải tăng cường năng lực tự chủ về công nghệ và công nghiệp để thực hiện mục tiêu khử carbon. Tại COP29, ông Mishustin đề xuất bốn hướng hợp tác quốc tế về khí hậu, bao gồm thỏa thuận tài trợ mới cho các nước đang phát triển và xây dựng hệ thống đánh giá thống nhất về chất lượng các dự án khí hậu.
Về phía chủ nhà Azerbaijan, Tổng thống Aliyev có bài phát biểu gây chú ý khi khẳng định dầu khí không phải là "kẻ thù" của sự tiến bộ mà là động lực và đồng minh của nhân loại. Theo chuyên gia Markov, lập trường này cho thấy ý định của Azerbaijan muốn trở thành tiếng nói đại diện và bảo vệ lợi ích của các quốc gia xuất khẩu dầu khí trên trường quốc tế.
Nguồn Báo Tin tức