Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chuyên gia: Việt Nam sẽ là con hổ mới của châu Á
Thứ năm: 20:50 ngày 04/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hậu đại dịch, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. Dù vậy, nền kinh tế này vẫn được tin tưởng sẽ trở thành con hổ mới của châu Á.

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh 2022 của Forbes Việt Nam ngày 4/8, ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô về Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar của Ngân hàng đầu tư Maybank, gọi Việt Nam là ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam sẽ là một con hổ mới của châu Á.

Những lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các nước Đông Nam Á khác

Theo ông Brian Lee Shun Rong, nền công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dữ liệu của Maybank cho thấy cả nguồn vốn FDI rót vào Việt Nam lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 10 năm qua đều luôn lớn hơn tất cả quốc gia Đông Nam Á khác.

Điều đáng nói, ngành hàng điện tử, điện thoại đã vượt mặt dệt may trở thành lĩnh vực mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất, chứng tỏ Việt Nam đã nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong quá trình này, năng suất làm việc của người lao động cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các nước ASEAN khác.

Ông Brian Lee Shun Rong phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Forbes.

Nhà nghiên cứu kinh tế từ Maybank cũng đánh giá cao môi trường kinh doanh nhất quán tại Việt Nam, với sự hỗ trợ rất lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ số đo lường mức độ hạn chế trong chính sách đối với FDI của Việt Nam đã giảm hơn một nửa trong vòng 10 năm từ 2010 đến 2020, trong khi số lượng hiệp định thương mại tự do chỉ đứng sau Singapore, cho thấy độ mở cao của nền kinh tế đối với thương mại và đầu tư từ nước ngoài.

Một ưu thế khác của Việt Nam, theo ông Brian, là sự cạnh tranh về nguồn cung lẫn chi phí nhân lực. Đi kèm với đó là vị trí chiến lược ngay gần kề Trung Quốc, lại có 3.200 km đường biển, dễ dàng tiếp cận với các tuyến vận chuyển quốc tế, giúp Việt Nam trở thành điểm đến mới của hàng loạt doanh nghiệp cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng hay chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nhìn nhận bức tranh kinh tế vĩ mô hiện tại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cũng cho rằng Việt Nam đang kiểm soát rất tốt vấn đề lạm phát và các chính sách tài khóa, tiền tệ.

Ông dự báo kể cả khi giá dầu thế giới tăng trở lại, chỉ cần không vượt mức đỉnh 120 USD/thùng, thì tình hình kinh tế Việt Nam năm nay vẫn khả quan, có thể đảm bảo lạm phát dưới 4% và tăng trưởng GDP thậm chí đạt trên 7%.

"Sự tự tin về việc sẽ đạt được các mục tiêu vĩ mô cho phép nhà điều hành chính sách không cần thắt chặt tiền tệ quá mức như các quốc gia khác. Đồng thời, giai đoạn 2023-2025 có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công. Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp trong thời gian tới", ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Những thách thức cần tập trung giải quyết

Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Việt Nam vẫn cần chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn, khi lạm phát có thể bùng lên hay nền kinh tế sẽ có những tháng suy thoái vào năm sau.

"Cần nhìn nhận mức tăng trưởng 6-7%, thậm chí có thể trên 7% của năm nay chỉ là bù đắp cho những năm Covid-19. Chúng tôi tính toán thời gian tới Việt Nam sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng từ giá lương thực thực phẩm tăng. Nếu không chuẩn bị dư địa chính sách để hỗ trợ tăng trưởng cho năm sau, nền kinh tế sẽ gặp khó, do đó điều hành chính sách vẫn cần thận trọng", ông nói.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành nói về triển vọng của nền kinh tế vĩ mô đến hết năm 2023. Ảnh: Forbes.

Còn ông Brian góp ý để tăng trưởng tốt hơn với những vị thế đang có, Việt Nam cần tiếp tục phát triển sản xuất nội địa. Ông dẫn chứng tỷ trọng mua hàng địa phương của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam chỉ 37%, trong khi ở Indonesia hơn 47%, ở Thái Lan gần 60%. Các doanh nghiệp đa quốc gia khác ở Việt Nam cũng chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất.

Vì vậy, thời gian tới ông cho rằng chủ lực của nền kinh tế phải là những ngành nghề cần lao động chất lượng cao.

Để làm được điều này, Việt Nam phải chú trọng cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Năng suất làm việc những năm qua dù tăng trưởng cao nhưng vẫn ở mức thấp, đặc biệt trong thời đại kinh tế số hiện nay càng cần lượng lớn lao động sẵn sàng cho chuyển đổi số.

Mặt khác, vị chuyên gia tại Maybank nhìn nhận cơ sở hạ tầng kết nối giao thông tại Việt Nam còn chưa phát triển theo kịp đà tăng trưởng của nền kinh tế. Đây sẽ là một trong những trọng tâm Việt Nam cần giải quyết nếu muốn vươn mình thành con hổ tiếp theo của châu Á.

Nguồn Zing

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục