BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện “giải phóng cuộc đời” của một thầy thuốc từng mặc áo lính 

Cập nhật ngày: 28/04/2018 - 08:37

BTN - Đầu năm 1978, BS Mạnh từ trại Cây Cầy A ở Suối Ky, Tân Biên cầm tờ giấy trả quyền công dân về trình diện Uỷ ban nhân dân tỉnh. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Ðặng Văn Thượng đã viết cho BS Mạnh một tờ giấy phân công về công tác tại Bệnh viện Dân y tỉnh. Tại đây, Giám đốc Bệnh viện là bác sĩ Hồ Ðăng Nguyễn phân công BS Mạnh làm bác sĩ điều trị.

BS Lê Công Mạnh (bên trái) và BS Lê Hồng Phước (thứ 2, bên phải) dự lễ cưới của vợ chồng Huỳnh Khắc Vũ.

Ký sự của NGUYỄN TẤN HÙNG

Ngày toàn thắng 30.4.1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã trôi qua 43 năm. Ðối với lớp người trẻ hôm nay, thời gian đó đã quá lâu.

Nhưng với lớp người cao niên hơn, được chứng kiến sự kiện vĩ đại ấy thì vẫn như mới hôm qua. Khoảng thời gian ấy chỉ là “bóng câu qua song cửa” mà thôi! Hơn bốn thập niên vừa qua, nhân dân cả nước nói chung, người Tây Ninh nói riêng, đã đồng lòng chung sức dựng xây đất nước, quê hương ngày càng ấm no, tươi đẹp.

Trong thành tựu chung ấy, có sự đóng góp của những người sinh ra, lớn lên trong vùng tạm chiếm của chế độ cũ. Thậm chí có người ở là sĩ quan, công chức của chính quyền, quân đội Sài Gòn, nhưng họ đã không bỏ nước ra đi, vẫn ở lại đồng cam cộng khổ với đồng bào, đem hết tài năng, trí tuệ, công sức ra phục vụ xã hội, phục vụ đất nước suốt phần đời còn lại.

Một trong số đó là bác sĩ Lê Công Mạnh, Thầy thuốc ưu tú, nguyên Giám đốc Trung tâm Ðào tạo cán bộ Y tế tỉnh Tây Ninh.

ÐƯỜNG ÐỜI, LỐI ÐẠO CỦA MỘT NGƯỜI TRÍ THỨC

Một ngày cuối tháng tư - 2018, chúng tôi tìm đến nhà riêng của bác sĩ (BS) Mạnh ở đường Lý Thường Kiệt (xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) thì gặp người thân của ông chở ông trên xe gắn máy, chuẩn bị đi vào nội ô Toà thánh.

Hỏi ra mới biết, BS Mạnh nay đã 82 tuổi, nghỉ hưu hơn 20 năm qua. Sức khoẻ của ông giảm nhiều, đi đứng rất khó khăn vì bị gãy chân đến ba lần.

Tuy nhiên, BS Mạnh vẫn còn rất minh mẫn, nhất là ông vẫn còn tham gia hoạt động trên lĩnh vực y tế với tư cách một chức sắc, phẩm Giáo sư của Hội thánh Cao Ðài, giữ nhiệm vụ Phụ thống Y viện Toà thánh, đặc trách chuyên môn khám, chữa bệnh của Y viện.

Kể về sự kiện 30.4.1975, ánh mắt BS Mạnh như sáng hẳn lên, ông sôi nổi cho biết: “Năm ấy, tôi 39 tuổi (ông sinh năm 1936), tốt nghiệp Tiến sĩ y khoa quốc gia Sài Gòn được 12 năm.

Khi quân viễn chinh Mỹ đổ vào chiến trường miền Nam, các thầy giáo, thầy thuốc đều bị động viên vào quân đội Sài Gòn. Ngày giải phóng, tôi đang là Thiếu tá Bác sĩ, Chỉ huy trưởng Quân y viện Tây Ninh của chế độ cũ.

Lúc 9 giờ 15 phút tôi nghe ông Dương Văn Minh- “Tổng thống ba ngày” lên Ðài phát thanh Sài Gòn kêu gọi binh lính buông súng. Chính phủ của ông Minh đang chờ đợi quân Giải phóng vào Sài Gòn để “bàn giao chính quyền”.

Nhưng đến 11 giờ 30 phút  giờ Sài Gòn, tức 10 giờ 30 giờ Hà Nội, tôi lại nghe ông ta tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện”. Sau này mới biết là chính quyền Sài Gòn còn gì đâu mà bàn giao.

Thật ra, Quân y viện Tây Ninh lúc ấy có tới hơn 300 nhân viên y tế, thường xuyên điều trị cho 500 bệnh nhân (kể cả bệnh nhân tù binh quân giải phóng).

Trong số 13 bác sĩ của Quân y viện đã có tới 12 người bỏ chạy xuống Sài Gòn rồi di tản ra nước ngoài, chỉ còn một mình tôi ở lại. Tôi tập hợp số nhân viên y tế còn lại, nói với họ, bệnh viện còn bệnh nhân thì ta còn ở lại để chăm sóc họ.

Chúng ta tuy là lính nhưng cũng là thầy thuốc, là người làm công tác y tế cứu người. Chắc chắn cách mạng sẽ có chính sách khoan hồng, nhân đạo với chúng ta”.

BS Mạnh kể tiếp: “Quả thật như vậy, lúc khoảng 13 giờ, đơn vị quân giải phóng đến tiếp quản Quân y viện do ông Mai Cẩm Hoài chỉ huy đến trao cho tôi một tờ giấy của Uỷ ban Quân quản tỉnh Tây Ninh, phân công ông Hoài là trưởng bộ phận quân y giải phóng, tôi làm phụ tá và yêu cầu tất cả nhân viên của Quân y viện tiếp tục ở lại chăm sóc số bệnh binh của cả hai bên còn đang điều trị tại bệnh viện.

Ðộ khoảng một tháng sau, tất cả bệnh nhân nặng nhẹ đều được xuất viện, anh em nhân viên Quân y cũ phần lớn được cho về quê, sum họp gia đình. Một số có tay nghề cao được lưu dụng. Riêng tôi là sĩ quan chỉ huy phải chấp hành chính sách học tập cải tạo”.

Hai năm, tám tháng sau, đầu năm 1978, BS Mạnh từ trại Cây Cầy A ở Suối Ky, Tân Biên cầm tờ giấy trả quyền công dân về trình diện Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Ðặng Văn Thượng đã viết cho BS Mạnh một tờ giấy phân công về công tác tại Bệnh viện Dân y tỉnh. Tại đây, Giám đốc Bệnh viện là bác sĩ Hồ Ðăng Nguyễn phân công BS Mạnh làm bác sĩ điều trị.

Mấy năm sau, BS Mạnh được làm Trưởng khoa Ngoại. Ðến năm 1989, BS Mạnh được điều động sang làm Giám đốc Trung tâm Ðào tạo cán bộ y tế của tỉnh.

Trung tâm có hai đơn vị trực thuộc là Trường trung học Y tế và Trung tâm đào tạo bác sĩ đa khoa. Trong gần 10 năm BS Mạnh làm công tác đào tạo, Trung tâm đã đào tạo được khoảng 200 bác sĩ, 500 y sĩ trung cấp.

Ðặc biệt là đã mở được một khoá sau đại học, đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và 1 lớp đào tạo cán bộ quản lý y tế từ Trưởng Phòng Y tế cấp huyện trở lên.

 Năm 1998, BS Mạnh về nghỉ hưu ở tuổi 62. Theo BS mạnh: “Sở dĩ tôi nghỉ hưu trễ 2 năm là vì lãnh đạo tỉnh yêu cầu tôi phải tiếp tục vừa giảng dạy, vừa quản lý đến khi các lớp sau đại học tốt nghiệp ra trường.

Thật ra, tôi về hưu chỉ là hoàn thành công việc phần đời, còn nguyện vọng về “phần đạo”, đến lúc ấy tôi mới bắt đầu được “làm công quả” tại Y viện Toà thánh suốt 20 năm qua cho tới bây giờ. Tôi là con nhà đạo, ông nội tôi là chức sắc cao cấp của Hội thánh, phẩm Ðầu sư phái Thái, thánh danh Thái Bộ Thanh”.

NHỮNG DẤU ẤN KHÔNG BAO GIỜ PHAI

Trong cuộc sống xã hội, cả một đời thầy thuốc cũng như thầy giáo đã chăm sóc, dạy dỗ cho không biết bao nhiêu người. Và bao giờ bệnh nhân, học trò cũng nhớ đến thầy thuốc, thầy giáo, chứ quý thầy làm sao nhớ hết người bệnh, người trò của mình.

Ðoạn sau của bài viết này, chúng tôi xin thuật lại một số trường hợp đã ghi đậm dấu ấn không bao giờ phai trong lòng những bệnh nhân về Thầy thuốc ưu tú Lê Công Mạnh.

Có lần đi công tác ở xã Tân Bình, khi xã này còn thuộc huyện Hoà Thành, chưa sáp nhập vào Thị xã, nay là thành phố Tây Ninh, người viết bài này được nghe anh Lê Minh Son, Chủ tịch xã kể, mấy năm sau ngày 30.4.1975, cha của anh, một “chỉ huy du kích” thuộc chính quyền cách mạng xã này đã được BS Lê Công Mạnh phẫu thuật, lấy ra một đầu đạn súng phóng lựu M79 của Mỹ nằm trong lớp cơ lưng ông, nhưng… chưa nổ (!).

Ðầu đạn này do một tên “tụt tạt”, lính chế độ cũ không ra trình diện cải tạo mà trốn vào vùng rừng rậm dưới chân núi Bà Ðen, bắn vào lưng ba anh Son khi ông cùng anh em du kích xã đi truy quét tàn quân.

Chuyện bác sĩ Quân y mổ bệnh nhân bị mảnh đạn ghim vào người kể cũng thường tình. Nhưng đây không phải là mảnh, mà là cả một quả phóng lựu chưa nổ.

Những người lính đều biết quả đạn M79 chỉ nổ khi thoát ra khỏi nòng súng và quay đủ số vòng nhất định, nếu trúng mục tiêu khi chưa đủ số vòng quay thì nó… nằm đó chờ. Vì thế, để phẫu thuật ca này, BS Mạnh phải cho chất bao cát công sự của Mỹ chung quanh bàn mổ như một cái “lô cốt”, rồi chỉ có một cặp thầy thuốc - bệnh nhân “làm việc” với nhau trong đó.

Khi bác sĩ lấy quả đạn ra khỏi lưng bệnh nhân giao cho công binh Tỉnh đội đem đi xử lý, các nhân viên y tế mới vào “lô cốt” giải quyết phần hậu phẫu.

Chuyện thứ hai, do bác sĩ Lê Hồng Phước, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Ða khoa tỉnh viết đăng trên báo Tây Ninh vào năm 1995.

Ðó là ca mổ bệnh nhi Huỳnh Khắc Vũ, 8 tuổi, do BS Mạnh làm phẫu thuật viên chính. Vũ nhập viện với cái bụng to như cái thúng cùng cái tên thường gọi là “thằng Thúng”.

Gia đình nghĩ rằng Vũ bị bệnh “xơ gan cổ trướng”. Bệnh viện tỉnh Tây Ninh không đủ điều kiện chẩn đoán, định bệnh của cháu bé “dị dạng” đáng thương này.

May sao, lúc ấy nghe tin Trung tâm Medic (thường gọi là Bệnh viện Hoà Hảo, TP.HCM) vừa trang bị máy CT scanner rất hiện đại, bệnh viện đã liên hệ và được BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm đồng ý cho chẩn đoán bệnh miễn phí.

Kết quả chụp cắt lớp xác định “cái thúng” ấy chính là “đứa em song sinh” của Vũ, nhưng “thằng em” lại “đầu thai nhầm” vào bụng thằng anh. Vì thế, nó không được sinh ra, mà cứ nằm trong ấy suốt tám năm.

Thuật ngữ chuyên môn ngành Y gọi đó là trường hợp “thai trong thai”. Ca mổ thành công, các bác sĩ lấy được khối u nặng khoảng 8kg ra khỏi cơ thể của Vũ.

Biết gia đình Vũ quá nghèo, bệnh viện miễn phí hoàn toàn. Vũ xuất viện về nhà mới bắt đầu vào học lớp 1. Mấy năm sau, “hoạ vô đơn chí”, anh ruột của Vũ, người lao động chính của gia đình không may bị tai nạn qua đời. Thế là Vũ phải nghỉ học giữa chừng, lên vùng chân núi Bà Ðen làm thuê, giữ vườn mãng cầu khi còn ở tuổi thiếu niên.

BS Lê Hồng Phước nghe tin đã tìm đến nhận Vũ làm con nuôi, đưa về cho ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, “thằng Thúng” Huỳnh Khắc Vũ đã có vợ con. Vợ chồng Vũ cùng công tác tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh.

Sáu năm sau, năm 2001, Bộ Y tế mở hội nghị khoa học tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. BS Lê Công Mạnh được Ban tổ chức hội nghị mời báo cáo chuyên đề về phẫu thuật u quái với ca mổ bệnh nhi Huỳnh Khắc Vũ.

Từ chuyến đi báo cáo “chuyện thằng Thúng”, BS Mạnh đã “gặp lại cố nhân”, một bệnh nhân tù binh quân giải phóng từng được ông cứu chữa, đúng hơn là cứu lấy sinh mạng nghề nghiệp của một bác sĩ phẫu thuật.

N.T.H

(Còn tiếp)