Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Chuyện “Hai Lúa” Trảng Bàng “chế” xe cơ giới
2015-01-31 07:01:00

(BTNO) - Nhiều người dân ở xã Đôn Thuận cho biết rất thán phục sự khéo léo, sáng tạo, tính cách dám nghĩ dám làm của anh “Hai Lúa” Lê Văn Tuấn, ngụ ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Đáng nói là trước khi “chế tạo” 2 chiếc xe, anh này chưa từng biết qua kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật chế tạo máy hay bất cứ lĩnh vực nào có liên quan đến máy móc, bởi từ nhỏ anh chỉ biết cầm cày, cầm cuốc.

Anh Tuấn vận hành thử nghiệm xe năng lượng.

Chế “xe tải” để chở... cỏ

Tiếp chúng tôi là một nông dân “chính gốc”, mộc mạc, chất phác nhưng cởi mở. Năm nay, anh Tuấn 35 tuổi, sống độc thân trong căn nhà nhỏ nằm khuất giữa vườn cao su trong một con hẻm vắng ở ấp Bà Nhã. Lúc đầu, anh tỏ ra ngần ngại không muốn kể lại quá trình “chế tạo” 2 chiếc xe “độc” của mình. Dần dà, sau những lời thăm hỏi xã giao về gia đình, về công việc, anh mới mạnh dạn trả lời những câu hỏi của chúng tôi về “kỹ thuật chế tạo xe cơ giới”.

Nhà anh Tuấn trước đây nuôi đến 8 con trâu nên cần khá nhiều cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Mỗi lần đi cắt cỏ, anh Tuấn phải vất vả mất nhiều thời gian để chở từ đồng về nhà bằng xe máy. Một lần, anh Tuấn chợt nảy ra ý định: Sao mình không chế ra một chiếc xe giống như xe tải cỡ nhỏ để chở cỏ cho đỡ mất thời gian, công sức?

Nghĩ là làm, anh Tuấn tìm mua một máy xe mô tô Trung Quốc 110 phân khối cũ về “độ” lại. Thiết bị, máy móc để anh thực hiện việc chế tạo xe tải nhỏ chỉ là… một máy cắt, một máy hàn và một số phụ tùng lặt vặt của thợ sửa xe máy. Không cộng sự, không chuyên môn, không kinh nghiệm, không kiến thức… chỉ với niềm đam mê và số vốn ít ỏi dành dụm được, anh Tuấn miệt mài chế tạo. Gian chính trong căn nhà nhỏ đơn sơ của anh trở thành “xưởng chế tạo máy”. Nhiều người biết chuyện đã không khỏi bật cười, cho rằng anh “dở chứng”, làm chuyện không đâu vào đâu, chỉ tổ mất tiền, mất thời gian. Mặc ai gièm pha, anh Tuấn vẫn nhẫn nại, kiên trì tháo, ráp, cắt, hàn… vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Sau khoảng một năm bắt tay vào công việc lạ lẫm này, giữa năm 2012, anh Tuấn cho ra đời một “phương tiện cơ giới” có động cơ xe máy, chở được cả… tấn hàng hoá, nông sản. Xe có chiều rộng 1,8m, dài 4m, bộ khung xe bằng sắt và gỗ. Hai bánh trước được tận dụng từ bánh xe lôi máy trước đây vẫn hay lưu hành trên địa bàn tỉnh. Hai bánh và trục sau được anh Tuấn lắp ráp từ trục và bánh xe lôi 3 bánh Trung Quốc để có thể cài số lùi.

Khi anh Tuấn lái chiếc xe do mình chế tạo đi chở cỏ, chở nông sản, nhiều người ngỡ ngàng bởi chiếc xe cồng kềnh, to đùng, “xác xe” nặng nửa tấn, do một anh Hai Lúa chế tạo và điều khiển lái bon bon. “Nhiều người không biết xe gì mà lạ quá, tiếng máy cũng lạ nên khi tôi lái xe chạy qua rồi, họ còn cố chạy theo quan sát, tìm hiểu”, anh Tuấn bẽn lẽn kể. Từ khi có “xe tải”, anh Tuấn đỡ vất vả hơn trong việc vận chuyển nông sản, chở cỏ từ đồng về nhà. Anh cũng được nhiều người thuê chở hàng hoá, nông sản, củi… kiếm thêm thu nhập. “Tổng số tiền tôi đầu tư làm chiếc xe này khoảng 25 triệu đồng nhưng đến nay thì đã lấy vốn lại rồi”, anh Tuấn kể.

Bán trâu “chế” ô tô

Làm xong chiếc xe chở cỏ, anh Tuấn nghĩ: Sao mình không chế tạo một chiếc ô tô của riêng mình? Trong đầu anh phác thảo một kế hoạch: Mình sẽ làm chiếc ô tô 5 chỗ ngồi, vừa có động cơ đốt xăng vừa có động cơ điện. Khi vận hành, xe sử dụng động cơ điện là chính. Chỉ khi hết năng lượng điện thì mới chuyển sang vận hành động cơ xăng để giảm chi phí nhiên liệu.

Và anh lại bắt tay vào việc chế tạo. Do việc chế tạo lần này phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật hơn nên anh Tuấn mất đến 3 năm để đến nay mới đưa vào vận hành thử nghiệm chiếc “ô tô 5 chỗ ngồi”. Chiếc xe này có hình dáng bên ngoài hệt một chiếc ô tô 5 chỗ ngồi nhưng khoảng cách từ gầm xe xuống mặt đất khá xa, tương tự như loại ô tô “2 cầu”. Anh cho biết toàn bộ quá trình chế tạo chiếc xe này (cũng như chiếc trước) hoàn toàn dựa vào… trí tưởng tượng của mình, nghĩ thế nào thì làm thế ấy chứ không dựa vào một “nguyên mẫu”, bản vẽ thiết kế hay nguyên lý nào.

Vậy mà, sản phẩm của anh Hai Lúa chính hiệu này trông rất giống một chiếc ô tô thông thường, có vẻ ngoài khá bắt mắt dù còn nhiều chi tiết thô vụng do được làm hoàn toàn thủ công. Phía trước xe, ngay vị trí mà các hãng ô tô thường đặt logo hoặc thương hiệu xe, anh Tuấn cho gắn 3 chữ khá to bằng kim loại: STV. Chúng tôi thắc mắc về ý nghĩa 3 chữ này thì anh Tuấn giải thích: “Đó là chữ viết tắt của 3 từ: Sáng Tạo Việt”. Thì ra anh nông dân nòi này cũng tinh tế lắm! Xung quanh xe, “kỹ sư Hai Lúa” cho dán các dòng chữ: Xe thân thiện môi trường, xe năng lượng, xe thử nghiệm, xe tập lái. Xe cũng có đầy đủ đèn tín hiệu giao thông, đèn lái, đèn đuôi…

Một chi tiết khá “độc” chưa từng thấy được áp dụng ở các dòng ô tô hiện hành ở Việt Nam, đó là “công nghệ tự động cảnh báo rẽ phải, rẽ trái”. Anh Tuấn đã mày mò chế tạo tính năng tự động bật xi nhan cùng hướng. Khi vô lăng điều khiển xe đi về bên trái, đèn xi nhan bên trái sẽ tự động bật để cảnh báo các phương tiện khác. Tương tự, khi vô lăng điều khiển xe đi về hướng phải thì đèn xi nhan bên phải sẽ tự động bật. 

Dù mới đưa vào vận hành thử nghiệm được vài ngày nhưng chiếc xe này đã lưu thông khá ổn với tốc độ tối đa khoảng 40km/h. Xe được trang bị 2 động cơ: một động cơ mô tô Trung Quốc 110 phân khối và một động cơ sử dụng năng lượng “sạch”. Động cơ sử dụng năng lượng “sạch” gồm một hệ thống truyền động do lực truyền từ một mô tơ lắp trong ca pô xe. Để vận hành mô tơ là tấm pin năng lượng mặt trời lắp trên nóc xe. Chiếc ô tô “độc” này có đến 2 hộp số, một hộp số của mô tô 110 phân khối và một hộp số của xe tải nhỏ tải trọng nửa tấn.

Bánh xe cũng được anh Tuấn thiết kế từ bánh xe lôi máy trước đây, lắp thêm 4 thắng đĩa. Mặt ngoài bánh xe được gắn mâm chụp nhìn giống hệt “ô tô chính hãng”. Anh Tuấn cho biết thêm, chiếc xe này còn được anh thiết kế dựa trên ý tưởng “an toàn cho người lái, hạn chế thiệt hại cho xe khi gặp sự cố”. Do đó, gầm xe được thiết kế cao, bộ khung bằng sắt chắc chắn. Hệ thống giảm sốc được thiết kế từ bộ nhíp của xe quân sự đời cũ.

Anh Tuấn thật thà nói: “Sẽ còn phải mất thêm nhiều thời gian để khắc phục, chỉnh sửa những hạn chế mới có thể hoàn thiện chiếc xe này. Tuy nhiên, hiện tôi rất vui vì công sức mình bỏ ra bước đầu đã mang lại kết quả tốt. Tôi tin là mình sẽ làm ra những chiếc xe tốt hơn nữa nếu có điều kiện”. Tổng chi phí để chế tạo chiếc xe năng lượng trên khoảng 60 triệu đồng. Để có tiền chế xe, anh Tuấn đã phải bán bớt trâu trong đàn.

Có bị cấm lưu hành ?

Theo lời anh Tuấn, thời gian qua, từ khi chế tạo thành công chiếc xe chở cỏ, dù lưu thông khá nhiều nơi và thỉnh thoảng gặp Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông nhưng anh chưa từng bị chặn lại hay xử phạt. “Có lẽ họ thấy mình chỉ chở lặt vặt quanh vùng, không gây ảnh hưởng cho người khác nên không làm khó”, anh nói.

Việc cho lưu hành những phương tiện tự chế như hai chiếc xe do anh Tuấn chế tạo là không đúng quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Thế nhưng, không vì thế mà chúng ta “dập tắt” ngọn lửa đam mê sáng tạo của một nông dân tài hoa một cách cứng nhắc.

 Vậy thì ngành chức năng sẽ có hướng xử lý trường hợp này như thế nào? Liệu có cơ quan nào quan tâm, hỗ trợ để tạo điều kiện cho “Hai Lúa” phát huy khả năng sáng tạo của mình, đồng thời có hướng giải quyết hợp tình hợp lý đối với các phương tiện tự chế của anh? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những vấn đề này trong các số báo sau.

HOÀNG ANH – ĐỨC AN

Từ khóa:
Tin liên quan