BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện kể nhân ngày 8.3:Hồi ức nữ biệt động

Cập nhật ngày: 07/03/2010 - 05:52

Chị Võ Thị Phong- nguyên PCT Hội LHPN Tây Ninh thời trẻ

Hồi đó, tụi chị còn trẻ lắm, mới mười mấy tuổi chớ bao nhiêu! Thấy nó ác quá thì “oánh” thôi, chớ có biết gì là đấu tranh 3 mũi giáp công, có biết gì là đấu tranh chính trị đâu nè.

Ngồi trong căn nhà khang trang trên đường Nguyễn Thái Học, Thị xã, chị Võ Thị Phong- nguyên PCT Hội LHPN Tây Ninh vừa ôn những năm tháng đấu tranh cách mạng của mình, vừa cười hề hà như đang “tám” một câu chuyện vui thường ngày. Khó mà hình dung ra người phụ nữ vui tính, xởi lởi trước mặt tôi hiện giờ chính là thủ lĩnh của một đội nữ biệt động từng khiến cho bọn Mỹ nguỵ đóng trên đất Trảng Bàng năm xưa phải bay hồn, bạt vía.

Đội nữ biệt động thị trấn Trảng Bàng do chị Phong làm đội trưởng ra đời năm 1969, đúng vào thời điểm vô cùng khó khăn của cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địch phản kích rất ác liệt sau cuộc tổng tiến công nổi dậy năm Mậu Thân 1968 của quân giải phóng miền Nam, gây không ít tổn thất nặng nề cho cách mạng. Thời ấy, vùng giải phóng ở Trảng Bàng gần như bị xoá sạch, cán bộ cách mạng bị giết, bị bắt bớ hàng loạt. Số còn lại rút sâu vào căn cứ hoặc giạt qua đất Campuchia, một số khác phải trú ẩn dưới hầm bí mật. Cũng năm này, Võ Thị Sa (tên cúng cơm của chị Phong) -cô nữ sinh trường trung học tư thục Thanh Khiết (ở thị trấn Trảng Bàng) được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Thật ra, trước đó một năm, Sa đã là người của cách mạng rồi. Thường xuyên chứng kiến cảnh người dân -do trốn khỏi ấp chiến lược bị địch bắn chết, kéo xác đi nhan nhản trước mắt, cô học trò lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) đã sớm hiểu ra được nhiều điều, thế nên khi được giác ngộ tư tưởng cách mạng là cô “thấm” liền. Thời gian đầu, Sa chỉ tham gia đi rải truyền đơn. Kế đến là đi kẽ khẩu hiệu tuyên truyền. Khẩu hiệu được kẽ ngay trên các bức tường trường học, những câu đại loại như: Đố ai quét sạch lá rừng/ Còn dân Mỹ nguỵ không ngừng đấu tranh…

(Kể đến đây, chị vỗ tay cái bép, cười ngặt nghẽo: “Mà viết bằng ruột cau tươi mới độc chớ! Dòng cái thứ cau tươi mà vẽ, viết lên tường thì bà cố thằng địch chùi cũng không ra. Chỉ có quét vôi chồng lên hai ba lớp mới che lấp nổi”).

Hồi đó, bọn tề nguỵ không thể ngờ cô bé học trò ngày ngày cắp sách tới trường lại chính là một trong “những tên Việt cộng nguy hiểm” mà chúng ngày đêm lùng sục. Sa cứ vừa đi học vừa tham gia đội biệt động thị trấn Trảng Bàng. Có lẽ thấy “con nhỏ học trò làm ăn coi cũng được” nên dần dần tổ chức cho phép Sa- tên thường gọi bây giờ là Phong đánh địch bằng lựu đạn. Trong đội biệt động, ngoài Phong, cánh nữ còn có Kiều, Loan, Lý (chị của Phong). Cô nào cũng trẻ măng mà gan lì không kém mấy đấng nam nhi.

Một đêm tháng 10 năm 1969, 3 cô gái biệt động trẻ Phong, Kiều, Lý cùng một đồng đội nam tên Sơn lãnh nhiệm vụ đi giao tài liệu, vũ khí cho một cơ sở mật. Cả nhóm đi từ Lộc Trát ra Lộc Du, chuẩn bị qua chợ Gia Huỳnh thì phát hiện có tiếng Mỹ xí xô xí xào bên đường. Sơn lập tức bảo mọi người lùi lại, để anh đi trước. Ngay sau đó, Sơn dính đạn của địch, ngã xuống. Các cô gái lập tức ném hết lựu đạn rồi lẩn nhanh vào các bụi rậm, chạy về nhà Phong. Bồn chồn, lo lắng cho đồng đội, các cô gái gan lì giờ chỉ biết… ôm nhau khóc.

Sáng sớm hôm sau, Phong, Kiều vẫn ôm cặp tới trường như bất cứ cô học trò ngoan hiền nào khác. Riêng Lý giả đò đi chợ để nghe ngóng tình hình. Ra đến chợ Trảng Bàng, cô lặng đi khi nhìn thấy xác của Sơn bị bọn lính nguỵ lôi về để ngay đầu chợ. Sơn hy sinh khi mới 17 tuổi.

 Điều nguy hiểm chết người là trong túi áo Sơn còn cái thẻ học sinh trường Thanh Khiết, có lẽ vì hồi tối vội quá, anh đã quên không bỏ nó ra trước khi đi. Hậu quả là sáng hôm ấy, bọn lính nguỵ kéo tới vây kín trường Thanh Khiết, lùng soát để tìm Việt cộng. Lúc đó, Phong và Kiều đang ngồi trong lớp học, trong bụng đánh lô tô nhưng ngoài mặt vẫn phải cố làm tỉnh. May là bọn địch chỉ tập trung chú ý vào đám con trai chứ không nghi ngờ mấy cô nữ sinh tay yếu chân mềm.

Cuối năm 1969, nhóm nữ trong đội biệt động thị trấn Trảng Bàng phát triển mạnh, được tách thành một đội riêng, do Phong làm đội trưởng. Thật ra trước đó, từ năm 1961 đến 1966, tại thị trấn Trảng Bàng cũng đã có một đội nữ biệt động với những tên tuổi lẫy lừng như Út Coi, Út Nghét… từng là nỗi ám ảnh của tề nguỵ trong suốt nhiều năm dài, nhưng về sau do các chị đã quá lộ nên phải đổi vùng. Thì lại mọc lên đội mới của Phong.

Lúc đầu đội nữ biệt động chỉ có 4 cô, dần dần gầy dựng thêm cơ sở, quân số tăng lên, lúc đông nhất đến 24 người. Ngoài việc kẽ khẩu hiệu tuyên truyền, in ấn -rải truyền đơn, may cờ, treo cờ mặt trận, tham gia biểu tình, chuyển giao vũ khí, tài liệu, địch vận vv..vv… các cô còn hăng hái tham gia đánh địch, diệt ác bằng vũ trang. Nhiều lần đội đã tấn công, trừng trị bọn đầu sỏ (chuyên phục vụ công cuộc “bình định nông thôn” của Mỹ nguỵ) ngay trong lòng thị trấn.

 Ngôi nhà của hai chị em mồ côi Lý và Phong được chọn làm căn cứ của đội. Ban đêm đây là chỗ hội họp, hoặc may cờ, in ấn tài liệu… phục vụ cách mạng, ban ngày là nơi chứa bọn cán bộ bình định, bảo an của địch (nhằm tạo bình phong). Tính ra, từ khi thành lập đến ngày giải phóng, đội nữ biệt động ấy đã tham gia khoảng vài chục trận đánh vũ trang lớn nhỏ. Cũng nhiều người trong đội bị địch bắt bớ, tra tấn dã man, có người bị đày ra Côn Đảo, bị hành hạ đến tàn phế.

Riêng đội trưởng Phong cũng 3,4 lần sa vào tay giặc, trong đó có một lần bị bắn trọng thương và bị bắt sống ngay tại căn cứ Suối Ba Làng ở An Tịnh. Bị hành hạ, tra khảo mãi, Phong vẫn cứ làm ra vẻ ngơ ngác, sợ sệt: “Tui có biết gì đâu. Đang đêm, mấy ông Việt cộng đột nhập vô nhà bắt tui đi. Họ nói sẽ xử tui vì cái tội chứa chấp mấy ông cán bộ bình định trong nhà. May mà có các ông tới đúng lúc, nếu không tui bị giết chết rồi”. Trải qua 4 tháng trời, giở đủ trò từ dụ dỗ, hù doạ đến đánh đập, tra điện… vẫn không moi được gì hơn từ cô gái nhỏ, bọn chúng đành phải thả cô về. Và Phong lại tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hoà bình rồi, từ giã vai trò của người chiến sĩ  biệt động, nữ đội trưởng Võ Thị Phong trở lại vị trí người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác. Chị công tác ở Hội  Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhiều năm liền. Sau chuyển sang cơ quan Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh trước khi nghỉ hưu vào năm 2008.

Điều khiến cho chị Phong cảm thấy thanh thản, tự hào là tất cả các nữ chiến sĩ trong đội biệt động ngày ấy, trước sau đều thuỷ chung với cách mạng,  luôn giữ vững khí tiết trước kẻ thù. Sau giải phóng, người tiếp tục công tác ở ngành nọ, ngành kia, người trở về nhà lo làm ăn kiếm sống. Lâu lâu, tất cả lại tụ họp về, cùng nhau ôn chuyện cũ, nhớ người xưa, cùng thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Gần cả đời cống hiến cho cách mạng, hiện nay chị Phong- nữ cán bộ hưu trí, thương binh 3/4 (chứng tích của một lần bị địch bắn xuyên sườn) đã lui về với cuộc sống riêng của mình. Gia đình êm ấm, con cái được ăn học nên người, chị không còn mong muốn, đòi hỏi gì hơn, bởi: “Mình vậy là may mắn, tròn vẹn lắm rồi. Trong chiến tranh, thiếu gì người đã phải chịu mất mát, hy sinh mà không kịp hưởng gì…”.

 Song chị Phong vẫn còn chút băn khoăn, áy náy khi thấy trong số đồng đội cũ của mình, nhiều người chỉ ao ước được một lần trong đời ra thủ đô Hà Nội thăm Lăng Bác,  vậy mà chưa bao giờ thoả nguyện, bởi cuộc sống riêng của một số chị em vẫn còn không ít khó khăn.

Chị Huỳnh Thị Thu Kiều (bên phải) đang vui vẻ trò chuyện với một người bạn

Chị Huỳnh Thị Thu Kiều, sinh năm 1953, hiện ngụ ấp An Khương, xã An Tịnh là một trong số những chiến sĩ đầu tiên của đội nữ biệt động thị trấn Trảng Bàng năm xưa. Hồi đó, chị học cùng lớp với chị Phong ở trường Thanh Khiết. Những năm tháng hoạt động cách mạng đã để lại trong chị nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trong đó, có những lần thoát khỏi cái chết trong gang tấc dưới làn đạn quân thù.

Lần nọ, chị Kiều được phân công tải vũ khí ra thị trấn để đánh trận diệt ác. Chị giấu lựu đạn dưới gốc cây sau nhà một người dân ở ấp Gia Huỳnh để chờ cơ hội. Sau khi điều nghiên, nắm đường đi nước bước của địch, vào một đêm tối trời, chị Kiều cùng hai chị khác núp dưới hàng bông bụp ven đường. Trên tay các chị cầm sẵn lựu đạn. Đợi cho những tên địch đến vừa tầm, các chị ném lựu đạn về phía chúng.  Lựu đạn nổ, nhưng địch chỉ bị thương vài tên và chúng bắn trả dữ dội.  Các chị nhanh chân rút lui khỏi làn đạn của địch. Rất may là không ai bị gì.

Năm 1972, lúc chị Kiều đang học tại Trường trung học Củ Chi thì bị bắt do bọn chiêu hồi chỉ điểm. Chị bị giam ở chi khu Trảng Bàng, sau đó chuyển về tỉnh Hậu Nghĩa (lúc ấy bao gồm các quận: Trảng Bàng, Củ Chi, Đức Hoà, Đức Huệ). Sau ba tháng bị giam giữ, mặc cho địch tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ, chị Kiều vẫn quyết không khai lời nào. Trước sau chị chỉ nói mình là học sinh và chỉ biết đi học mà thôi. Địch không đủ chứng cứ  buộc tội, đồng thời gia đình chị bán cả tài sản lo lót cho chúng, nên cuối cùng chị cũng được thả ra. Ra khỏi trại giam của địch, chị lại tiếp tục công việc của một chiến sĩ biệt động. Lúc này, chị nghỉ học hẳn và thoát ly gia đình cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Sau 30.4.1975, niềm vui nước nhà được hoàn toàn giải phóng chưa đầy một tháng, thì chị Kiều bị tai nạn giao thông. May mắn thoát chết, nhưng chị Kiều bị thương nhiều chỗ. Chị vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Chị đã được trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Hiện nay, chị là chi hội trưởng chi hội Phụ nữ ấp An Khương. Chị vẫn sống đơn thân trong căn nhà tình nghĩa đẹp và khang trang do đồng đội vận động xây tặng.

N.H

NhẤt PhưỢng

            (Ghi theo lời kể)