BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện kể ở cơ sở: Tự làm giấy “trả tự do nhau” được quyền đi cưới vợ?

Cập nhật ngày: 27/01/2010 - 05:56

(ảnh minh hoạ)

Chị Đ.H.K sinh năm 1974, ngụ xã T, huyện HT, làm đơn tường trình gởi đến UBND xã T yêu cầu xử lý hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình đối với anh N.D.A - chồng chị. Chị K cho biết, chị và anh A sau thời gian tìm hiểu, đã đi đến hôn nhân vào năm 1994 và có 3 đứa con. Năm 2008, khi đang có thai đứa con thứ 3, chị K phát hiện anh A có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ khác. Mặc dù đã nhiều lần thuyết phục, nhưng anh A không thay đổi tính tình mà ngược lại ngày càng xa rời vợ con. Mâu thuẫn gia đình vì thế ngày càng trầm trọng thêm. Cách đây khoảng 1 năm, chị K và anh A viết một tờ giấy: “trả tự do cho nhau”, rồi chị dẫn con đi xuống TP.HCM làm thuê. Những tưởng trong thời gian hai vợ chồng xa nhau, anh A sẽ suy nghĩ lại quay về với gia đình, nào ngờ vào tháng 1.2010, chị K nghe tin anh lập gia đình cùng với chị H ở xã B cùng huyện. Chị K tức tốc từ TP.HCM về tìm hiểu thì được biết anh A đã tổ chức đám cưới cùng chị H trước đó vài ngày. Quá bức xúc, chị K làm đơn gửi UBND xã T.

Khi UBND xã T làm việc, anh A có thừa nhận việc tổ chức đám cưới với chị H, nhưng biện minh rằng do chị K và anh đã viết giấy thoả thuận “trả tự do cho nhau” nên anh A là người “độc thân”, có quyền cưới vợ (?!). Với hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, anh A bị UBND xã T xử phạt hành chính, đồng thời buộc chấm dứt quan hệ vợ chồng trái pháp luật đối với chị H. Riêng chị H, khi nghe cán bộ Tư pháp phân tích việc tổ chức đám cưới giữa chị và anh A là vi phạm pháp luật đã bật khóc. Chị H cho biết lúc quen anh A, chị có hỏi về chuyện gia đình, anh A đưa cho xem tờ giấy “trả tự do cho nhau” giữa anh A và chị K. Vì vậy, chị H đinh ninh rằng anh A đã ly dị vợ nên yên tâm tiến hành tổ chức đám cưới cùng anh A.

Vụ việc trên tuy chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, chị H cũng nhận thấy sai trái của mình, quyết định chấm dứt quan hệ vợ chồng trái pháp luật với anh A. Nhưng cuối cùng cả chị K và chị H đều là nạn nhân của sự ích kỷ, lừa dối và bất chấp pháp luật của anh A. Hành vi của anh A pháp luật đã xử lý, nhưng còn lại là nỗi đau của chị K khi chồng phản bội, sự tức giận của chị H khi biết mình cũng bị anh A lừa dối do nhẹ dạ cả tin và thiếu hiểu biết về pháp luật. Điều còn đọng lại sau sự việc nêu trên theo tôi là vấn đề nhận thức về pháp luật, cụ thể trong trường hợp này là về Luật Hôn nhân và Gia đình của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Vì vậy, việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật đối với người dân ở nông thôn là vô cùng quan trọng. Nếu việc tuyên truyền giáo dục pháp luật của Nhà nước và việc thực hiện của nhân dân được tốt sẽ góp phần đáng kể vào việc thực thi pháp luật, đồng thời giữ được hạnh phúc gia đình, cũng như tránh được những lầm lỡ đáng tiếc có thể xảy ra như trường hợp của chị H.

TẤN HƯNG


 
Liên kết hữu ích