Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tiếp nối nhiều thế hệ, đông đảo nghệ nhân, gia đình, câu lạc bộ, đội đờn ca tài tử ở các địa phương trong tỉnh đã có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ, trao truyền cho thế hệ mai sau vốn quý của dân tộc.
Một tiết mục đờn ca tài tử tại liên hoan Nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương.
Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó Tây Ninh vinh dự là một trong 21 tỉnh, thành phố có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, đờn ca tài tử Nam bộ ở Tây Ninh được trao truyền qua nhiều thế hệ, đi sâu vào tâm thức của nhân dân, có sức sống mãnh liệt, lan toả, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, được toàn cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị.
Tiếp lửa cho đờn ca tài tử
Hiện nay, toàn tỉnh có 185 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm đờn ca tài tử - cải lương, 36 gia đình đờn ca tài tử, hàng trăm nghệ nhân là các hạt nhân nòng cốt trong hoạt động đờn ca tài tử ở cơ sở. Tiếp nối nhiều thế hệ, đông đảo nghệ nhân, gia đình, câu lạc bộ, đội đờn ca tài tử ở các địa phương trong tỉnh đã có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn và phát triển phong trào đờn ca tài tử Nam bộ, trao truyền cho thế hệ mai sau vốn quý của dân tộc.
Trong đó, có thể kể đến CLB lớp nhạc lễ và đờn ca tài tử Về nguồn (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành). Hơn 18 năm qua, bao thế hệ trẻ từ lớp học của CLB đã tiếp bước cha chú bảo tồn loại hình đờn ca tài tử. Điều ấn tượng của CLB là các học viên đều trong độ tuổi còn rất nhỏ, nhưng các em lại có những ngón đờn điêu luyện, bài bản, thể hiện niềm yêu thích, say mê với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử.
Câu lạc bộ là tâm huyết với nghiệp đờn ca tài tử của ông Nguyễn Văn Long- Chủ nhiệm CLB, còn được gọi ông Sáu Long. Chính từ mong muốn gìn giữ bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử, ông Sáu Long đã tận tâm đem hết ngón nghề của mình truyền dạy cho các em nhỏ tại địa phương.
Hiện nay, CLB đang duy trì giảng dạy, tổ chức sinh hoạt cho hơn 10 em học viên vào các ngày cuối tuần. Đến đây, đầu tiên các học viên sẽ được học món đờn cò. Sau đó, tuỳ khả năng và sở thích, mỗi em sẽ chọn lựa học thêm các loại nhạc cụ khác như: đờn kìm, đờn tranh, đờn sến, đờn tam, đờn tì bà, guitar.
Qua việc tổ chức sinh hoạt, giảng dạy, ông Sáu Long đã phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới để tham gia vào các hội thi do huyện, tỉnh tổ chức, từ đó góp phần đào tạo một lớp kế thừa bộ môn đờn ca tài tử tại địa phương. CLB đã trở thành nơi trau dồi, cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê đờn ca tài tử cho thế hệ trẻ.
Gia đình đờn ca tài tử anh Phan Thanh Tú và chị Phạm Thị Ngọc Vân.
Trong khi bạn bè cùng lứa dành thời gian cho các hoạt động giải trí hiện đại, em Trần Ngọc Như Ý, 11 tuổi, thành viên CLB Lớp nhạc lễ lại có niềm đam mê đặc biệt với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Yêu thích đờn ca tài tử từ nhỏ, Như Ý sớm được ba mẹ tạo điều kiện cho theo học ở CLB Về nguồn để phát huy năng khiếu.
Tham gia vào CLB được gần 5 năm, hiện Như Ý có thể chơi được 2 loại nhạc cụ là đờn cò và guitar. Như Ý chia sẻ: “Em thích nhất là những dịp được tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn để được giao lưu với những bạn có cùng sở thích”. Đối với Như Ý, CLB đã trở thành ngôi nhà thứ 2, nơi đây em có thể “cháy” hết mình, say sưa bên các loại nhạc cụ, gửi trọn cảm xúc vào những bản tài tử trầm bổng.
Có một điều thú vị, hiện nay rất nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh, nhiều thế hệ thành viên đã gắn bó đờn ca tài tử từ đời này sang đời khác.
Điển hình như gia đình anh Phan Thanh Tú và chị Phạm Thị Ngọc Vân (ngụ tại xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) có thâm niên hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử. Cặp vợ chồng Thanh Tú và Ngọc Vân là những gương mặt quen thuộc tại các hội thi, hội diễn đờn ca tài tử trong tỉnh. Anh Tú nổi tiếng với các ngón đờn như sến, kìm, guitar. Còn giọng ca ngọt ngào của chị Vân từng đoạt giải Nhất Giọng hát hay của tỉnh Tây Ninh năm 2006. Vừa qua, gia đình anh chị đã nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Thừa hưởng dòng máu nghệ thuật của cha mẹ, cô con gái út của anh chị cũng sớm bộc lộ năng khiếu. Anh chị đã truyền dạy cho con gái những bản đờn ca tài tử. Mỗi lần đi sinh hoạt CLB đờn ca tài tử, hai vợ chồng lại dắt con gái theo cho con làm quen, hát góp vui. Vào mỗi buổi chiều, sau khi làm xong hết công việc nhà, cả gia đình anh chị lại cùng nhau ngồi cất tiếng ca, tiếng đờn với những bản tài tử mộc mạc, gần gũi, vừa vui, vừa gắn kết gia đình.
Niềm đam mê của gia đình anh chị được bà con lối xóm ủng hộ, thu hút mọi người thích thú đến nghe, hết lời khen ngợi. “Thấy con gái yêu thích bộ môn đờn ca tài tử, vợ chồng tôi rất vui, vì đã có người nối nghiệp. Vợ chồng tôi sẽ tạo cơ hội để con gái phát huy năng khiếu, sống trọn với đam mê của mình”, chị Vân bộc bạch.
Còn lắm gian nan
Có thể thấy, hiện nay, phong trào đờn ca tài tử đang phát triển khá mạnh từ nông thôn đến thành thị; hầu như xã, phường, thị trấn đều có CLB, đội đờn ca tài tử sinh hoạt, tạo điều kiện cho các tài tử ca, tài tử đờn, nghệ nhân giao lưu, học hỏi, trau dồi kỹ năng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Thế nhưng, phong trào đờn ca tài tử, hoạt động của các CLB ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Lư Kim Hải, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Gò Dầu cho biết, CLB có 50 thành viên, nhưng hoạt động chính thức chỉ có 20 thành viên. Thời gian qua, việc tập hợp, sinh hoạt, giao lưu của các hội viên trong CLB chưa được thường xuyên như mong muốn. Nguyên do, quỹ hoạt động của các CLB còn hạn hẹp, chủ yếu các hội viên tự đóng góp.
Nhiều hội viên bận rộn với mưu sinh nên không tham gia sinh hoạt đầy đủ. Các thành viên trong CLB không có nhiều địa điểm, hội thi để biểu diễn, phát triển tài năng. Để thu hút, tạo điều kiện cho các hội viên trong CLB được trau dồi kỹ năng, giao lưu, học hỏi, CLB đã tự thân vận động nguồn xã hội hoá để các thành viên đi giao lưu với CLB đờn ca tài tử ở các tỉnh bạn, cố gắng duy trì mỗi năm 3 đợt.
Theo ông Hải, đa số thành viên tham gia sinh hoạt ở các CLB là những người có tuổi, còn người trẻ tuy có nhưng không nhiều. Việc truyền dạy cũng gặp khó khăn vì giới trẻ không mấy mặn mà. Ông Hải cho rằng, để giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử, ngành văn hoá cần tăng cường tổ chức sinh hoạt định kỳ, giao lưu thường xuyên giữa các CLB ở các huyện, thành phố trong tỉnh với nhau. Tạo thêm sân chơi cho các tài tử đờn, tài tử ca, nghệ nhân biểu diễn để trau dồi đờn ca, phát triển thêm bài bản, điệu thức.
Các học viên của CLB Lớp nhạc lễ và đờn ca tài tử Về nguồn.
Ông Lâm Văn Hiếu, ngụ tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, một trong những tay đờn có tiếng trong tỉnh cho biết, đờn ca tài tử trở thành nghề kiếm sống chính của ông mấy chục năm qua. Tuy trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, nhưng ông vẫn quyết theo đuổi nghề, giữ đam mê của mình. Ông cũng đã truyền ngón đờn lại cho những người cháu của mình.
Theo ông Hiếu, học đờn ca tài tử phải thường xuyên giao lưu học hỏi, mới nhanh tiến bộ. Tập luyện nhưng không được biểu diễn, trau dồi ngón đờn, câu ca sẽ dễ bị mai một. Cho nên, cần có nơi sinh hoạt, có quỹ cho CLB hoạt động thường xuyên, tạo được động lực để các nghệ nhân theo đuổi, nuôi dưỡng niềm đam mê.
Với sự “nở rộ” phong trào đờn ca tài tử, các CLB, đội đờn ca tài tử ở các xã, thị trấn ra đời khá đông. Tuy nhiên, nhiều CLB hoạt động chưa thật sự hiệu quả, chưa được củng cố, sinh hoạt thường xuyên, nội dung sinh hoạt thiếu phong phú, dẫn đến việc dễ tan rã, khó thu hút được tài tử đờn ca.
Bây giờ, người ta có thể nghe ca đờn ca tài tử ở khắp nơi nhưng hát mang tính chất “vui vẻ” là chính, còn hát đúng bài bản, đúng chất đờn ca tài tử thì không nhiều. Do đó, ngành chức năng cần quan tâm đến hình thức lưu truyền, phổ biến nghệ thuật đờn ca tài tử để giữ giá trị, bản sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này.
CHÂU PHA - HOÀ KHANG