BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện không lớn!

Cập nhật ngày: 22/11/2015 - 05:28

Xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai gia đình, nên vào lúc 17 giờ 45 ngày 29.11.2014, anh K bị anh C đánh và giẫm đạp lên người gây thương tích nhiều chỗ, phải nhập viện điều trị hết 8 ngày. Sau khi ra viện, Công an xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng tiến hành hoà giải, nhưng không thành do anh C không đồng ý bồi thường tiền thiệt hại về sức khoẻ cho anh K.

Khi khởi kiện tại TAND huyện Trảng Bàng, anh K yêu cầu anh C phải bồi thường số tiền 3,56 triệu đồng, bao gồm tiền thuốc và viện phí (1,06 triệu đồng), tiền bồi dưỡng sức khoẻ 8 ngày nằm viện (800.000 đồng), tiền mất thu nhập trong 8 ngày nằm viện (1,6 triệu đồng) và tiền mất một đôi dép da khi bị anh C đánh (100.000 đồng).

Tại phiên toà sơ thẩm, anh C thừa nhận có đánh anh K, với ý định muốn anh K tránh đường cho vợ anh C chạy xe về nhà. Hai ngày sau đó anh K mới đi nằm viện. Theo anh C thì anh K là người có lỗi vì cản trở việc lưu thông và có hành vi sàm sỡ với vợ anh. Do đó anh C không đồng ý bồi thường bất cứ khoản tiền nào cho anh K

Cấp sơ thẩm cho rằng, có căn cứ cho thấy anh K có hành vi chặn đường không cho vợ anh C điều khiển xe đi trên đường (có chở 1 đứa con nhỏ và 1 bó chà) và chửi mắng vợ anh C. Nghe vợ mình tri hô, anh C ở gần đó chạy đến can ngăn, nhưng anh K vẫn không cho vợ anh C điều khiển xe đi qua.

Trong lúc tức giận, anh C đã đánh anh K. Qua đó cho thấy anh K hoàn toàn có lỗi trong vụ việc này. Vì vậy không đủ căn cứ theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự và quy định tại khoản 1 phần I Nghị quyết số 03/2006/NQ9-HĐTP ngày 8.7.2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để buộc anh C bồi thường cho anh K.

Riêng việc mất đôi dép da thì từ khi Công an xã Gia Lộc mời làm việc đến khi lập biên bản giải quyết, anh K không có khai. Mặt khác anh K cũng không chứng minh được có mất đôi dép da nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu anh C bồi thường.

Sau phiên toà sơ thẩm, anh K kháng cáo toàn bộ bản án, đồng thời bổ sung thêm yêu cầu anh C phải xin lỗi công khai. Tại phiên toà phúc thẩm, cả anh K và anh C đều không thể thống nhất được việc bồi thường. Anh K không thừa nhận bản thân mình có lỗi do chặn xe vợ anh C, còn anh C chỉ chịu bồi thường cho anh K 50% tiền thuốc, không đồng ý bồi thường các khoản tiền khác.

Hội đồng xét xử phúc thẩm cho rằng, có căn cứ xác định anh K có hành vi cản đường không cho vợ anh C đi qua, nên anh K có lỗi. Tuy nhiên hậu quả vẫn chưa xảy ra, chưa gây thiệt hại gì đối với vợ con anh C. Trong khi đó, anh C không khuyên can yêu cầu anh K tránh đường cho vợ mình đi mà dùng tay đánh và xô anh K, làm anh K té ngã, rồi bỏ mặc.

Hậu quả là anh K bị chấn thương phần mềm, phải nằm viện điều trị 8 ngày, tốn tiền thuốc, tiền viện phí. Như vậy anh C cũng có một phần lỗi. Cấp sơ thẩm xem xét cho rằng anh K có lỗi hoàn toàn, không buộc anh C bồi thường là thiếu căn cứ.

Về mức độ bồi thường, Hội đồng xét xử cho rằng số tiền thuốc, tiền bồi dưỡng nằm viện, tiền mất thu nhập, tổng cộng là 3,46 triệu đồng theo anh K yêu cầu là có căn cứ hợp lý, riêng yêu cầu bồi thường đôi dép 100 ngàn đồng là không có căn cứ và yêu cầu anh C phải công khai nhận lỗi cũng không có căn cứ.

Do cả hai cùng có lỗi nên Toà phúc thẩm buộc anh C bồi thường phân nửa tổng mức bồi thường theo yêu cầu của anh K- cụ thể là 1,73 triệu đồng.

Sau phiên toà phúc thẩm, anh C cho rằng Toà buộc bồi thường 50% tổng số tiền là không thoả đáng, anh chỉ đồng ý bồi thường 50% tiền thuốc điều trị mà thôi. Từ đó anh C cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại.

Sau khi Toà phúc thẩm tuyên và nghe ý kiến anh C, nhiều người dự khán băn khoăn: Hai anh K và C là hàng xóm với nhau, chuyện xô xát gây hậu quả không nghiêm trọng, số tiền bồi thường không lớn, Hội đồng xét xử đã cố gắng động viên, hoà giải để hai anh cảm thông, hàn gắn lại tình làng nghĩa xóm với nhau.

Thế là qua 2 cấp xét xử, vụ việc vẫn chưa êm xuôi, có thể còn tiếp diễn, chỉ vì khoảng chênh lệch hơn 1 triệu đồng giữa mức Toà tuyên buộc và mức đề xuất của bị đơn.

Một số người cho rằng, số tiền hơn 1 triệu đồng có khi chưa đủ để làm chi phí đi lại “hầu toà”, đó là chưa kể phải bỏ công ăn, việc làm để đến Toà trong thời gian thụ lý.

NGHĨA NHÂN