Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thành phố Tây Ninh:
Chuyển mình phát triển
Thứ hai: 05:51 ngày 24/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm năm qua, chính quyền đã đầu tư nhiều về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nội thị. Rồi nhiều dự án lớn được đầu tư, làm cho bộ mặt Thành phố khang trang hơn.

Nhiều công trình mới mọc lên trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Trong ảnh, Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, khu nhà phố shophouse Vincom Tây Ninh dự kiến khai trương vào ngày 24.12.2018. Ảnh: Đ.H.T

Cách đây 5 năm, ngày 29.12.2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/NQ-CP về việc thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh, gồm 7 phường, 3 xã với diện tích 1.400 km2, dân số 130.899 người. Năm năm qua, Thành phố chuyển mình phát triển, tốc độ đô thị hoá dọc theo các tuyến đường nội, ngoại thành ngày càng nhanh... Bộ mặt đô thị ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần có giải pháp xử lý nhằm đưa thành phố Tây Ninh trở thành đô thị loại 2 trong tương lai.

PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ NHƯNG CHƯA ĐỒNG BỘ

Anh Nguyễn Văn Tâm- ngụ khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh cho biết, là cư dân lớn lên và sinh sống tại thành phố Tây Ninh, anh cũng như bao nhiêu người dân khác đều phấn khởi trước những đổi thay kể từ khi thị xã “lên” thành phố. Năm năm qua, chính quyền đã đầu tư nhiều về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nội thị. Rồi nhiều dự án lớn được đầu tư, làm cho bộ mặt Thành phố khang trang hơn. Tuy nhiên, anh Tâm cho rằng, thành phố Tây Ninh dù có những phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng chưa đồng bộ. Đơn cử như tình trạng ngập nước tại một số địa điểm vẫn diễn ra hằng năm nhưng chưa được Thành phố xử lý dứt điểm.

Song song đó, bộ mặt Thành phố chỉ khang trang ở mặt chính của các tuyến đường, phía trong vẫn còn hình ảnh… “nông thôn”, như các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Bời Lời, 30.4… Đây là một vấn đề mà Thành phố cần quan tâm.

Theo UBND TP. Tây Ninh, đô thị vẫn còn khá nhiều tồn tại, nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống cấp nước, cấp điện, thoát nước và vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực trong Thành phố hạn chế và xuống cấp; thiếu các tuyến đường giao thông trọng điểm để kết nối liên vùng, làm giảm tốc độ lưu thông hàng hoá; hệ thống kênh rạch, cống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ đúng kỹ thuật dẫn đến ngập cục bộ khi có mưa lớn ở nhiều nơi...

Đô thị phát triển chỉ chủ yếu ở ven các trục đường chính, còn lại phía trong khu dân cư mật độ còn rất thấp, đất vườn cây nhiều, chưa có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng vào các khu vực này. Đây là những nhân tố chính dẫn đến kết quả Thành phố còn 40/59 tiêu chuẩn của đô thị loại II chưa đạt theo quy định.

Công tác quy hoạch và quản lý đô thị tại thị xã Tây Ninh trước đây còn nhiều bất cập. Các quy hoạch chi tiết được lập từ năm 2001-2003 đến nay, đã quá thời hạn rà soát để điều chỉnh (theo quy định 3 năm), chưa phủ kín vùng nội thành. So với hiện nay, tư duy, tầm nhìn, ý tưởng, định hướng và dự báo phát triển có nhiều thay đổi, rất nhiều dự án không còn phù hợp, bất hợp lý và không còn khả thi, “treo” lâu dài, gây bức xúc trong nhân dân, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh và phát triển đô thị, cũng như tạo khó khăn trong quản lý xây dựng, quản lý đô thị nhưng chậm rà soát, điều chỉnh.

Dù UBND Thành phố đã lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị... nhưng tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè vi phạm hành lang đường bộ vẫn còn xảy ra, chưa giải quyết dứt điểm. Thành phố cũng chưa có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng ngập úng cục bộ trong nội thành do chưa có nguồn kinh phí.

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

UBND thành phố Tây Ninh cho biết, trong 5 năm qua, Thành phố đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn, chiến lược thực hiện các dự án trên địa bàn. Trong đó có nhiều dự án lớn đã và đang xây dựng, đưa vào sử dụng như: khu dịch vụ thương mại Thành Thành Công; Toyota Lý Thường Kiệt- chi nhánh Tây Ninh; Khu dân cư Phú Thịnh, Tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và khu nhà phố thương mại Shophouse - Vincom Tây Ninh… cùng một số dự án về giao thông, y tế, giáo dục, văn hoá, điện, nước, nông nghiệp… Ngoài ra, còn có các nhà đầu tư lớn đang đề xuất nhiều dự án có quy mô lớn về du lịch, thương mại, dịch vụ.

Từ dự báo về tầm nhìn, các lĩnh vực về du lịch, dịch vụ - thương mại, nông nghiệp sạch công nghệ cao sẽ tăng trưởng nhanh, thành phố Tây Ninh sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước… nên cần có nhiều khu vực quy hoạch đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.

Để phù hợp với định hướng mô hình thành phố kinh tế - sinh thái (Eco kép), bền vững; phù hợp với tiêu chí của đô thị loại II vào trước năm 2025… Ngày 1.8.2017, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND về phát triển đô thị thành phố Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. UBND Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch về phủ xanh Thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, nhằm xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 113/QĐ-UBND, ngày 9.11.2017 về kế hoạch chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè vi phạm hành lang đường bộ trên địa bàn; đã tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, tạo sự lan toả trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Đội Quản lý trật tự đô thị thường xuyên phối hợp với cán bộ địa chính - xây dựng của phường, xã quản lý tốt tình hình xây dựng, bảo đảm đúng theo giấy phép, tuân thủ quy chế kiến trúc, quy hoạch đô thị. 

UBND TP. Tây Ninh kiến nghị tỉnh có các quy định, chính sách đầu tư ưu tiên để tiếp tục phát triển Thành phố theo tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 12.7.2012 của Tỉnh uỷ Tây Ninh; sớm triển khai dự án đường 3 tháng 2 (Hoàng Lê Kha nối dài) theo Nghị quyết HĐND tỉnh, hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án đường C (Lê Duẩn) giai đoạn 2 góp phần giải quyết tình trạng ngập úng khu vực phường 3 và phường Hiệp Ninh.

Một góc thành phố Tây Ninh.

Thành phố Tây Ninh khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục tập trung vốn xây dựng, phát triển các tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn; xây dựng hạ tầng du lịch, thương mại, dịch vụ tại các vị trí trung tâm của Thành phố như đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Lạc Long Quân...

Thành phố sẽ thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, kỹ thuật cao nhằm cải thiện thu nhập, ổn định sinh kế, khuyến khích hộ nghèo có ý thức vươn lên làm giàu, cũng như thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Để TP. Tây Ninh phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, UBND Thành phố đã đưa ra các giải pháp mang tính đột phá như: xin chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới gồm trung tâm hành chính mới, khu thương mại, quảng trường, bảo tàng... bảo đảm công năng, thẩm mỹ, tạo điểm nhấn đô thị và có công trình mang tính đặc trưng của Tây Ninh bằng nguồn vốn thực hiện thanh lý nhà đất công và dành cho đầu tư phát triển Thành phố; mở rộng liên kết đầu tư phát triển công nghiệp, khu dân cư, dịch vụ công với sự tham gia của khu vực tư nhân PPP (đối tác công tư) trong và ngoài nước.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh